Ngày đau buồn của các bác sĩ Trung Quốc: Bất lực nhìn 4 đồng nghiệp ra đi, chỉ có thể thốt lên chữ "Hận"

ND: An An | TK: Bạch Quả |

"Bao nhiêu đồng nghiệp đã suy sụp và nức nở đêm nay!", một đồng nghiệp của bác sĩ Hoàng Văn Quân chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội.

Ngày 23/2 là một ngày buồn của nhân viên y tế Trung Quốc.

Chỉ trong một ngày này, Bệnh viện Giang Bắc Hiệp Hòa Vũ Hán (Hồ Bắc), Ủy ban Y tế thành phố Khải Đông, Nam Thông (Giang Tô), Ủy ban Y tế tỉnh Hải Nam và Bệnh viện Trung tâm thành phố Hiếu Cảm (Hồ Bắc) lần lượt thông báo 4 bác sĩ: Hạ Tư Tư, Chu Tranh Vanh, Đỗ Hiển Thánh, Hoàng Văn Quân qua đời.

Cùng độ tuổi 29 với bác sĩ Hạ Tư Tư, bác sĩ Bành Ngân Hoa công tác tại Bệnh viện Giang Nam Hiệp Hòa Vũ Hán cũng qua đời vào ngày 20/2 vì bệnh viêm phổi do virus corona mới (Covid-19).

"Virus vô tình, khi dịch bệnh bùng phát, đã có thông tin cho biết nhiều nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, thậm chí không may qua đời. Họ có thể là những cây đa cây đề, trụ cột dày dặn kinh nghiệm hay những nhân tài trẻ tuổi của ngành y học Trung Quốc, đã ngã xuống ở tuyến đầu chiến "dịch" (bệnh)", tờ Tài Tân (Trung Quốc) viết.

Theo thống kê của Tài Tân, tính đến ngày 23/2, 21 nhân viên y tế tại Trung Quốc đã gục ngã trên tuyến đầu, trong đó có 10 người qua đời vì Covid-19.

"Bao nhiêu đồng nghiệp đã suy sụp và nức nở đêm nay!", một đồng nghiệp của bác sĩ Hoàng Văn Quân chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội. "Cuối cùng, cứ trơ mắt nhìn tình trạng của cậu xấu đi mà không thể làm được gì... Chúng tôi rất hận, hận loại virus này, hận trời xanh tàn nhẫn.... Trách nhiệm ở đây, y đức ở đây, nhân viên y tế chúng tôi không có lựa chọn nào khác".

Một đồng nghiệp khác của bác sĩ Hoàng Văn Quân nói với Tài Tân rằng: "Chúng tôi hy vọng dịch bệnh này sẽ định hình lại mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, để cộng đồng xã hội càng thêm tin tưởng, càng thêm thấu hiểu và bao dung đối với nhân viên y tế công tác ở tuyến đầu".

Xung phong lên tuyến đầu

"Dẫu có phải hy sinh vì lợi ích quốc gia, tôi cũng nguyện xin làm, há chỉ vì họa phúc bản thân mà trốn trước tránh sau, tôi xin đến phòng cách ly [khu điều trị bệnh nhân nặng], cùng vượt qua quốc nạn và nghe theo sự sắp xếp của tổ chức", ngày 24/1 tức 30 Tết, Phó Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Trung tâm thành phố Hiếu Cảm Hoàng Văn Quân (42 tuổi) viết trong "chiến thư".

Ngày đau buồn của các bác sĩ Trung Quốc: Bất lực nhìn 4 đồng nghiệp ra đi, chỉ có thể thốt lên chữ Hận - Ảnh 1.

Vì gần với Vũ Hán, số bệnh nhân được chẩn đoán ở Hiếu Cảm đã tăng lên kể từ ngày 21/1. Vợ của bác sĩ Hoàng Văn Quân, cũng là bác sĩ tại Bệnh viện Trung tâm Hiếu Cảm cho viết, sau khi dịch bệnh bùng phát, anh không chỉ tiếp nhận chẩn đoán các bệnh nhân có triệu chứng ho sốt mà còn tới các địa phương trong huyện với tư cách là chuyên gia để hội chẩn các trường hợp nghi nhiễm Covid-19.

Với trường hợp của bác sĩ Hạ Tư Tư, Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Giang Bắc Hiệp Hòa kể lại: "Thời điểm đó (17/1), Hạ Tư Tư vừa kết thúc ca trực đêm nhưng nghe tin [tình trạng bệnh nhân của mình chuyển biến xấu], cô đã thay đổi lịch trình, trở lại bệnh viện điều trị bệnh nhân và hội chẩn với các chuyên gia. Vài ngày tiếp theo, cô ở lại bệnh viện vì lo lắng cho bệnh nhân". Đến ngày 31/1, tất cả các bác sĩ Khoa Tiêu hóa đồng thời ký tên xin lên tuyến đầu công tác.

Vào ngày 21/1, khu bệnh số 3, Khoa Hô hấp và Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân số 1 (Vũ Hán) - nơi bác sĩ Bành Ngân Hoa công tác - được chỉ định là khu cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19. Toàn bộ 130 giường bệnh của khoa đã được lấp đầy chỉ trong một ngày hôm đó. Kể từ đó, tất cả các bác sĩ đều ăn ở trong bệnh viện, không về nhà.

"Bác sĩ Bành chủ động đề nghị các đồng nghiệp có thể về nhà nghỉ ngơi, anh sẽ gánh thay ca trực của họ", bác sĩ Giang Tuấn Hà, đồng nghiệp của bác sĩ Bành trả lời trong một cuộc phỏng vấn với CCTV. Ông này cho biết, bác sĩ Bành không phân biệt ngày đêm, miệt mài trực ban ở bệnh viện.

Do virus lây lan mạnh nên Giang Tô cũng xuất hiện nhiều bệnh nhân nhiễm bệnh. Bắt đầu từ ngày 24/1, bác sĩ Chu Tranh Vanh và các đồng nghiệp tại Trung tâm dịch vụ y tế xã hội thị trấn Nam Dương, thành phố Nam Thông (Giang Tô) đã thay phiên trực tại bệnh viện, tiếp nhận bệnh nhân. "Mỗi lần có người bệnh đến, anh liền mặc đồng phục bảo hộ, đeo khẩu trang, kính mắt để đi thăm khám. Trong thời gian đó, anh cũng thường gọi điện trao đổi với các đồng nghiệp về tình hình dịch bệnh dù lúc đó đã hơn 23h đêm, sau khi đưa ra phác đồ điều trị, anh còn theo dõi tình hình kê đơn thuốc".

Theo lời kể của cô Trần Đan, vợ bác sĩ Chu Tranh Vanh, mỗi lần đề cập đến tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán, anh đều nói rằng, sẽ tình nguyện đến đó nếu đơn vị cử đi.

Trước đó, cha mẹ của anh Tăng đến Vũ Hán du lịch từ ngày 2-3/1. Sau khi trở về Kinh Trung, Hải Nam, cha mẹ, vợ và bản thân anh này đều xuất hiện triệu chứng ho sốt nhưng không đi kiểm tra sức khỏe. Anh Tăng lại nhiều lần tiếp xúc với Trạm trưởng Trạm phòng chống dịch bệnh thuộc Bện viện Dương Giang (Hải Nam). Sau đó, Trạm trưởng này có dấu hiệu đau họng, đau rát khi nuốt và ho nhưng lại không sốt. Vì vậy, cô đã đến nhờ "Giám đốc cũ" của Bệnh viện Nông trường Dương Giang thăm khám. Sau ba ngày liền tiêm thuốc, tình hình của cô chuyển biến tích cực.

"Giám đốc cũ" trong lời kể của cô chính là bác sĩ Khoa Nội Bệnh viện Nông trường Dương Giang Đỗ Hiển Thánh.

Gục ngã nơi tuyến đầu

Vào chiều ngày 18/1, bác sĩ Đỗ Hiển Thánh xuất hiện triệu chứng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, ho. Sau hai ngày tự kê đơn nhưng không cải thiện. Vào ngày 22/1, ông đến Bệnh viện Nhân dân thành phố Đam Châu để điều trị. Bệnh viện nghi ngờ ông có thể nhiễm virus corona. Các mẫu xét nghiệm đã được gửi để kiểm tra vào ngày 24/1 và kết quả chẩn đoán được xác nhận vào ngày hôm sau. Ngay sau đó, ông được chuyển tới Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hải Nam.

"Chúng tôi là bệnh viện cơ sở, do vào thời điểm đó (đầu tháng 1) vẫn là thời kỳ đầu dịch bệnh nên chỉ có sự bảo vệ thông thường. Đó là một chiếc mũ, một lớp khẩu trang, còn như mặt nạ hay áo cách ly, chúng tôi đều không có. Hơn nữa, chúng tôi cũng không phải là đơn vị chuyên khoa chẩn đoán và điều trị, vì vậy mức độ bảo vệ có thể thấp hơn", một nhân viên của Bệnh viện Nông trường Dương Giang cho biết, do quá trình cách ly gấp gáp nên từng xảy ra tình trạng thiếu hụt vật tư bảo hộ.

Trong khi đó, vào sáng ngày 19/1, bác sĩ Hạ Tư Tư có cảm giác toàn thân ớn lạnh và mệt mỏi; sau khi nhóm chuyên gia của Bệnh viện Giang Bắc Hiệp Hòa Vũ Hán hội chẩn, cô đã được nhập viện vì nhiễm trùng phổi. Tuy nhiên, tình hình của bác sĩ Hạ không được cải thiện trong thời gian nằm viện. Đến ngày 24/1, cô tiếp tục được chuyển vào Bệnh viện Tế Hòa để điều trị. Theo lời mẹ của bác sĩ Hạ Tư Tư, thời điểm thăm khám cho bệnh nhân, cô chưa được trang bị đồ bảo hộ chuyên dụng và mặt nạ N95.

Còn với bác sĩ Bành Ngân Hoa, khoảng ngày 23/1, tức ngày 29 Tết, anh cảm thấy "không thoải mái, không thèm ăn, không muốn ăn và sốt nhẹ". Trả lời phỏng vấn, Chủ nhiệm khu bệnh số ba, bác sĩ Trần Hạo cho biết, ông đã tiến hành chụp CT phổi cho bác sĩ Bành vào ngày hôm đó nhưng không thấy hiện tượng nhiễm trùng phổi. Ngày hôm sau, anh vẫn không thoải mái, tiếp tục được kiểm tra và phát hiện nhiễm trùng.

"Lúc đó anh ấy rất tích cực. Chúng tôi thấy, tinh thần anh ấy vẫn rất tốt, anh ấy cũng rất lạc quan sẽ chiến thắng bệnh tật, thậm chí anh ấy từng đề nghị, giúp chúng tôi theo dõi các bệnh nhân khác trong khu cách ly bởi anh sợ nguy cơ các bác sĩ khác nhiễm bệnh sẽ tăng cao nên yêu cầu chúng tôi ở bên ngoài", ông Trần Hạo kể lại.

Ngày đau buồn của các bác sĩ Trung Quốc: Bất lực nhìn 4 đồng nghiệp ra đi, chỉ có thể thốt lên chữ Hận - Ảnh 4.

Vào ngày 27/1, bác sĩ Hoàng Văn Quân có triệu chứng nhiễm bệnh. Vợ anh kể lại, trong hai ngày đầu tiên, anh cảm thấy sức khỏe vẫn tạm ổn nên không đến bệnh viện kiểm tra mà ở nhà cách ly. Đến ngày thứ ba, cảm thấy có gì đó không ổn nên người nhà đã đưa anh đến bệnh viện. Sau khi hội chẩn, người nhà cũng bắt đầu được cách ly. Trong cuộc gọi cuối cùng trước khi qua đời, bác sĩ Hoàng Văn Quân vẫn còn nhắc vợ đến sớm đón anh về nhà.

"Khi vẫn chưa có tuyên bố về cơ chế "lây từ người sang người", các bác sĩ lúc làm việc chỉ đeo khẩu trang mà không thực hiện các biện pháp bảo vệ khác", một người ở gần Bệnh viện Trung tâm Hiếu Cảm nói với Tài Tân.

Theo Tài Tân, trước khi đưa ra thông báo đón nhận các khoản quyên góp vật tư vào ngày 24/1, Bệnh viện Trung tâm Hiếu Cảm luôn rơi vào tình trạng thiếu hụt vật tư; sau khi nhận được quyên góp thì phát hiện, có một số lượng lớn quần áo bảo hộ và khẩu trang không đủ tiêu chuẩn nên không thể sử dụng.

Làm việc quá sức cũng là một lý do khác khiến các nhân viên y tế gục ngã nơi tuyến đầu. Vào ngày 15/2, bác sĩ Chu Tranh Vanh được đồng nghiệp nhận xét là "sắc mặc không được tốt" và được khuyên về nhà sớm để nghỉ ngơi.

Anh cũng cảm thấy hơi mệt, sau khi về nhà thì đến đêm lại rét run. "Có phải là viêm phổi không nhỉ?", cô Trần Đan, vợ anh lo lắng. Và sáng hôm sau, họ đến bệnh viện để kiểm tra. Hình ảnh CT đã loại trừ khả năng nghi nhiễm corona nhưng xét nghiệm máu lại cho thấy, cơ thể anh có hơn 20.000 tế bào bạch cầu.

Sau khi nhập viện, vì không thể tiểu tiện trong 24 giờ và hô hấp khó khăn, bác sĩ Chu Tranh Vanh được chuyển đến Bệnh viện Đồng Tế Thượng Hải. Rất nhanh sau đó, anh rơi vào tình trạng suy đa tạng và hôn mê cho đến khi qua đời. Bệnh viện cũng không chẩn đoán được nguyên nhân.

"Bác sĩ điều trị chính nói, lý do đầu tiên là do anh kiệt sức, nếu không thì không thể lý giải được, kiệt sức đã dẫn đến giảm sức đề kháng", cô Trần Đan nói.

Vào ngày 15/2, cũng là ngày Bệnh viện Giang Bắc Hiệp Hòa, nơi bác sĩ Hạ Tư Tư làm việc đăng thông báo yêu cầu chi viện nhân lực. "Nguồn nhân lực thiếu hụt, nhân viên y tế vô cùng mệt mỏi", bệnh viện muốn tuyển dụng thêm 200 nhân viên y tế từ cộng đồng xã hội.

Một tuần trước đó, vào ngày 7/2, bệnh viện thông báo, bệnh viện hiện đang rất thiếu nhân lực, nhân viên tuyến đầu đang vô cùng mệt mỏi và kêu gọi các bác sĩ dưới 60 tuổi và các y tá dưới 45 tuổi hỗ trợ bệnh viện.

Cùng ngày, do tình trạng sức khỏe diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng nên bác sĩ Hạ Tư Tư được chuyển đến Bệnh viện Trung Nam, Đại học Vũ Hán để điều trị.

Ngày đau buồn của các bác sĩ Trung Quốc: Bất lực nhìn 4 đồng nghiệp ra đi, chỉ có thể thốt lên chữ Hận - Ảnh 5.

Bác sĩ cấp cứu cho bác sĩ

ECMO được coi là "thần khí" không thể thiếu khi cấp cứu các bệnh nhân nguy kịch. Trong thời gian nằm viện, bác sĩ Hạ Tư Tư từng nhờ sử dụng ECMO để cải thiện tình trạng sức khỏe.

Bác sĩ Thái Dĩnh Kha, đồng nghiệp của bác sĩ Hạ Tư Tư cho biết, tình trạng của bác sĩ Hạ đã ổn định sau khi dùng máy thở không xâm lấn vào cuối tháng 1. "Vào thời điểm đó, cơn sốt đã được kiểm soát và mức độ bão hòa oxy đã ổn định; đến khoảng ngày 5/2, tình trạng của Hạ Tư Tư có những dấu hiệu cải thiện; nhưng rồi lại suy giảm đột ngột vào sáng sớm ngày 7/2, có thể là một trận gây viêm", bác sĩ Thái nói.

Sáng sớm ngày 7/2, Giám đốc Bệnh viện Giang Bắc Hiệp Hòa Trần Lập Ba đã nhanh chóng huy động các chuyên gia ở Liêu Ninh và Bệnh viện Hỏa Thần Sơn đến bệnh viện này hội chẩn và hỗ trợ khẩn cấp về phương pháp điều trị ECMO.

Bác sĩ Uông Hải Nguyên là một trong số các chuyên gia này. Ông cho biết, vào ngày 7/2, bác sĩ Hạ Tư Tư ngừng nhịp tim đột ngột. "Hơn 4h sáng, mọi người đã nhanh chóng đến bệnh viện để cấp cứu cô. Điều trị máy thở thông thường không hiệu quả, phương pháp thông khí nhân tạo (TKNT) tư thế nằm sấp cũng không còn lý tưởng, bệnh viện đã nỗ lực để liên lạc với các bệnh viện lớn ở Vũ Hán tiến hành điều trị ECMO".

"Các bệnh viện lớn đều có rất nhiều bệnh nhân và kết quả sau các cuộc gọi điện thoại là không có bệnh viện nào có thể cung cấp máy ECMO", ông Khâu Hải Hoa, lãnh đạo của bác sĩ Hạ Tư Tư hồi tưởng lại.

Ông cho biết, vào thời điểm đó, Bệnh viện Á Tâm Vũ Hán cũng nhận được thông báo nên "lập tức gửi hai máy ECMO đang được sử dụng ở Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán tới Bệnh viện Giang Bắc Hiệp Hòa".

Theo thông tin chính thức từ Bệnh viện Giang Bắc, tối hôm đó, hai chiếc máy cứu sinh quý giá ECMO, một trong số đó vừa được dùng cho bác sĩ Lý Văn Lượng.

Bệnh viện Giang Bắc Hiệp Hòa cho biết, được hỗ trợ bởi ECMO, tình trạng của bác sĩ Hạ Tư Tư tạm thời ổn định nhưng xem xét phác đồ điều trị tiếp theo, cũng hy vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội sống sót hơn cho cô, vì vậy cô được chuyển đến Bệnh viện Trung Nam, Đại học Vũ Hán ngay trong đêm. Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Trung Nam, bác sĩ Hạ Tư Tư liên tục rơi vào tình trạng hôn mê. Đến 6h30 sáng ngày 23/2, cô qua đời.

Trong khi đó, bác sĩ Đỗ Hiển Thánh là người có tiền sử tăng huyết áp, được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Hải Nam. Trong thời gian này, một số chuyên gia về hô hấp và hồi sức cấp cứu cũng được mời đến hội chẩn, Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc Vương Thần tham gia hội chẩn từ xa.

Tình trạng của bác sĩ Đỗ Hiển Thánh xấu đi kể từ ngày 26/1. Bệnh viện Nhân dân Hải Nam đã cấp cứu điều trị cho ông hơn 70 lần, trong đó có 9 lần nguy kịch, thực hiện nhiều biện pháp điều trị như sử dụng máy trợ thở, mở khí quản, ECMO, truyền máu v.v.... Tuy nhiên, do tình trạng xấu đi nên ông vẫn không qua khỏi.

Nhiều nhân viên y tế của Bệnh viện Trung tâm Hiếu Cảm vẫn nhớ như in thời điểm bác sĩ Hoàng Văn Quân được cấp cứu.

Vào sáng sớm ngày 30/1, anh được các đồng nghiệp và vợ đưa đến phòng ICU. Anh vẫn nắm tay đồng nghiệp và nói "cảm ơn" một cách rất khó khăn. Đến ngày 3/2, tình trạng sức khỏe đột nhiên xấu đi nhưng anh lại lo lắng việc đặt nội khí quản có thể lây nhiễm viurs cho các đồng nghiệp. Vì thế, anh đã viết ra giấy rằng, "Đừng đặt nội khí quản, tôi vẫn ổn". Sau đó, các đồng nghiệp vẫn tiến hành gây mê và đặt nội khí quản, rồi dùng ECMO cho anh.

"Mọi nỗ lực vẫn không thể cứu được sinh mệnh tươi trẻ của cậu", bác sĩ Từ Dũng Cương chia sẻ. Bác sĩ Hoàng Văn Quân qua đời vào lúc 19h30 tối ngày 23/2.

Ngày đau buồn của các bác sĩ Trung Quốc: Bất lực nhìn 4 đồng nghiệp ra đi, chỉ có thể thốt lên chữ Hận - Ảnh 7.

Bác sĩ Bành Ngân Hoa đã được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Kim Ngân Đàm sau khi tình trạng của anh đột nhiên xấu đi vào ngày 30/1. Sau khi chuyển viện, anh được điều trị bằng phương pháp truyền huyết tương. Tình trạng anh có dấu hiệu cải thiện, nhưng rồi lại đột nhiên trở nên xấu đi sau đó.

"Ngay khi chúng tôi nhận được huyết tương các các bệnh nhân đã phục hồi đợt đầu tiên, chúng tôi liền nghĩ liệu có thể sử dụng nó cho Bành Ngân Hoa hay không, bởi vì Bành Ngân Hoa đã không còn ở bệnh viện chúng tôi vào thời điểm đó, anh ấy đã chuyển đến bệnh viện Kim Ngân Đàm. Sau đó, chúng tôi đã liên lạc với bệnh viện Kim Ngân Đàm. Sau khi kiểm tra nhóm máu, chúng tôi đã gửi mẫu huyết tương tương ứng cho anh ấy", bác sĩ Trần Hạo kể lại. "Dung tích mỗi túi là 300ml, vì vậy, chúng tôi đã sử dụng ba túi".

"Chỉ mới sử dụng một lần," bác sĩ Trần Hạo hồi tưởng. Vào lúc 21h50 ngày 20/2, cấp cứu không thành công và bác sĩ Bành Ngân Hoa đã qua đời.

Ngày đau buồn của các bác sĩ Trung Quốc: Bất lực nhìn 4 đồng nghiệp ra đi, chỉ có thể thốt lên chữ Hận - Ảnh 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại