Những ngân hàng nào có khả năng tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong năm 2024?

Mạnh Đức |

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 10% trong năm 2024, tuy nhiên triển vọng sẽ có sự phân hóa.

Về triển vọng tín dụng, VCBS kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu cho vay và nền kinh tế phục hồi. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm dự báo ở mức 12 - 13%.

VCBS cho rằng những động lực cho tăng trưởng tín dụng là hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm – có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ nửa cuối 2024, kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp BĐS, xây dựng, cho vay mua nhà.

VCBS dự báo biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng sẽ đi ngang trong quý II và III, sau đó chịu áp lực thu hẹp vào quý IV trong bối cảnh lãi suất huy động đang đi lên từ đáy.

Mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong hai quý tiếp theo từ 30 - 50 bps, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV/2024. Lãi suất huy động cả năm có thể tăng từ 50-100 bps. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tiếp tục duy trì đi ngang trong năm nay và có thể tăng nhẹ từ thời điểm cuối 2024 - đầu 2025.

Nhóm phân tích nhận định sẽ có sự phân hóa với tiềm năng mở rộng NIM thuộc về những ngân hàng có lợi thế trong hoạt động huy động vốn (có tỷ trọng CASA cao, đa dạng hóa nguồn vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá, vay hợp vốn nước ngoài …).

Ngoài ra, các ngân hàng với chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng hoặc có khả năng đẩy mạnh tỷ trọng cho vay bán lẻ được kỳ vọng có thể mở rộng NIM.

Với những dự báo trên, VCBS đánh giá triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp thị trường. Theo đó, định giá P/B toàn ngành hiện thấp hơn khoảng 12% so với mức trung bình 5 năm.

Các chuyên viên phân tích cũng gợi ý nhóm cổ phiếu có thể xem xét đầu tư trong dài hạn là các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành, bao gồm: ACB, MB, MSB, OCB, Sacombank, Techcombank, TPBank, VIB.

MB

Theo dự báo của VCBS, tăng trưởng tín dụng của MB năm 2024 sẽ nằm trong top cao nhất ngành. Ước tính MBB có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 25% trong 2024 và tiếp tục được ưu tiên tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với bình quân ngành khoảng 1,5 – 2 lần trong các năm tới nhờ việc nhận chuyển giao ngân hàng Oceanbank.

NIM duy trì ở mức cao. Trong nửa cuối năm 2024, NIM kỳ vọng tăng nhẹ theo đà giảm của chi phí vốn, đồng thời với việc tỷ suất sinh lời cải thiện khi các khách hàng quay lại trả nợ và MB đẩy mạnh tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ.

Dự kiến CASA sẽ tiếp tục cải thiện trong 2024 nhờ lãi suất tiền gửi có kỳ hạn duy trì ở mức thấp giúp duy trì tỷ lệ CASA ở mức cao.

Chất lượng tài sản kỳ vọng cải thiện. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu dự kiến tương đương năm 2023 và ở mức trên 100%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (NPL) đưa về dưới 2% với kỳ vọng khách hàng bị hạ nhóm nợ theo CIC sẽ được chuyển về nhóm nợ thông thường trong Q2.2024 thông qua đàm phán với ngân hàng liên quan.

MSB

VCBS kì vọng MSB có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% cho năm 2024, cao hơn trung bình ngành, với động lực đến từ 2 phân khúc chiến lược của MSB là bán lẻ và doanh nghiệp SME.

Đồng thời, nhờ tận dụng thế mạnh hệ sinh thái, MSB thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn và đều đặn từ khách hàng doanh nghiệp. Tỷ lệ CASA đạt 28,2%, mức cao thứ 4 toàn ngành và dự kiến CASA sẽ tiếp tục đà hồi phục khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn duy trì thấp, giúp NIM của MSB duy trì ở mức 4%.

Bên cạnh đó, theo nhóm phân tích, MSB có khả năng tăng trưởng thu nhập bất thường từ thu hồi nợ xấu. Trong quý 2/2024, MSB đã thu về 2 khoản thu bất thường có giá trị hơn 800 tỷ đồng từ nợ đã được xử lý. Ngân hàng dự kiến năm nay sẽ có thêm những khoản thu nhập bất thường từ việc thu hồi các khoản nợ đã xử lý và dự kiến tổng lượng thu hồi khoảng 1.700 tỷ đồng cho cả năm 2024

OCB

VCBS đánh giá triển vọng tăng trưởng tín dụng của OCB tương đối khả quan trong năm 2024. Năm 2024 với kỳ vọng hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh và các hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho OCB với mức tăng trưởng tín dụng ước tính đạt 14,7%.

Đồng thời, chiến lược tập trung vào phân khúc thị trường khách với khẩu vị rủi ro cao hơn mức trung bình ngành có thể sẽ là động lực tăng trưởng cho OCB khi nền kinh tế phục hồi. OCB cung cấp những sản phẩm chuyên biệt cho những nhóm đối tượng khách hàng cụ thể với lãi suất cho vay cao hơn so với mặt bằng chung. Theo đánh giá của VCBS, nếu trong kịch bản thị trường phục hồi theo như mức kỳ vọng, đây sẽ là những động lực giúp ngân hàng thúc đẩy tín dụng.

Sacombank

VCBS kỳ vọng thu nhập lãi của Sacombank sẽ cải thiện. Theo đó, quy mô tài sản sinh lời tăng nhanh, tín dụng kỳ vọng hồi phục tốt trong 2024 với tăng trưởng tín dụng năm 2024 dự kiến đạt 13% cũng sẽ có tác động tích cực đến thu nhập lãi thuần và lợi nhuận của ngân hàng này.

Bên cạnh đó, áp lực trích lập dự phòng giảm đáng kể từ 2024. VCBS kỳ vọng Sacombank sẽ tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong năm 2024-đầu 2025. Nhờ đó, áp lực trích lập dự phòng từ năm 2024 trở đi sẽ giảm bớt đáng kể giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngoài ra, VCBS cũng kỳ vọng tiến độ xử lý tài sản tồn đọng của Sacombank sẽ được đẩy nhanh và hoàn thành trong 2024-2025. Trong bối cảnh thị trường bất động sản dần hồi phục và nguồn vốn cấp cho các nhà đầu tư dự án được nới lỏng, nhóm phân tích cho rằng Sacombank có thể đẩy nhanh quá trình thu hồi tiền đấu giá và khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú sẽ đủ điều kiện hoàn nhập trích lập vào đầu 2025.

Đồng thời, Sacombank vẫn đang tích cực làm việc với các bên liên quan để xử lý 32,5% cổ phần của STB do VAMC quản lý.

TPBank

Tín dụng trong năm 2024 của TPB kỳ vọng có sự hồi phục khả quan, ước tính đạt 16,0%. Với đặc điểm tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân trẻ và thu nhập ở mức trung bình thấp, VCBS kỳ vọng phân khúc khách hàng này sẽ có sự cải thiện về khả năng trả nợ cũng như cầu tín dụng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.

Theo VCBS, động lực cải thiện lợi nhuận TPBank trong năm 2024 đến từ: Thứ nhất, tỷ trọng cho vay phân khúc cá nhân của TPB ở mức cao - phân khúc có biên lợi nhuận cao và có nhiều tiềm năng phát triển các mảng bán chéo; Thứ hai, chiến lược tập trung vào nhóm khách hàng trẻ giúp tăng trưởng CASA kết hợp với cơ cấu huy động vốn linh động, giúp giảm bớt sức ép lên NIM.

VIB

VCBS kỳ vọng tín dụng của VIB tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2024 với động lực đến từ sự hồi phục của hầu hết các mảng kinh doanh, trong đó mảng cho vay mua nhà ở sẽ là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Sự hồi phục của thị trường bảo hiểm giúp hỗ trợ mảng thu nhập ngoài lãi.

Bên cạnh đó, mức độ cải thiện NIM của VIB tích cực hơn so với mặt bằng chung nhờ cơ cấu cho vay bán lẻ chiếm tỷ trọng cao và đa dạng hóa nguồn huy động vốn. Việc tập trung cho vay phân khúc bán lẻ và SME đem lại lợi suất cao cho VIB trong khi ngân hàng vẫn có thể duy trì được mức chi phí vốn hợp lý nhờ sự linh hoạt trong huy động vốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại