Những cô gái Việt váy đỏ, váy đen
Anh ấy bảo họ làm việc cho các quán bar, club ở các đường Geylang 13, 15, 17, 11. Đây là những con đường ngắn nằm trong khu đèn đỏ nổi tiếng của Sing mà giờ anh nghĩ nhiều người Việt đến đây chắc cũng đã biết hoặc chưa đến nhưng có thể đã nghe.
Anh bạn anh cũng cho hay, ban ngày các cô ấy thường không làm gì, khoảng 8h đêm là họ sẽ đi ăn tối sau đó vào ca làm. Ngồi sau lưng anh là một nhóm cô gái như thế, nói cười to lắm, đốt thuốc tám chuyện vô tư. Anh nghe được cả giọng 3 miền.
Anh bạn đã giới thiệu sơ cho anh rằng ở Geylang có những nhà trọ chỉ dành cho những cô gái Việt hành nghề này. Thường phòng trọ chỉ cho 2-3 người thuê, nhưng các cô ấy thì có thể 5-7 người chia nhau một phòng. Không biết bao lâu họ mới về quê một lần, và không biết họ đã sang đây bao lâu rồi.
Những cô gái ở khu phố đèn đỏ Geylang đến từ nhiều nước.
Nhìn và nghĩ về những chiếc váy ôm sát đó, anh chợt nhớ lại vài năm trước anh có kèm tiếng Hoa cho một cô gái trước lúc đi Sing. Cô gái này lên Sài Gòn làm việc, có một hiệu tóc nhỏ ở đường Âu Dương Lân quận 8.
Cô ấy bảo muốn đi Sing vì có người quen biết giới thiệu công việc ở quán bar thu nhập cao hơn. Lúc đó, một gã quê mùa như anh không biết công việc quán bar cô ấy nói là công việc của những cô gái ngồi ở sau lưng anh, hoặc ngồi cách anh ở vài dãy bàn, nói cười hô hố, đốt thuốc sành sõi, ánh nhìn có vẻ khinh bạc bất chấp xung quanh thế này.
Lần đầu đi, cô bị phía Sing từ chối nhập cảnh, với lý do là chẳng có lý do gì cả. Cô được trả về. Nhưng sau đó, cô ấy cũng sang được Sing và anh mất liên lạc từ đó.
Quay trở lại góc phố Geylang đêm qua mà anh ngồi. Các cô váy đỏ váy đen đã rời đi. Thay vào đó là vài vị khách, cũng là người Việt nốt. Có 2 anh chàng nọ nhận ra anh là người Việt nên chủ động cầm bia qua mời.
Nhân viên nữ trước một tiệm massage ở phố Geylang
Khách Việt nơi phố đèn đỏ
Nhóm chàng trai anh gặp cũng là người miền ngoài. Họ là thủy thủ, đi theo tàu hàng. Tàu cập cảng vài ngày nên họ được lên đất liền. Khách sạn họ thuê gần chỗ anh. Họ là khách thuê quen thuộc của khách sạn nhỏ đó.
Cả hai lại mời anh thuốc lá. Tưởng anh ngại, họ trấn an thêm là tụi em còn cả vài cây ở khách sạn, anh cứ cầm mà hút. Ngạc nhiên là thuốc lá tem Việt Nam em ạ. Anh hỏi chuyện, họ bảo chuyện của tụi em chẳng có gì đặc biệt đâu để kể. Cũng là những ngày theo tàu hàng lênh đênh, ghé đất liền ngày ngủ, đêm làm vài cốc bia rồi đến các quán bar gần phố đèn đỏ giải sầu.
Chàng trai thứ nhất người Quảng Bình, tên là Dũng, 27 tuổi và đã có gần 6 năm đi theo những chuyến tàu hàng như thế này.
Còn người thứ hai tên là Cháng (tên lạ quá em nhỉ, nhưng Cháng cũng giải thích là ba cậu ấy tên Hùng, em trai cậu ấy tên Sỹ, lúc khai sinh ba cậu ấy đọc cho cán bộ hộ tịch là Nguyễn Văn Tráng nhưng họ ghi thành Cháng, và thành tên cậu ấy luôn), 30 tuổi, quê ở Hải Phòng. Giọng Cháng rất to, ra kiểu người tự tin, nghĩa hiệp.
Lịch trình tàu hàng của hai chàng thường là từ Hải Phòng hoặc TP. HCM, và đích đến là Nam Mỹ. Mỗi chuyến như vậy kéo dài đến vài tuần. Và hai cậu ấy cùng những người làm cùng nghề ghé Sing đều đặn. Họ gọi đùa đây là "bến nghỉ" của tụi em.
Cả hai cậu ấy đều có làn da cháy nắng, tay chân to. Mỗi khi mời anh cụng xong một ly, họ lại đưa tay ra bắt tay anh. Anh nhận thấy, bàn tay họ đều khá to và chai, họ nắm tay rất chặt.
Diện mạo bên ngoài của họ cũng dễ nhận ra. Cả hai đều bận chiếc quần bò, áo thun. Chúng đều còn khá mới. Dũng bảo là chỉ khi lên bờ tụi em mới mặc đồ như thế này. Cổ của ai cũng có sợi dây kim loại màu trắng rất to, anh không biết đó là bạc hay là inox. Trên sợi dây đeo cổ còn treo một chiếc nanh hay vuốt gì đó cũng bọc kim loại.
Thấy câu chuyện bắt đầu vui, họ rủ anh ăn xong đi cùng họ vào các quán bar thư giãn. Cháng ra vẻ sành sõi, ở đây chơi gì cũng có anh, chỉ có điều hơi đắt.
Một chai bia trong quán bar hay club là phải đến mấy chục đô Sing. Cậu bảo là do bia đắt vậy, nên trước khi vào bar chơi, bọn cậu thường uống vài chai bia lớn ở quán ăn trước vì giá bia ở đây rẻ hơn.
Nhiều người Việt đến Singapore có thú vui tìm đến những điểm giải trí ở khu đèn đỏ Geylang
Câu chuyện của bọn anh chuyển sang chủ đề khác. Cháng vẫn là người bắt đầu trước, anh muốn "bay" tối nay không?
Anh bảo gì chứ ma túy anh không chơi. Cháng lắc đầu nói không phải, ở đây dùng ma túy mà cảnh sát bắt được là khổ lắm. "Bay"là đi phố đèn đỏ tìm "gà mang guốc" ấy. Anh bấm Cháng bảo nhỏ giọng xuống vì hình như góc bàn phía kia cũng là người Việt trong khi chủ đề câu chuyện không tế nhị là mấy.
Cháng hạ thấp giọng xuống xíu bảo là anh đi cùng và hai cậu ấy sẽ giới thiệu cho anh "mối ngon". Dũng cũng cười thành thật bảo anh đi cùng cho vui chứ mấy cơ hội được gặp. Cháng lại là người tiếp tục câu chuyện, lần này giọng đã nhỏ hơn trước nhưng vẫn còn to ra vẻ sành sõi là "chọn gà" ở Sing anh đừng chọn gái Việt.
Anh hỏi sao thế? Không phải cần ủng hộ đồng hương ư? Cháng lắc đầu, ủng hộ gì, anh chọn gái Thái Lan ấy, các cô ấy chìu chuộng khách hơn. Rồi Cháng từ từ kể rạch ròi quán nào, giá ra sao. Đúng là tay chơi thứ thiệt!
Anh còn đang không biết từ chối như thế nào thì điện thoại rung. Bạn cùng phòng anh đi chơi về khách sạn không có chìa khóa vào phòng. Cuộc điện thoại giải cứu giúp anh thoát được rủ rê của Cháng. Nói thật, không phải anh đạo đức giả đâu mà vì anh chuyến này đi không có cầm theo tiền mặt nhiều vì nhớ lần đầu qua Sing anh đã mất chiếc ví trong đó có toàn bộ tiền bạc.
Nếu không, chưa chắc anh đã rút gọn như thế trước những lời rủ rê.
Kỳ cuối: Người Việt và những nghề kỳ lạ ở đảo quốc