Những năm qua, ngoài làm tốt công tác giữ gìn an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng biên, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, Đồn Biên phòng Xuân Trường, đứng chân trên địa bàn xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, còn làm tốt các chương trình do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, trong đó có mô hình “Con nuôi của Đồn Biên phòng.”
Những ngày đầu năm học mới, khách tới thăm Đồn Biên phòng Xuân Trường sẽ nghe thấy những tiếng ê, a vang lên trong không gian vắng lặng ở đây. Đó là tiếng học bài của 2 bé Vàng A Dè và Vàng A Hùng, 6 tuổi, người H'Mông, con nuôi của các chú bộ đội Đồn Biên phòng Xuân Trường.
Đại úy Lý Văn Phổng, cán bộ Đồn Biên phòng Xuân Trường, người phụ trách chăm sóc A Dè và A Hùng cho biết, sau hai tuần được chăm sóc tại đơn vị, các cháu đã dần quen với nếp sinh hoạt ở đây.
Buổi sáng, hai cháu được các chú gọi dậy, đưa đi học. Đến chiều, các chú đón về đồn, hướng dẫn tự làm một số công việc đơn giản, rồi dạy học bài, nói tiếng Việt...
Ngoài ra, cán bộ được phân công phụ trách “hai con nuôi” của Đồn còn có nhiệm vụ nắm bắt tâm lý, tư tưởng các cháu và thường xuyên liên lạc, thông báo tình hình cho gia đình, nhà trường.
Cán bộ đồn biên phòng Xuân Trường dạy các "con nuôi" học bài. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Đại úy Phổng chia sẻ thêm về hoàn cảnh của Vàng A Hùng: Em Hùng là người dân tộc H'Mông, sinh tại xóm Tả Xáy, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc.
Hoàn cảnh gia đình A Hùng rất khó khăn khi bố mất từ năm 2017, mẹ em bỏ đi. Vàng A Hùng có một em trai là Vàng A Quả, 5 tuổi, đang sống cùng chú ruột ở Tả Xáy...
Sau hai tuần được các chú bộ đội nuôi ăn, dạy học chữ, những ánh mắt ngây thơ, bẽn lẽn của hai em bé người Mông ngày nào đã tự tin chào các cô, các chú đến thăm.
Dành vài phút làm quen, cố gắng trao đổi với các cháu bằng tiếng Việt, Vàng A Dè, Vàng A Hùng đã cởi mở hơn. A Dè nhanh nhẹn hơn, chia sẻ “cháu yêu các chú bộ đội lắm,” còn Hùng bẽn lẽn “cháu thích được học chữ”...
Theo chân các anh Bộ đội Biên phòng đến thăm nhà em Vàng A Dè ở xóm Lũng Rạc, xã Xuân Trường. Trong ngôi nhà ấy, dù là ban ngày nhưng anh Vàng A Cự (bố của A Dè) vẫn phải bật bóng điện để đủ ánh sáng tiếp các anh Bộ đội Biên phòng .
Bằng vốn tiếng Việt ít ỏi, anh Cự chia sẻ, gia đình rất khó khăn khi mẹ của A Dè đã mất từ năm 2014. Anh Cự lấy vợ mới, vợ thứ hai lại bỏ đi từ năm 2017. Các anh bộ đội tốt bụng nên đưa A Dè về đồn nuôi.
Anh xúc động nói “Tôi nhớ con lắm, nhưng các chú bộ đội bảo A Dè đang bận đi học, chưa về thăm nhà được. Hôm nào không bận, tôi sẽ đi vào Đồn biên phòng ngủ với A Dè.”
Anh Cự cũng không quên cảm ơn các anh Bộ đội Biên phòng đã chăm sóc, cho Dè đi học. Anh mong sau này A Dè học được cái chữ, trở thành người có ích...
Trên đường từ Lũng Rạc về đồn, các anh Bộ đội Biên phòng chỉ cho chúng tôi biết con đường lên nhà của em Vàng A Hùng ở đỉnh núi Tả Xáy.
Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Xuân Trường Nguyễn Xuân Thi vừa đi vừa chỉ con đường vắt ngang qua ngọn núi đá trước mắt và nói: “Nhìn như thế thôi, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Xuân Trường phải đi bộ hai tiếng đồng hồ mới lên đến Tả Xáy để đón cháu Hùng về nuôi.”
Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Xuân Trường, Đại úy Nguyễn Xuân Thi chia sẻ thêm, cùng với chương trình “Nâng bước em đến trường,” mô hình “con nuôi của Đồn Biên phòng” là chương trình có ý nghĩa dành cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới.
Đối với hai cháu mà Đồn Biên phòng Xuân Trường nhận nuôi, thời gian tới, ngoài việc chăm lo sinh hoạt, chúng tôi sẽ tăng cường dạy chữ, dạy tiếng Việt cho các cháu. Ngoài ra, đơn vị sẽ rèn luyện để các cháu khỏe mạnh về thể chất, giúp các cháu nhanh chóng hòa nhập với nếp sinh hoạt của đơn vị...
Những bài học ê, a... vang lên hôm nay của Vàng A Dè, Vàng A Hùng ở Đồn Biên phòng Xuân Trường nói riêng và hàng nghìn con nuôi của Bộ đội Biên phòng trong cả nước nói chung, sẽ là khởi đầu cho các em bé vùng cao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từng bước biến ước mơ có cuộc sống tốt đẹp hơn trở thành hiện thực.
Đồn Biên phòng Xuân Trường nằm bên sườn đồi Thua Tổng, có nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài trên 20km thuộc địa phận hai xã Khánh Xuân và Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.