Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ năm 1967 – 1968 và 1972, đế quốc Mỹ đã thả hàng vạn quả thủy lôi và bom từ trường nhằm phong tỏa sông, biển miền Bắc, ngăn cản sự viện trợ của bạn bè quốc tế cho Việt Nam và ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Tháng 2/1967, đế quốc Mỹ thả thủy lôi phong tỏa 4 cửa sông lớn ở phía Bắc khu IV, gồm: sông Mã, sông Lam, sông Gianh và sông Nhật Lệ. Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho Đại đội 8 (sau chuyển thành Đội 8) Công binh cử ngay một tổ vào khu IV, phối hợp với lực lượng tại chỗ để khảo sát, nghiên cứu tìm cách rà phá, tháo gỡ.
Với những dụng cụ thô sơ, bằng trí thông minh và lòng quả cảm, những người lính công binh do ông Trương Thế Hùng, Đại đội phó kỹ thuật trực tiếp phụ trách đã từng bước tìm ra nguyên lý hoạt động của thủy lôi địch, biến những vũ khí tối tân của giặc Mỹ thành những khối sắt thép vô dụng...
Người lính từng "bắt sống" những quả thủy lôi đầu tiên của đế quốc Mỹ năm nào, nay đã 91 tuổi, nhưng kỷ niệm về những ngày chiến tranh ác liệt vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ.
“Chúng tôi tháo gỡ thành công 2 quả thủy lôi của Mỹ đầu tiên, 1 quả thủy lôi chìm đáy không chạm nổ gọi là thủy lôi cảm ứng từ (MK-52) và một quả thủy lôi chìm đáy không chạm nổ âm thanh (MK-50).
Yêu cầu của trên là làm sao tháo gỡ được để nghiên cứu được nó làm việc thế nào. Tháo gỡ thành công 2 quả thủy lôi một cách hoàn chỉnh, chúng tôi đã mở được đột phá khẩu cho cuộc chiến tranh chống phong tỏa”, ông Hùng nhớ lại.
Ông Trương Thế Hùng, Đội trưởng Đội 8 Công binh đang tháo gỡ quả thủy lôi MK-52 tại Nam Đàn (Nghệ An) ngày 16/3/1967.
Năm 1972, cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta ở miền Nam đã đẩy ngụy quân Sài Gòn vào tình thế nguy khốn.
Với mưu đồ cắt đứt tuyến tiếp viện đường thủy từ Miền Bắc vào Nam, cứu vãn sự thất bại của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", đế quốc Mỹ tiếp tục thả hàng vạn quả bom từ trường, thủy lôi, bom mìn ở các cửa sông, ven biển phía Bắc, từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Cửa Tùng, Cửa Việt...
Ngoài những kỹ thuật, kinh nghiệm rà phá thủy lôi, bom từ trường đúc rút từ việc rà phá vật liệu nổ dưới nước từ những năm 1967 - 1968, Bộ tư lệnh Hải quân đã thành lập bộ phận nghiên cứu chống địch phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường, phối hợp với các lực lượng Công an vũ trang, Cục đường biển...thực hiện rà phá thủy lôi.
Ông Vũ Nghiễn (bên phải) và ông Nguyễn Hữu Chạm (bên trái), những người lính Đội 8 Công binh Hải quân anh dũng năm xưa.
Ông Vũ Nghiễn, nguyên Chính trị viên Đội 8, nguyên Cục Phó Chính trị, Bí thư Đảng ủy Cục Hậu cần (Quân chủng Hải quân) kể: “Tìm thì chủ yếu lặn mò ở các cửa sông bến cảng. Ngoài này, chủ yếu ở cửa sông Nam Triệu thì ở dưới mặt nước. Sông Mã thì trên bãi cạn.
Lúc thủy triều lên thì thủy lôi nằm sâu xuống, thủy triều xuống thì nó lại nổi lên. Thủy lôi thì càng cào lại càng chìm xuống. Về sau anh em phát hiện ra, khi nước thủy triều xuống thì làm bè buộc thủy lôi lên bè ấy, nước thủy triều lên thì cứ thế kéo lên”.
Ngày 15/5/1972, ông Trương Thế Hùng và những người lính Đội 8 Công binh tháo gỡ thành công quả thủy lôi đầu tiên trong cuộc phong tỏa lần thứ hai của Đế quốc Mỹ tại cửa sông Nam Triệu (Hải Phòng). Đến ngày 18/5/1972, các đơn vị Khu vực 4 của Hải quân đã mở thông luồng từ cảng Gianh đến khu chuyển tải Hòn La.
Đây là thành tích thông luồng đầu tiên của quân dân miền Bắc trong cuộc chiến chống phong tỏa đường biển lần thứ hai của đế quốc Mỹ. Sau đó, các cán bộ kỹ thuật Hải quân, Công ty bảo đảm Hàng hải Hải Phòng đã sáng chế thành công thiết bị phóng từ hiện đại để rà phá các loại thủy lôi.
Những chuyến tàu vận tải lương thực, vũ khí vào các bến cảng ở Quân khu 4 và miền Nam xuất phát từ cảng Hải Phòng, vượt qua nhiều bãi bom từ trường địch rải dày đặc vẫn an toàn, đến đích đúng thời gian quy định.
Ông Nguyễn Hữu Chạm, nguyên đội trưởng đội thợ lặn, Đội 8 Công binh Hải quân nhớ lại: “Dùng từ trường phá từ trường. Tức là quả bom từ trường ấy có dùng phóng xạ, thu sắt thép. Phá bom từ trường thì dùng tôn, kéo đi kéo lại trên cánh bom từ trường để kích cho nó nổ.
Ở dưới nước thì dùng nam châm. Giai đoạn sau ở cửa Nam Triệu không dùng tôn nữa mà dùng máy móc. Dùng máy móc để kích từ. Phóng từ trên tàu phóng đi. Có quả nổ cách tàu 30m, có quả nổ cách tàu 50m. Ta không dùng sức mà dùng kỹ thuật, an toàn hơn”.
Ông Trương Thế Hùng, người lính từng "bắt sống" những quả thủy lôi đầu tiên của đế quốc Mỹ năm nào, nay đã 91 tuổi, nhưng kỷ niệm về những ngày chiến tranh ác liệt vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ.
Với tinh thần quyết tâm "đánh địch mà tiến, mở luồng mà đi", cán bộ chiến sĩ Hải quân kiên cường, dũng cảm, liên tiếp phá hủy các bãi thủy lôi của địch.
Đêm đêm, dưới ánh đèn dù và bom đạn của địch, các tàu rà phá của ta không ngừng hoạt động, quần đi quần lại các bãi thủy lôi suốt từ vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến Quân khu 4. Tháng 1/1973, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với Cục Vận tải đường biển tổ chức rà quét, khai thông luồng Nam Triệu vào cảng Hải Phòng.
Không trực tiếp cầm súng tham gia vào những đoàn quân tiến về giải phóng miền Nam, những người lính công binh Hải quân góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975 bằng việc khai thông những luồng hàng hải, đảm bảo an toàn cho những con tàu vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa chi viện cho chiến trường miền Nam./.