Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch 8/3 với sắc đỏ bao trùm trên diện rộng. VN-Index mất hơn 21 điểm (-1,66%) với thanh khoản cao, giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 31.500 tỷ đồng (~1,3 tỷ USD). Giá trị vốn hóa HoSE tương ứng bị thổi bay hơn 85.000 tỷ đồng (~3,5 tỷ USD).
Với phiên giảm mạnh hôm nay, VN-Index đã có lần thứ 15 giảm điểm vào các dịp 8/3 trong 24 năm lịch sử (tương đương xác suất hơn 62,5%). Mức giảm phiên hôm nay tương đương với năm 2022 khi VN-Index mất 1,7%. Đây cũng là mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử VN-Index từng ghi nhận vào ngày 8/3.
Cổ phiếu giảm mạnh khiến tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán cũng "đỏ lửa". Đương nhiên, những người mất tiền nhiều nhất trong ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) hôm nay là các doanh nhân, chủ doanh nghiệp với lượng sở hữu lớn lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ cổ phiếu.
Như trường hợp của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup, giá trị số cổ phiếu VIC trong tay vị tỷ phú này (bao gồm trực tiếp và gián tiếp) đã giảm gần 1.600 tỷ đồng trong phiên 8/3. Tương tự, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát (hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG) cũng đã giảm gần 1.100 tỷ đồng trong phiên vừa qua.
Nhiều doanh nhân khác như ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT Phát Đạt, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT,… cũng đều "tạm mất" hàng trăm tỷ đồng sau phiên 8/3. Chiều ngược lại, khối tài sản của ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT Vicostone lại tăng đáng kể nhờ cổ phiếu VCS khởi sắc đi ngược thị trường.
Cần nhấn mạnh rằng, việc tăng giảm giá trị tài sản trên sàn chứng khoán (tính theo lượng cổ phiếu nắm giữ) chỉ mang tính thời điểm. Thực tế, các doanh nhân trên đều đang giữ vai trò chủ doanh nghiệp và đều chưa có ý định bán cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Vì thế, biến động tài sản chỉ mang tính chất tham khảo.