Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bệnh thận là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại quốc gia này. Ước tính khoảng 15% dân số Hoa Kỳ mắc bệnh thận mạn tính, thế nhưng hầu hết số đó không được chẩn đoán bệnh. Cũng theo CDC, 40% người bị suy thận giai đoạn cuối không biết mình mắc bệnh và cứ mỗi 24 giờ lại có 360 người dân tại quốc gia này bắt đầu điều trị lọc máu vì suy thận.
Ở giai đoạn cuối, bệnh thận đặc trưng bởi tình trạng tích tụ chất thải trong máu, từ đó dẫn tới một số vấn đề sức khỏe khác như bệnh gút, bệnh tim. Chính vì thế, việc bảo vệ sức khỏe thận, phòng ngừa các bệnh về thận là điều cần thiết.
Chế độ ăn uống là một trong những cách quan trọng giúp thận luôn khỏe mạnh. Dưới đây là những lưu ý khi ăn uống để phòng ngừa bệnh thận, bảo tồn chức năng thận.
Người có thận khỏe thường có 6 đặc điểm này khi ăn uống
1. Có chế độ ăn uống cân bằng
Áp dụng phương pháp "đĩa ăn" khi dùng bữa giúp thận khỏe mạnh hơn (Ảnh minh họa)
Một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất rất quan trọng với sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe thận. Theo Krista Maruschak, một chuyên gia dinh dưỡng được chứng nhận bởi Cleveland Clinic (hệ thống y tế hàng đầu tại Hoa Kỳ), mọi người nên áp dụng phương pháp “đĩa thức ăn” khi dùng bữa. Theo đó, đĩa thức ăn được chia làm 4 phần, ½ đĩa là rau củ và trái cây, ¼ đĩa là protein nạc và ¼ đĩa còn lại là ngũ cốc nguyên hạt.
2. Hạn chế ăn muối
Tiêu thụ muối trong giới hạn cho phép là điều quan trọng (Ảnh minh họa)
Muối có mặt ở rất nhiều thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đóng gói như bánh mì, súp ăn sẵn. Hạn chế lượng muối nạp vào giúp kiểm soát huyết áp. Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025, lượng muối mà một người trưởng thành tiêu thụ mỗi ngày là 2,3g (khoảng 1 thìa cà phê muối).
Chuyên gia Maruschak lưu ý, những người có nguy cơ mắc huyết áp cao hoặc đang mắc tình trạng này nên áp dụng chế độ ăn ít muối.
Ngoài ra, để kiểm soát lượng muối nạp vào, mọi người nên thực hiện thêm những điều sau đây:
- Hạn chế ăn đồ ăn nhanh hoặc đi ăn tại nhà hàng. Thay vào đó, hãy nấu ăn tại nhà với những thực phẩm tươi sống, chưa qua chế biến. Việc tự chuẩn bị bữa ăn sẽ giúp bạn kiểm soát được lượng muối và chất béo mà mình tiêu thụ.
- Sử dụng sáng tạo các loại gia vị khác ngoài muối để hạn chế việc dùng muối khi nấu ăn hoặc khi đang dùng bữa.
- Luôn kiểm tra bao bì thực phẩm trước khi sử dụng để biết được lượng muối đang có sẵn trong đó. Nên chọn những thực phẩm đóng gói được dán nhãn ít muối hoặc không có muối.
- Xả thực phẩm đóng gói trước khi ăn dưới vòi nước nếu có thể để loại bỏ bớt lượng muối dư thừa.
3. Kiểm soát lượng protein nạp vào
Kiểm soát lượng protein nạp vào để bảo vệ sức khỏe thận (Ảnh minh họa)
Protein là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng ăn nhiều protein có thể tăng gánh nặng cho thận. Các nghiên cứu về tác động của chế độ ăn giàu protein đối với sức khỏe của thận vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2020 khuyến cáo những người mắc bệnh thận mạn tính nên hạn chế ăn protein.
“Tiêu thụ quá nhiều protein sẽ khiến chất thải tích tụ trong máu nhiều hơn và thận có thể không loại bỏ hết các thải ra khỏi cơ thể”, chuyên gia Maruschak nói.
Những người mắc bệnh thận mạn tính ở bất kỳ giai đoạn nào nên hạn chế lượng protein tiêu thụ ở mức 0,6-0,8g/kg trọng lượng cơ thể để giảm sự tiến triển của bệnh. Ví dụ, một người nặng 68kg cần 40-54g protein mỗi ngày.
Bên cạnh việc quản lý lượng protein nạp vào, mọi người nên tiêu thụ protein lành mạnh có trong thịt nạc, cá, thịt da cầm không da, trứng, sữa, các loại đậu và hạt.
4. Chọn carb phức tạp thay vì carb đơn giản
Ngũ cốc và các loại hạt là carb lành mạnh (Ảnh minh họa)
Carbohydrate (carb) là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Carb từ thực phẩm tươi sống giàu chất xơ giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và đường ruột, đồng thời ổn định lượng đường trong máu. Tuy nhiên, carb đơn giản, ví dụ như đường bổ sung có trong các món tráng miệng, đồ uống, thực phẩm đóng gói, có thể làm tăng lượng đường trong máu, cuối cùng làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường loại 2 và bệnh tim.
Do đó, chúng ta nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và kiểm tra kỹ lượng đường có trong những thực phẩm đóng gói. Đồng thời, nên lựa chọn carb lành mạnh hơn bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ, các loại đậu.
5. Hạn chế chất béo bão hòa và tránh chất béo chuyển hóa
Nên hạn chế thực phẩm chứa chất béo kém lành mạnh (Ảnh minh họa)
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Chuyên gia Maruschak giải thích: “Sức khỏe tim và thận có mối liên hệ mật thiết với nhau vì tim liên tục bơm máu đi khắp cơ thể còn thận liên tục lọc máu để loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể”.
Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025 khuyến nghị mọi người nên hạn chế chất béo bão hòa, chỉ nên tiêu thụ ở mức dưới 10% tổng lượng calo hàng ngày. Thêm vào đó, cố gắng tránh tiêu thụ chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm nướng và chiên xào; bổ sung chất béo không bão hòa có lợi cho tim có trong cá béo, quả bơ, dầu ô liu, hạt óc chó và nhiều loại dầu thực vật khác.
6. Kiểm soát lượng rượu tiêu thụ
Hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn để thận khỏe mạnh hơn (Ảnh minh họa)
Rượu có hại cho thận theo nhiều cách khác nhau. Chuyên gia Maruschak giải thích khi rượu đi vào cơ thể, thận sẽ phải hoạt động để lọc bỏ rượu ra khỏi máu. Nếu tiêu thụ quá nhiều rượu sẽ ảnh hưởng tới chức năng thận.
Ngoài ra, rượu còn gây mất nước, ảnh hưởng tới khả năng điều chỉnh chất lỏng của thận, đồng thời ảnh hưởng tới chức năng gan, lưu lượng máu tới thận. Uống rượu thường xuyên trong thời gian dài có thể dẫn huyết áp cao và suy thận.
Nhìn chung, một chế độ ăn uống lành mạnh là điều quan trọng để duy trì sức khỏe của thận. Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ ăn uống không phải là điều đơn giản với tất cả mọi người. Bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe tổng thể của mình.