Nơi mà chúng tôi đang nói đến là xóm chài Thủy Phú (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) nằm ở cuối nguồn, nơi hợp lưu của sông Bồ và sông Hương trước khi đổ ra Biển Đông.
Xóm vạn đò cuối cùng
Trong khi hàng nghìn người dân vạn đò ở Thừa Thiên – Huế được nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ lên bờ định cư thì ở xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế), 24 hộ dân với 120 nhân khẩu vẫn còn “mắc kẹt” với cuộc sống lênh đênh trên sông nước mấy chục năm nay.
Làng chài Thủy Phú được ví như xóm vạn đò cuối cùng ở Thừa Thiên - Huế.
Xóm chài nghèo này được xem như là xóm vạn đò cuối cùng còn tồn tại ở Thừa Thiên – Huế. Cuộc sống của những phận người nơi đây cũng lênh đênh như sóng nước trên sông vậy.
Kế sinh nhai của những con người khốn cùng này phụ thuộc hoàn toàn vào nghề đánh bắt thủy sản trên sông nhưng thu nhập cũng bấp bênh.
Hầu hết những đứa trẻ ở xóm vạn đò này chỉ học hết cấp 2 là nghỉ học để phụ giúp cuộc sống mưu sinh của gia đình.
“3h sáng, chúng tôi phải thức dậy để đi thả lưới. Vất vả là vậy nhưng cũng chỉ đủ tiền để lo bữa cơm rau mắm cho mấy miệng ăn trong gia đình.
Con cái muốn đi học thì phải vay mượn chỗ này chỗ khác. Cuộc sống ở xóm chài nghèo này nó khổ thế đấy anh ạ”, anh Trần Quốc (SN 1987, ở xóm chài Thủy Phú) chia sẻ.
Anh Quốc tâm sự thêm: “Mỗi lần vợ chồng tôi đi thả lưới rất lo lắng, cố gắng làm về sớm với con chứ để chúng ngủ trên thuyền một mình không thể yên tâm được”.
Cuộc sống ngày thường của những người dân ở xóm chài Thủy Phú đã vất vả thì những ngày mưa bão sự vất vả ấy lại được tính lên theo cấp số nhân.
Năm 2017 là một năm thời tiết ở Huế đầy khắc nghiệt và phải hứng chịu một trận lũ kép lịch sử. Để có thể sống sót trong dòng lũ dữ, người dân phải bỏ thuyền đi trốn lũ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số người tiếc tài sản liều mình ở lại giữ thuyền và cũng là căn nhà của họ.
Ông Trần Bông (SN 1968) cho biết: “Đợt lũ năm vừa qua nước lên cao quá, để sống sót, chúng tôi phải tiến sát thuyền vào bờ để neo đậu.
Người già và trẻ nhỏ phải gửi vào sống nhờ ở những hộ dân sống trên cạn. Bản thân vợ chồng tôi phải liều mình ở lại giữ thuyền kẻo thuyền lật thì lại tay trắng”.
Cuộc sống lênh đênh trên sông nước với chiếc thuyền nan là nhà nên nguồn nước sinh hoạt của những người dân ở xóm chài Thủy Phú cũng là nước sông ô nhiễm, độc hại.
Chị Võ Thị Bé (SN 1983) nói, sống trên sông nước rất khổ cực, có nước sạch để dùng là một điều xa xỉ với dân xóm chài.
Do nghèo, không có tiền nên họ chỉ dám mua nước sạch để uống và nấu ăn, còn lại mọi việc khác đều phải dùng nước sông.
Đấy là chưa nói đến những ngày đông giá lạnh, trong khi nhiều người có chăn êm nệm ấm thì những người dân chài Thủy Phú phải dùng nilon bịt kín các lỗ hở trên thuyền và cả nhà ngồi co ro trong thuyền ôm lấy nhau để giữ ấm.
Không có nồi bánh chưng đón Tết
Đối với nhiều người, Tết là thời gian để mọi người trong gia đình quây quần bên mâm cơm nhưng Tết ở làng chài Thủy Phú cũng giống như những ngày bình thường… không hoa mai, chẳng hoa đào và một nồi bánh chưng đón Tết cũng là điều xa xỉ với họ.
Anh Trần Quốc chia sẻ: “Cuộc sống của chúng tôi túng thiếu, đói quanh năm biết lấy tiền đâu chuẩn bị Tết. Ngày Tết của các gia đình ở đây cũng giống như ngày thường, ngồi nhìn nhau cuối năm mà thấy ngán ngẩm.
Tết với chúng tôi chỉ là đêm Giao thừa dậy thắp nén hương cho ông bà rồi đi ngủ và sáng mùng 1 dậy đi thả lưới bắt cá như ngày thường”.
“Tôi nhớ có một lần nhân dịp Tết đến Xuân về, dân chài Thủy Phú tổ chức nấu bánh chưng. Đây là lần đầu dân chài Thủy Phú nấu bánh chưng nên ai cũng háo hức.
Thế nhưng, sau một ngày một đêm ngồi trông bánh chín, cuối cùng nguyên nồi bánh bị cháy. Kể từ lần đó, dân chài Thủy Phú không gói bánh chưng nữa.
Tết nhất chỉ có mua ít bánh kẹo cho mấy cháu nhỏ thôi chứ vợ chồng phải đi làm như ngày thường để kiếm miếng cơm cho các cháu”, anh Quốc nhớ lại.
Cũng giống như Trần Văn Vũ, em Trần Thị Hậu (học sinh lớp 7) cũng ao ước có được bộ quần áo mới và được lên bờ đi chơi Tết như các bạn cùng trang lứa.
Một phụ nữ ở xóm chài Thủy Phú nói về cuộc sống khốn cùng của những phận người không có Tết ở xóm vạn đò cuối cùng trên sông Hương: “Tết là dịp người ta tiêu tiền còn với chúng tôi là những ngày lênh đênh trên sông nước để kiếm tiền”.