Những người lính Việt Nam trong hàng ngũ duyệt binh huyền thoại năm 1941

Văn Đức |

Đúng 78 năm trước, ít nhất 6 người lính Hồng quân Việt Nam, kề vai sát cánh bên những người anh em Liên Xô, anh dũng chiến đấu bảo vệ Matxcơva.

Tất nhiên, không thể nào có thể tái hiện lại hoàn toàn không khí hào hùng của cuộc duyệt binh 78 năm về trước (7/11/1941).

Nhưng trên Quảng trường Đỏ hôm nay vẫn sẽ có những chiếc xe tăng KV và T-34, xe bọc thép, đại pháo, xe máy với tuổi đời 78 năm, quy tụ về đây từ nhiều bảo tàng của nước Nga, và có cả kỵ binh.

Trên một số chiếc xe tăng và xe bọc thép, người ta vẫn có thể chiêm ngưỡng vết tích đạn pháo của kẻ thù. Các binh sĩ và thủy thủ sẽ khoác trên mình quân phục của năm 1941.

Trong suốt thời gian dài, chỉ có một nhóm nhỏ các chỉ huy quân sự và lãnh đạo Chính phủ Nga và Việt Nam mới biết về sự tham gia của những người lính Việt Nam trong cuộc duyệt binh năm 1941, trong công cuộc bảo vệ Matxcơva và các trận chiến khác của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Lần đầu tiên, sự thật này được công chúng biết đến vào năm 1967, từ một cuộc phỏng vấn của Đài Phát thanh Matxcơva (khi đó gọi là “Đài Tiếng nói Nga”) với Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng”- nhà sử học Maxim Sunnerberg cho biết.

Đến năm 1971, Tướng Vinarov, nguyên chỉ huy lực lượng phòng thủ Matxcơva, nhắc về điều này trong cuốn hồi ký của mình.

Những người lính Việt Nam trong hàng ngũ duyệt binh huyền thoại năm 1941 - Ảnh 2.

Đúng 78 năm trước, ít nhất 6 người lính Hồng quân Việt Nam, kề vai sát cánh bên những người anh em Liên Xô, anh dũng chiến đấu bảo vệ Matxcơva. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng)

Đội ngũ của “Đài Tiếng nói Nga” thường trú tại Việt Nam quyết định đi tìm danh tính của những người lính Việt Nam tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nước Nga.

Công cuộc tìm kiếm có sự tham gia của các cựu thành viên Ủy ban điều hành Quốc tế Cộng sản, những người từng tham gia trận chiến ở ngoại ô Matxcơva, các nhà sử học, các nhân viên bảo tàng và nhân viên lưu trữ của cả hai nước.

Công cuộc tìm kiếm không hề đơn giản. Việc rà soát lại giấy tờ rất phức tạp, thậm chí những người lính Việt Nam khi đó còn có cả những cái tên Nga.

Ví dụ, một trong số họ được các đồng đội gọi là Volodya Oktyabrsky. Sau nhiều năm kiên trì tìm kiếm, xác định được danh tính của 6 người Việt Nam tham gia cuộc duyệt binh huyền thoại năm 1941.

3 chiến sĩ Hồng quân người Việt hy sinh anh dũng trên trong Trận chiến Matxcơva vào tháng 1/1942. Đó là các liệt sĩ Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất. Cả 3 đều là người làng Kim Liên.

Một người cùng quê khác với 3 liệt sĩ trên là ông Vương Thúc Tình.

Sau khi quân đội Đức bị đẩy lùi khỏi Matxcơva, ông Tình, cũng giống như những nhà cách mạng từ một số nước châu Á khác bị Nhật Bản xâm chiếm khi đó, được gửi trở về nước theo quyết định của lãnh đạo Liên Xô, với nhiệm vụ phát triển phong trào cách mạng tại đất nước mình để có thể đánh đuổi quân Nhật.

Nhưng trên đường đi qua Trung Quốc, vào cuối năm 1942, ông Tình bị quân Tưởng Giới Thạch bắt và thủ tiêu.

Những người lính Việt Nam trong hàng ngũ duyệt binh huyền thoại năm 1941 - Ảnh 4.

Bộ hiện vật của Bảo tàng Lực lượng Vũ trang TƯ Liên bang Nga bổ sung thêm họ tên của các chiến sĩ Hồng quân người Việt tham gia bảo vệ Matxcơva mùa Đông 1941-1942. (Ảnh: Sputnik)

Hai người còn lại là Lý Tự Thông và Lý Văn Minh – tiếp tục cầm súng chiến đấu chống phát xít Đức.

Theo thông tin mà “Đài Tiếng nói Nga” có được, vào mùa hè năm 1942, 2 người lính Việt Nam chuyển sang đảm nhiệm công tác thông tin chính trị tại một trường đào tạo chỉ huy thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới đặc biệt – OMSBON.

Được biết, vào cuối năm 1942, chỉ còn lại 1 người lính Việt Nam tại OMSBON. Thật tiếc rằng, sau đó không còn thông tin gì về số phận của họ nữa.

Công cuộc tìm kiếm vẫn đang được tiếp tục.

Tại lối vào Matxcơva hướng từ sân bay Sheremetyevo, một tượng đài được dựng lên để tưởng nhớ những người lính Hồng quân bảo vệ thủ đô Nga vào cuối năm 1941. Đó là bản sao bằng bê tông được phóng to nhiều lần từ hình ảnh những chướng ngại vật chống tăng.

Đây chính là nơi mà chiến tuyến phòng thủ của Matxcơva được đặt, và cũng chính tại đây, những người lính OMSBON, trong đó có cả Hồng quân Việt Nam, kiên cường phòng thủ.

Vinh quang vĩnh cửu dành cho họ. Ký ức đó sẽ mãi được lưu truyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại