Sấu chín dầm
Món quà vặt này được các chị em văn phòng rất thích, đây cũng là món ăn gợi lại ký ức tuổi thơ của nhiều người bởi vị chua cay mặn ngọt hài hòa mà nó đem lại. Chúng ta dễ dàng bắt gặp món ăn này ở khắp các sạp bán hoa quả dầm ở vỉa hè Hà Nội.
Những quả sấu chín mọng, vàng óng ả như gom cả chút nắng cuối hè vào bên trong khiến chỉ cần nhìn thôi cũng phải chảy nước miếng. Sấu chín dầm thường được tìm thấy ở các gánh hàng rong trước cổng trường hay trên phố, nhưng với những tín đồ của món này trong năm nay không thể tìm mua được cũng đừng lo, bởi làm món này không hề khó.
Không đơn giản chỉ là gọt và chấm muối ớt, sấu dầm phức tạp hơn bởi nhiều công đoạn. Sấu chín sau khi được cạo sạch lớp vỏ bên ngoài để lộ phần thịt vàng thơm, đến công đoạn cần sự khéo léo và tỉ mỉ là tách thịt sấu ra khỏi hạt. Từng lớp thịt sấu được khứa thành hình trôn ốc từ đầu cho đến cuối quả một cách nhẹ nhàng. Sau đó tùy khẩu vị từng người mà trộn gia vị khác nhau, người thích tê tê cay đầu lưỡi thì cho thêm nhiều ớt bột một chút, hoặc đơn giản muốn cảm nhận rõ hơn sự ngọt thanh rôn rốt chua thì giảm lượng đường khi trộn vào. Cứ vậy đợi chừng 10 - 15 phút khi đủ ngấm gia vị là đã có thể thưởng thức rồi.
Hồng trà sấu chín
Đây là thức uống giải khát tuyệt vời, mùi thơm của nước sấu quyện cùng vị chát nhẹ của trà tạo nên hương vị tuyệt hảo. Ưu điểm của món này đó chính là thời gian ngâm sấu nhanh hơn so với sấu xanh nên chỉ cần làm hôm trước thì hôm sau bạn đã có thể thưởng thức ngay được rồi.
Sau món “ăn xổi” từ sấu chín là sấu dầm thì nhiều người cũng muốn để dành những quả sấu vàng ươm bằng cách ngâm vào lọ. Vẫn công đoạn quen thuộc là cạo vỏ và cắt sấu theo hình trôn ốc, chỉ khác là lần này chúng ta đem ngâm với nước đường đun sôi để nguội. Khi sấu và nước đã nguội hoàn toàn thì trút vào hũ thủy tinh đã được làm sạch khử khuẩn.
Nước sấu được bảo quản trong tủ lạnh, khi đem ra thưởng thức pha cùng nước cốt trà, vị chan chát nhẹ của trà quyện cùng vị chua ngọt của nước sấu, thức uống giản dị mà vượt qua mọi thức uống ngon lành bên ngoài. Nước sấu ngâm sẽ uống ngon hơn khi có thêm đá lạnh, hoặc có thêm chút vị thơm của sả đập dập.
Ô mai sấu
Cái vị rốt chua xen lẫn chút ngọt nhẹ của sấu chín đã khiến không biết bao nhiêu người mê mẩn. Nhưng mùa sấu vốn ngắn nên nhiều người phải tìm tới ô mai sấu để vơi bớt phần nào nỗi thèm thuồng những miếng sấu chín, sấu dầm chưa kịp ăn thật đã. Ô mai sấu chín có vị khác so với ô mai sấu xanh, vị của sấu chín có mùi sấu chín đặc trưng, thơm nhẹ và ngọt thanh. Đây là món ăn vặt mà bạn có thể nhâm nhi cả ngày với một chén trà.
Sấu sau khi được cạo vỏ, đem ngâm với đường cùng gừng thái sợi có thể thêm một nhúm muối nhỏ để kiềm bớt vị ngọt của đường. Ngâm đến khi thấy đường tan hết là đã xong nửa công đoạn để có những viên ô mai sấu ngập tràn hương vị tuổi thơ rồi. Đổ sấu cùng nước đường vào nồi cùng lửa nhỏ đun cho cạn sệt nước, thi thoảng đảo nhẹ tay để sấu ngấm đều. Khi sấu đã cạn sệt nước thì vớt ra cho vào lò nướng sấy với nhiệt độ vừa phải, hoặc cũng có thể tận dụng những đợt nắng cuối thu để phơi thành phẩm. Cho thành phẩm vào hũ thủy tinh ăn dần và cũng có thể mang tặng bạn bè, người thân để cùng nhâm nhi thưởng thức những quả sấu chín cuối thu vào ngày giá lạnh khi đông về.
Nhiều lần dạo gót bên Hồ Gươm, ngước nhìn những hàng cây sấu già bên hè phố chỉ có loáng thoáng những quả sấu chín còn sót lại khi mà mùa hè người ta khai thác không hết. Thu Hà Nội luôn phải có sấu chín, bởi nếu không còn bóng dáng của những người bê mẹt sấu chín đi bán trên phố, cùng hương thơm của những quả sấu lẫn khuất vào trong gió heo may se lạnh thì mùa Thu sẽ bớt đi nét thi vị như vốn có của nó...