Lưu đày biệt xứ vẫn đau đáu trời Nam

Nhà báo Hoàng Anh Sướng |

Người Pháp đưa Hàm Nghi về Huế, cho phép nhà vua gặp những người ruột thịt của mình nhưng ngài từ chối: “Tôi thân đã tù tội, nước đã mất, còn dám nghĩ chi đến cha mẹ, anh chị em nữa?”.

Vua Hàm Nghi rất mê đọc sách

Vua Hàm Nghi rất mê đọc sách

Chiều ngày 25 tháng 11 năm 1888, thực dân Pháp đưa vua Hàm Nghi xuống tàu La Comète vào Sài Gòn. Để giúp ông có thể giao tiếp với người Pháp, họ đã cử Trần Bình Thanh đi theo làm phiên dịch cùng hai thị vệ khác chăm sóc ông hàng ngày. Ngày 28 tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi tới Sài Gòn. Ông bị tạm giữ trong một trại binh nửa tháng để chờ nhà chức trách Pháp chuẩn bị thủ tục lưu đày ông.

Toàn quyền Richaud đánh điện yêu cầu Bộ Thuộc địa lệnh cho Toàn quyền Pháp ở Algérie phải có chính sách đối xử tử tế với vua Hàm Nghi vì tương lai, có thể sẽ "dụ" đưa ông về Huế làm vua trở lại khi anh ông là vua Đồng Khánh qua đời.

Chiều ngày 13 tháng 12 năm 1888, vua Hàm Nghi được đưa xuống tàu Biên Hòa – một tàu vận tải binh sĩ, lên đường qua Algérie – một thuộc địa của Pháp ỏ Bắc Phi. Trong suốt hành trình, thái độ vua Hàm Nghi thật bình thản.

Những ngày đầu, ông nằm trong phòng đọc sách, không hề bước chân ra ngoài. Mãi về sau, nhà vua mới bỏ thái độ lạnh nhạt, thù hận với viên Trung tá phó Hạm cùng các sĩ quan bộ binh Pháp.

Chỉều chủ nhật, ngày 13 tháng 1 năm 1889, sau đúng một tháng, tàu Biên Hòa cặp bến Alger – Thủ đô của nước Bắc Phi Algéríe. Toàn quyền Pháp cử một đại tá cùng với một trung đội lính Lê Dương ra bến tàu Alger chào đón ông. Nghe tin vua Hàm Nghi bị đày sang Algérie, một số học sinh người Việt Nam tại Alger tìm đến chào Ngài, trong đó có sinh viên Y khoa Nguyễn Khắc Cẩn.

Theo tư liệu của nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân, mười ngày đầu, vua Hàm Nghi tạm trú tại L’hôtel de la Régence (Tòa Nhiếp chính). Sau đó, ông được chuyển đến ở tại một ngôi nhà khá tiện nghi, trước có một khoảng sân rộng, chung quanh là vườn hoa, thuộc làng El-Biar, trên dãy đồi Mustapha Supéreur, cách Alger chừng vài cây số. Lối đi từ trong nhà ra có hai rặng thông, trên hàng rào chân song sắt treo tấm biển mang ba chữ Villa des Pins (tạm dịch: Biệt thự Ngàn Thông).

Toàn quyền Algérie đã cử bà Marie Jeanne Delorme, lớn hơn vua Hàm Nghi gần 20 tuổi, làm quản gia cho ông. Song nhiều người nghi ngờ rằng, nhiệm vụ chính của bà này là theo dõi "người tù chính trị" Hàm Nghi.

Lưu đày biệt xứ vẫn đau đáu trời Nam - Ảnh 1.

Trong thời gian bị lưu đày, ông đã theo học ngành hội họa

Báo Le Monde Illustré số 1665 ra ngày 23 tháng 2 năm 1889 tại Paris đã có bài viết về cuộc sống lưu đày những ngày đầu của vua Hàm Nghi, trong đó có đoạn: "Cựu hoàng đòi cho người nhà của ông được đi theo bao gồm một thông ngôn, một quản gia và người đầu bếp.

Hàm Nghi nay đã 19 tuổi có nước da vàng giống như những người đồng chủng khác với đôi mắt tuy hơi nhỏ nhưng sáng và lanh lợi đầy vẻ thông minh. Lưỡng quyền ông hơi cao tương ứng với khuôn mặt trái xoan khá thanh tú. Dáng người nhỏ nhắn còn non nớt và không có râu.

Chúng tôi tặng ông một bức chân dung mà bức ảnh này đã rất khó khăn mới có được vì vua Hàm Nghi không chịu chụp hình theo lệnh của viên thống đốc. Nhà vua mặc quần dài bằng vải trắng rộng quá khổ trông thấu đôi vớ bằng lụa màu. Ông đi dép bằng da và nhung, trang trí chữ vàng và thêu thùa tỉ mỉ. Khi ở nhà vua Hàm Nghi chỉ mặc áo cánh hay áo dài màu xanh dương, trông tương tự như y phục đàn bà".

Vẫn theo tư liệu của ông Nguyễn Đắc Xuân, ngày 24 tháng 1 năm 1889, Toàn quyền Tirman tiếp kiến và mời vua Hàm Nghi dùng cơm tại gia đình. Ít ngày sau, qua Toàn quyền Tirman, ông nhận được tin thân mẫu là bà Phan Thị Nhàn đã từ trần vào ngày 21 tháng 1 năm 1889 tại Huế khiến ông đau khổ vô cùng. Ngay tối đó, ông lên cơn sốt rét. Chứng sốt rét đã hành hạ ông suốt ba năm sống trong rừng sâu núi thẳm, nay lại tái phát khiến ông mê man đến mấy ngày. May nhờ có bác sĩ giỏi chữa nên nhà vua bình phục dần.

Trong 10 tháng đầu sống trên đất khách, vua Hàm Nghi nhất định không chịu học tiếng Pháp vì ông cho đó là thứ tiếng của dân tộc xâm lược nước mình. Ông có ít bạn và hầu như không tiếp xúc với ai, mọi việc giao thiệp đều qua thông ngôn Trần Bình Thanh. Nhưng về sau, ông thấy sự không hiểu tiếng Pháp là một điều thiếu thốn lớn lao cho kẻ đã không cãi được số mệnh mà phải gửi thân phận ở quê người.

Ông cũng thấy người Pháp ở Algérie thân thiện, khác với người Pháp ở Việt Nam, nên từ tháng 11, vua Hàm Nghi bắt đầu học tiếng Pháp. Mỗi ngày ông dành tiếng rưỡi đồng hồ để học, ngoại trừ thứ năm và chủ nhật. Ngoài ra, ông còn tập thể dục mỗi ngày 2 tiếng rưỡi. Ông tập đi xe đạp, học vẽ tranh và làm quen với chiếc máy chụp hình để khuây khỏa nỗi lòng nhớ nhà, nhớ đất nước. Nhờ thế mà sức khỏe của ông phục hồi dần dần.

Mặc dù ở nước ngoài nhưng mọi nét văn hóa của đất nước vẫn được ông gìn giữ. Vua Hàm Nghi vẫn dùng khăn lượt, áo dài theo nếp cũ ở quê hương, ông sống "âm thầm như cá chép", quần áo đều tự may lấy theo kiểu cổ Việt Nam, để tóc búi củ hành cho tới khi mất. Song những lần đi săn chung với Toàn quyền Tirman, ông bắt đầu ướm thử Âu phục. Dân bản xứ gọi ông là Prince d’Annam (Hoàng thân An Nam).

Trải qua 10 năm sống ở biệt thự Ngàn Thông trên đất Alger, vua Hàm Nghi đã học giỏi tiếng Pháp và văn minh văn hóa Pháp. Ông nói và viết tiếng Pháp giống như người Pháp. Tuy nhiên, ông luôn nói tiếng Việt và ăn cơm Việt Nam với những người bên Việt Nam cử qua. Có lần người ta nói đến lịch sử của nước Pháp và ca ngợi nước Pháp hết lời, vua Hàm Nghi đáp lời: "Lịch sử nước Pháp rất hấp dẫn tôi, nhưng lịch sử của nước tôi cũng hấp dẫn tôi không kém".

Vua Hàm Nghi cũng có mối quan hệ với một số trí thức Pháp nổi tiếng. Nhiều quan chức cao cấp của Pháp rất trọng nể tinh thần yêu nước và phong cách sống phương Đông của ông. Vua Hàm Nghi rất thích chụp ảnh, đi xe đạp ra vùng nông thôn để vẽ tranh. Năm 1899, vua Hàm Nghi có sang thăm Paris và đến xem một triển lãm của danh họa Paul Gauguin. Về sau khi vẽ tranh, vua Hàm Nghi cũng chịu ảnh hưởng bởi phong cách của Gauguin.

Ông De Varingi, phóng viên báo Le Temps đã đến thăm vua Hàm Nghi và đã mô tả chỗ làm việc của nhà vua như sau: "Một phòng rộng lát đá hoa. Nơi đây vua Hàm Nghi thích hơn cả và Ngài làm việc suốt ngày ở đó. Trên bàn sách, báo ngổn ngang, các họa phẩm treo đầy trên tường. Trên giá vẽ còn nhiều bức đang dở dang. Rồi chỗ đánh đàn, máy ảnh. Những vật ấy làm lộ rõ cái chí ham hiểu biết, ham sáng tạo của Ngài".

Tìm niềm vui trong hội họa nhưng sâu thẳm tâm hồn, vua Hàm Nghi vẫn thấy cô đơn. Không thể một mình sống mãi nơi đất khách quê người, năm 1904, vua Hàm Nghi quyết định đính hôn với cô Marcelle Laloe, sinh năm 1884 – con gái của ông Francis Laloe – Chánh án Tòa Thượng thẩm Alger. Ông Francois Laloe là người thuộc dòng dõi quý tộc lớn tại miền Nam nước Pháp. Khi sang Alger, ông vẫn được giới quý tộc ở đây tôn kính. Vì thế, ông là người có tiếng nói, có ảnh hưởng lớn trong vùng. Vợ mất sớm, ông sống một mình nuôi con. Do vậy, ông thông cảm với nỗi cô đơn của Hoàng thân An Nam phải sống kiếp lưu đày.

Ông rất quý mến vua Hàm Nghi. Ông biết, vua Hàm Nghi tuy bây giờ chỉ là người dân một nước thuộc địa của Pháp, lại đang bị lưu đày nhưng có xuất thân hoàng tộc cao quý và hơn cả, Ngài có một nhân cách đẹp, một tâm hồn đẹp. Là người có tư tưởng tiến bộ, ông khuyến khích cô con gái trẻ tuổi của mình trò chuyện giao lưu với vua Hàm Nghi.

Lưu đày biệt xứ vẫn đau đáu trời Nam - Ảnh 2.

Vua Hàm Nghi và cô Marcelle Laloesau trong ngày thành hôn

Điều đặc biệt là tuy vua Hàm Nghi hơn Marcelle Laloe tới 13 tuổi nhưng không vì thế mà khoảng cách tuổi tác trở thành rào cản. Được tiếp xúc với vua Hàm Nghi nhiều lần trong những buổi sinh hoạt tại biệt thự của bà Nam tước De Vialar, Marcelle Laloe ngày càng yêu ông.

Bỏ qua mọỉ tập quán cũ, ngài Chánh án Tòa Thượng thẩm Alger rất vui mừng gả con gái Marcelle Aimée Léonie Laloe cho Hoàng thân An Nam. Ngày 4 tháng 11 năm 1904, 15 năm sau khi bị lưu đày sang Algerie, hôn lễ giữa vua Hàm Nghi với con gái ông Francois Laloe được tổ chức trọng thể và sang trọng tại Thánh đường của Tòa Tổng Giám mục Alger, với sự góp mặt của đông đảo tầng lớp thượng lưu, trí thức. Ông Francois Laloe là người đứng ra làm chủ hôn.

Tại lễ thành hôn, trong khi cô dâu Marcelle vận một chiếc váy cưới lộng lẫy, cao sang thì vua Hàm Nghi vẫn mặc đúng chiếc áo dài đen cổ truyền của quê hương, đầu đội khăn xếp. Chính vị Tổng Giám mục Alger là người đã ban phép lành cho vua Hàm Nghi và Marcelle Laloe. Rất nhiều người dân ở Thủ đô Alger đã kéo nhau đến đứng xung quanh khu vực nhà thờ để tận mắt chứng kiến lễ cưới và chiêm ngưỡng đôi vợ chồng khi họ bước ra khỏi thánh đường.

Đám cưới của Vua Hàm Nghi và Marcelle năm 1904 được xem là một sự kiện lớn và vô cùng đặc biệt tại Alger. Đây sự kết hợp đặc biệt giữa một cô gái có xuất thân quý tộc Pháp và một vị vua của một nước thuộc địa Pháp bị lưu đày. Báo chí Pháp ngữ ở Alger ngay lúc ấy đã có một bài viết về đám cưới vua Hàm Nghi mang tựa đề "Đám cưới của Hoàng thân An Nam". Từ lúc đính hôn cho đến ngày cưới của vua Hàm Nghi với bà Laloe đều được giới làm bưu ảnh Alger khai thác triệt để.

Kể từ đó, Marcelle Laloa trở thành La Princesse d’Annam – tức là "Vương phi của nước An Nam", hay "Vợ của vua An Nam" (vì theo truyền thống của nhà Nguyễn trước đó, vợ của vua không được lập là hoàng hậu, chỉ được lập là vương phi. Đến thời vua Bảo Đại, do hoàn cảnh bắt buộc, Bảo Đại mới phải lập bà Nam Phương làm Nam Phương Hoàng hậu). Vua Hàm Nghi trở thành vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, cũng là vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam kết hôn với một người phụ nữ phương Tây.

Sau khi kết hôn, vua Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe sống rất hạnh phúc trong tình yêu thương và tôn trọng nhau. Bà Marcelle Laloe theo Thiên Chúa giáo, còn vua Hàm Nghi vẫn theo đạo Phật chứ không cải đạo theo vợ. Nhưng ông vô cùng tôn trọng tín ngưỡng của vợ và vẫn thường đưa bà đi lễ ở nhà thờ Thánh Philippe, nhà thờ của Tòa Tổng Giám mục Alger. Thỉnh thoảng, vua Hàm Nghi vẫn viết thư về Huế thông báo tình hình với người thân và nhờ mua cau trầu, thuốc lá gửi sang.

Kết quả của mối tình đẹp đẽ ấy là 3 người con đẹp như thiên thần. Người con đầu là công chúa Như Mai (1905 – 1999), người con thứ hai là công chúa Như Lý (1908 – 2005), người con thứ ba là hoàng Tử Minh Đức (1910 – 1990). Cả 3 đều sinh ra và lớn lên tại Alger. Dù không thể đưa các con của mình về quê hương nhưng vua Hàm Nghi vẫn dạy con mọi điều về lịch sử Việt Nam, về truyền thống yêu nước và những lần chống ngoại xâm kiên cường của người Việt.

Ông cũng không quên kể cho các con nghe về các đời vua triều Nguyễn và câu chuyện lưu lạc của cuộc đời mình. Ở Alger, khi nói chuyện với những người hầu cận là người Việt Nam, vua Hàm Nghi vẫn dùng tiếng Việt.

Ông thường nói với con mình rằng: "Các con chưa thể là một người Việt Nam tốt thì trước hết hãy là một người Pháp tốt". Sự dạy dỗ con cái chỉn chu của vua Hàm Nghi đã được thể hiện ở chính nhân cách đẹp cũng như sự giỏi giang và lòng tự trọng của con cái ông sau này.

Lưu đày biệt xứ vẫn đau đáu trời Nam - Ảnh 3.

Đám đông đứng trên bậc thềm nhà thờ phía trước Tòa Tổng Giám mục Alger phía bên kia đường để xem cảnh đám cưới của cựu hoàng An Nam

Hoàng tử Minh Đức (người con trai duy nhất của vua Hàm Nghi) khi lớn lên đã vào học tại trường võ bị, rồi phục vụ trong quân đội Pháp. Năm 1946, khi nhận được lệnh sang Đông Dương làm nhiệm vụ, Hoàng tử Minh Đức đã kiên quyết từ chối. Hoàng tử Minh Đức nói: "Tôi không thể cầm súng bắn lại đồng bào tôi. Nếu Chính phủ Pháp muốn đưa tôi ra trước tòa án quân sự thì tôi phải chịu".

Sau này, người Pháp đã đưa Hoàng tử Minh Đức sang phục vụ cho một đơn vị lính Lê Dương ở Algerie. Ông về hưu với quân hàm Đại tá. Hoàng tử Minh Đức có lập gia đình nhưng không có con, ông mất năm 1990, thọ 80 tuổi. Qua cách ứng xử của Hoàng tử Minh Đức, người ta có thể thấy tinh thần khẳng khái của vua Hàm Nghi một thời, khi ông đã từ chối mọi ngai vàng, mọi phú quý để cùng nhân dân đánh giặc. Dù ở hoàn cảnh khác nhau, vị thế khác nhau nhưng hoàng tử Minh Đức đã chứng tỏ mình đã được vua Hàm Nghi nuôi dạy, giáo dục cặn kẽ, để không làm những việc trái với đạo lý, phản bội Tổ quốc.

Người con đầu của vua Hàm Nghi – công chúa Như Mai là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đỗ Thạc sĩ Nông Lâm, hơn thế, đỗ thủ khoa.

Giống như cha mình, công chúa Như Mai thường phục sức theo kiểu phụ nữ Việt Nam. Bà là một hiện tượng được báo chí Pháp vô cùng quan tâm. Có lần một nhà báo Pháp hỏi bà vì sao lại ăn mặc như thế? Công chúa đã đáp lại: "Ăn mặc như thế là thể theo ý muốn của vua Hàm Nghi".

Sau khi đỗ Thủ khoa thạc sĩ nông lâm, công chúa Như Mai về Alger sống với Vua Hàm Nghi một thời gian rồi quay trở lại Pháp sống và làm việc. Bà đi đến vùng Dordogne và Correne – miền Trung nước Pháp, đưa những kỹ thuật trồng trọt đem giúp dân nghèo ở vùng này và được nhân dân địa phương hết sức quý trọng. Bà không lập gia đình mà cả đời dành cho sự nghiệp nghiên cứu. Khi còn sống, bà là một người phụ nữ Pháp vô cùng giàu có và thường xuyên đi làm từ thiện, cứu giúp người nghèo. Bà sống trong một lâu đài ở miền Trung nước Pháp cho đến cuối đời.

Công chúa thứ hai Như Lý vốn là sinh viên ngành dược. Đang học năm thứ hai thì bà phải lòng Bá tước Francois Barthomivat de la Besse – một điền chủ quí tộc Pháp. Thế là bà bỏ học nửa chừng để lập gia đình với De la Besse. Ông bà De la Besse rất giàu, làm nghiệp chủ hai tòa lâu đài nổi tiếng ở Vigeois. Đó là lâu đài De la Nauche và lâu đài Chabrignac. Lâu đài De la Nauche tại thị trấn Vigeois là nơi công chúa Như Lý ở cho đến cuối đời và cũng là nơi gìn giữ các kỷ vật, tranh ảnh của vua Hàm Nghi và bà Vương phi Marcelle Laloe.

Vua Hàm Nghi mất vào ngày 14 tháng 1 năm 1944 tại Alger vì căn bệnh ung thư dạ dày. Ông mất trong đúng giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ II đang diễn ra vô cùng ác liệt. Lúc đó, tất cả những người con của Vua Hàm Nghi đều ở Pháp và nước Pháp đang bị quân Đức của Hitler chiếm đóng nên không một người con nào của vua Hàm Nghi có thể về Alger để dự đám tang của cha mình.

Hài cốt ông được an táng ngay trong khuôn viên biệt thự Gia Long trên đồi làng El Biar nhìn ra vịnh Alger. Năm 1962, nước Algérie giành được độc lập, Chính phủ Pháp buộc lòng phải di chuyển kiều dân Pháp cùng toàn bộ tài sản, mồ mả của người Pháp về cố quốc. Hài cốt của vua Hàm Nghi và bà quản gia Delorme đã được gia đình đưa về khu nghĩa trang tại làng Thonac tỉnh Dordogne, gần lâu đài De Losse bên bờ sông Vézère.

Lưu đày biệt xứ vẫn đau đáu trời Nam - Ảnh 5.

Mộ vua Hàm Nghi nằm ỏn sót

Chiều ngày 23 tháng 9 năm 2019, vợ chồng anh Partrick, người Pháp đã đưa tôi đến viếng thăm mộ vua Hàm Nghi. Mặc dầu trước đó, anh chị đã gửi cho tôi những bức ảnh chụp ngôi mộ của vua nhưng khi đến nghĩa địa, tận mắt chứng kiến, tôi vẫn không tránh khỏi bất ngờ. Tiếng là mộ vua nhưng hết sức nhỏ bé, đơn sơ, nằm ỏn sót giữa hàng trăm ngôi mộ cao lớn của những người theo đạo Thiên chúa. Mộ dài chừng 2,3m, rộng 1,7m, cao 45cm được xây bằng bê tông.

Mưa nắng thời gian đã bào mòn, rêu mốc. Đầu mộ dựa vào chân tường, hướng về phía cửa chính. Lâu ngày không ai săn sóc chùi rửa, nắp đá tảng trên mộ đen thui, rêu xanh mọc đầy. Cái bình hoa duy nhất ở đầu mộ lưng lửng nước mưa. Vài chân nhang lạnh lẽo đã cháy từ lâu. Một bức ảnh nhỏ chụp nóc nhà Đại nội Huế đặt ở chân mộ, phía sau tấm hình ghi dòng chữ: "Từ Huế tới nơi đây với lòng kính trọng. 11/8/2019. Long". Có lẽ, một người tên Long từ Huế đã đến đây thăm viếng mộ, gửi lại bức ảnh như một lễ vật dâng lên người đã mất những mong hương hồn vua Hàm Nghi vợi bớt nỗi nhớ nhà.

Nhìn kỹ những dòng chữ khắc trên mộ, tôi giật mình thảng thốt. Dưới nấm mồ chỉ rộng chừng 5m2 hóa ra không chỉ chứa hài cốt của vua Hàm Nghi mà còn là nơi an nghỉ của 4 người nữa. Đó là bà Marcelle Laloe – vợ vua Hàm Nghi, công chúa Như Mai, Hoàng tử Minh Đức và bà Marie Jeanne Delorme. Mất rất nhiều thời gian tôi mới đọc được hết những hàng chữ khắc trên mộ vì mưa nắng thời gian đã bào mòn:

1. S.M.Ham Nghi.Hue 1871-Alger 1944. D’Empereur d’ Annam

2. S.A.I.La princesse d’Annam, née Marcelle Laloe, 1884-Alger 1974. D’Empereur d’ Annam.

3. Nhu May, Princesse d’Annum, 1905-1999.

4. Minh Duc, Prince d’Annum, 1910-1990.

5. Marie Jeanne Delorme, 1852-1941.

Thành kính chắp tay khấn nguyện trước hương linh vị vua yêu nước, tự dưng nước mắt tôi ứa ra. Trời ơi! Nấm mộ của một vị vua yêu nước mà lại thấp lè tè, mốc meo, hoang lạnh thế này sao! Chợt nghĩ đến những ngôi mộ tiền tỷ rộng hàng héc-ta ở trong nước mà lòng thấy xót thương vô cùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại