Đồ họa ngư lôi hạt nhân Poseidon của Nga. Ảnh: TASS.
Hải quân Nga sở hữu một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất, đa dạng nhất trên thế giới. Cả tàu ngầm động cơ diesel-điện và tàu ngầm hạt nhân của nước này đều rất uy lực. Tuy vậy, lực lượng này lại đang thiếu những ngư lôi hiện đại có thể được phóng từ tàu ngầm và nhiều phương tiện khác.
Mặc dù Nga có một số lượng lớn ngư lôi trong kho vũ khí của nước này nhưng phần nhiều trong số đó bị coi là “cũ kỹ và lạc hậu”.
Một nguồn tin của Hải quân cho biết: “Chúng tôi có cả những ngư lôi lỗi thời được sản xuất từ những năm 1980 và nhiều loại trong số này đã hết hạn sử dụng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không có đủ ngư lôi hiện đại để thử nghiệm khi đóng mới hoặc tái trang bị cho tàu ngầm”.
Để khắc phục hạn chế này, trong những năm gần đây, ngoài việc bảo trì và nâng cấp những ngư lôi sẵn có, Hải quân Nga đã liên tục “nâng tầm cuộc chơi” với việc phát triển những loại ngư lôi tiên tiến và ưu việt hơn.
Ngư lôi VA-111 Shkval
Mặc dù VA-111 Shkval không mang lại lợi thế về hỏa lực nhưng nó được coi là ngư lôi siêu tốc không đối thủ của Nga. Là một vũ khí tuyệt mật, VA-111 Shkval hầu như không được biết đến trước thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Được trang bị động cơ tên lửa, ngư lôi này có khả năng di chuyển với tốc độ kinh ngạc 200 hải lý/giờ.
Nhưng ở thời điểm mà sự phát triển khoa học kỹ thuật còn hạn chế, hầu hết tàu và vũ khí dưới nước chỉ có khả năng đạt tốc độ tối đa 50 hải lý/giờ, các kỹ sư Nga đã làm thế nào để VA-111 Shkval đạt được sự đột phá về tốc độ như vậy?
Thông thường, ngư lôi sử dụng động cơ chân vịt hoặc động cơ thủy lực để tạo lực đẩy. Nhưng VA-111 Shkval sử dụng động cơ tên lửa dưới nước nhiên liệu rắn. Loại động cơ này có lực đẩy rất lớn so với động cơ trên không.
Tuy vậy, khi di chuyển dưới nước, ngư lôi sẽ phải chịu lực cản của nước. Vì thế giải pháp ở đây là tách nước ra khỏi đường đi của ngư lôi. Làm sao họ có thể làm điều này giữa đại dương? Biện pháp duy nhất là biến nước từ thể lỏng thành thể khí.
Shkval giải quyết vấn đề này bằng cách thoát khí nóng của động cơ ra ngoài từ phần mũi, biến làn nước phía trước thành hơi nước. Khi ngư lôi di chuyển, nó tiếp tục làm bốc hơi nước ở phía trước tạo ra một khoang khí mỏng.
Khi di chuyển trong khoang này, ngư lôi sẽ gặp ít lực cản hơn và vì thế có thể di chuyển với tốc độ 200 hải lý/giờ.
Shkval được chế tạo vào những năm 1960, nhằm mục đích tấn công nhanh các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của NATO. Ngư lôi có đường kính tiêu chuẩn 533mm mang theo một đầu đạn nổ mạnh hoặc hạt nhân nặng 210 kg, tầm bắn tối đa 7 km.
Shkval bắt đầu được sản xuất đại trà vào năm 1978 và được biên chế cho Hải quân Liên Xô trong năm đó.
Ngư lôi Futlyar
Năm 2017, Nga đã trình làng mẫu ngư lôi nước sâu Futlyar (Fizik 2), được mệnh danh là “sát thủ” của tàu sân bay.
Đây là phiên bản cải tiến của mẫu ngư lôi Fizik, được trang bị đầu dò dẫn đường bằng nhiệt và sử dụng hệ thống đẩy hiệu quả cao TPS-53, nhờ đó nó có thể cải thiện đáng kể hiệu suất.
Ngư lôi nước sâu Futlyar có tầm bắn lên tới 50km, tốc độ hành trình đến 60 hải lý/giờ và xuyên sâu xuống dưới đáy biển gần nửa km. Nó đã được sử dụng trên các tàu ngầm hạt nhân lớp Borei và Yasen.
Ngoài ra, ngư lôi hạng nặng này cũng có thể được phóng từ tàu mặt nước, dùng để tấn công các mục tiêu trên mặt nước hoặc ở vùng nước sâu. Bên cạnh đó, nó có thể được điều khiển trực tiếp từ tàu ngầm.
Tuy nhiên, đây không phải vũ khí “phóng và quên” (các loại vũ khí điều khiển chính xác có khả năng tự tìm đến mục tiêu đã định mà không cần bất cứ một sự can thiệp nào từ bên ngoài).
Ngư lôi “rùa chiến đấu”
Futlyar không phải là mẫu ngư lôi mới duy nhất mà Nga chú trọng trong những năm gần đây. Tiếp tục xu hướng mới trong sản xuất ngư lôi, ngành công nghiệp Quốc phòng Nga đã chế tạo ngư lôi nhỏ sử dụng trí thông minh nhân tạo, được gọi là “rùa chiến đấu”, có khả năng đánh lừa các cảm biến của đối phương khiến đối phương nghĩ đây là một động vật dưới nước.
Ngư lôi mini này có trọng lượng khá nhỏ, không gây tiếng ồn khi di chuyển và mặc dù chúng di chuyển với tốc độ chậm nhưng có thể bất ngờ phá hủy tàu của đối phương.
Một trong những mục tiêu chính trong việc phát triển ngư lôi cỡ nhỏ là trang bị cho vũ khí trí thông minh nhân tạo, do dó, nó có thể bắt chước hành vi của các loại động vật biển.
Ngư lôi hạt nhân Poseidon
Một trong những ngư lôi lợi hại nhất và nhận được những đánh giá tích cực nhất của Nga là Poseidon – vừa hoạt động bằng năng lượng hạt nhân lại vừa được trang bị vũ khí hạt nhân. Nhờ hệ thống đẩy đặc biệt, phạm vi hoạt động của ngư lôi này được cho là hầu như không có giới hạn.
Với chiều dài lên tới 20m và đường kính gần 2m, Poseidon là ngư lôi lớn nhất từng được chế tạo. Nó có tầm hoạt động lên tới 10.000 km, lặn sâu tới 1.000 m, có thể tấn công mục tiêu với tốc độ lên tới trên 200 km/h.
Nhờ phạm vi hoạt động gần như không giới hạn, ngư lôi có thể tiến thẳng tới mục tiêu. Do tạo ra ít tiếng ồn khi di chuyển nên nó rất khó bị phát hiện.
Các chuyên gia cho biết, những mục tiêu tiềm năng của Poseidon có thể là các thành phố ven biển hoặc các nhóm chiến đấu của Hải quân Mỹ.
Gia tăng độ tấn công chính xác
Tất cả các ngư lôi của Hải quân Nga có thể sẽ trở nên nguy hiểm hơn trong bối cảnh công ty Tecmash Group – một nhánh của Technodinamika (doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Rostec) tuyên bố họ đang phát triển công nghệ phóng ngư lôi mới có thể gia tăng đáng kể phạm vi phát hiện mục tiêu cũng như tăng độ tấn công chính xác của loại vũ khí này.
Phát biểu với báo chí, Giám đốc điều hành Tecmash Alexander Kochkin cho biết: “Thiết bị điện tử thiết kế cho hệ thống phóng ngư lôi đã vượt qua các cuộc thử nghiệm về chất lượng một cách thành công.
Nó có thể được sử dụng cho các loại ngư lôi có cỡ nòng khác nhau dùng để tấn công các mục tiêu trên và dưới mặt nước”. Theo ông Alexander Kochkin, công nghệ mới có tiềm năng đánh bại các phiên bản khác trong và ngoài nước do có các thông số vượt trội.