Ngày 15/6, thí sinh trên cả nước bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. So với những năm trước, năm 2020, hầu hết các trường ĐH đều sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh như: xét tuyển dựa vào điểm thi Tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, tuyển kết hợp bẳng các tiêu chí riêng của từng trường...
Việc đa dạng phương thức xét tuyển mang lại nhiều cơ hội, song cũng khiến không ít thí sinh băn khoăn lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Trao đổi với VOV.VN về việc đăng ký xét tuyển CĐ, ĐH năm 2020, bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, các cơ sở đào tạo được tự chủ trong việc xác định phương thức tuyển sinh như thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển.
”Qua đề án tuyển sinh đã công khai trên cổng thông tin điện tử của các trường, hầu hết các trường vẫn sử dụng kết quả thi THPT và kết quả học tập THPT để xét tuyển. Công tác tuyển sinh của các trường thuộc khối ngành Công an và Quân đội giữ ổn định như các năm trước.
Việc các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển trong tuyển sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển và lựa chọn vào các ngành yêu thích và các trường yêu thích của mình, tuy nhiên việc này cũng làm cho thí sinh bối rối”, bà Thủy nói
Bà Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý, thí sinh cần chọn ngành học và phương thức xét tuyển phù hợp với bản thân
.
"Một khi thí sinh đã xác nhận nhập học vào trường trúng tuyển thì không được tham gia xét tuyển vào các trường khác. Do đó, thí sinh cần cân nhắc và quyết định lựa chọn ngành yêu thích để nộp giấy chứng nhận kết quả thi và học tập", bà Nguyễn Thu Thùy cho biết.
Lưu ý với thí sinh về việc đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học, bà Thủy cho biết, theo Quy chế tuyển sinh hiện hành, các trường được tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm, với các phương thức xét tuyển khác nhau. Năm 2020, công tác tuyển sinh được giữ ổn định như các năm 2018, 2019. Các trường có thể sử dụng kết quả điểm thi THPT, hoặc kết hợp với các phương thức khác để làm căn cứ xét tuyển.
Trong xét tuyển đợt 1, các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển và nhập các nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên Phần mềm quản lý thi và tuyển sinh để các trường có thông tin xét tuyển.
Thời gian đăng ký dự thi THPT và xét tuyển vào các trường đại học, các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non diễn ra từ 15/6- 30/6.
Thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển trên cùng một phiếu với phiếu đăng ký dự thi và nộp tại điểm tiếp nhận (thông thường là nơi thí sinh đang học). Thí sinh tự do nộp phiếu tại điểm tiếp nhận theo quy định của Sở GD-ĐT.
Để không xảy ra những sai sót đáng tiếc trong quá trình làm hồ sơ đăng ký xét tuyển, bà Thủy lưu ý thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh trong Đề án tuyển sinh của các nhà trường đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của các trường để có thông tin đăng ký xét tuyển: Mã ngành/nhóm ngành; Tên ngành/Nhóm ngành; Mã tổ hợp đăng ký xét tuyển và các tiêu chí phụ.
Thí sinh cũng cần thưc hiện theo hướng dẫn ghi trên phiếu, tham khảo ý kiến của các thầy cô giáo, hoặc cán bộ thu hồ sơ để khai báo đúng các thông tin trên phiếu.
Đặc biệt, khi khai báo các thông tin xét tuyển cần lưu ý: Phải ghi đúng mã trường/cơ sở/phân hiệu, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển. Thí sinh đăng ký nguyện vọng không đúng với quy định, nguyện vọng đăng ký sẽ không được nhập vào hệ thống phần mềm để xét tuyển.
Thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường.
Sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là cao nhất).
Thí sinh ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định trong Quy chế tuyển sinh còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan: Đăng ký dự thi theo quy định (phải đăng ký nguyện vọng 1), đăng ký sơ tuyển.
Thí sinh có nguyện vọng học các ngành năng khiếu cần chú ý đăng ký dự thi theo quy định. Đăng ký dự thi môn năng khiếu. Thí sinh cần liên hệ với các trường để thực hiện đăng ký và dự thi môn năng khiếu.
Ngoài ra, những thí sinh đăng ký xét tuyển vào một số trường có xét tuyển trên cơ sở hộ khẩu cần lưu ý đến các quy định của trường.
Để được hưởng ưu tiên đối tượng, thí sinh cần phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Thí sinh cần phải ghi đúng dân tộc trên Giấy khai sinh.
Thí sinh cần lưu ý để tránh đăng ký nhầm trường, cơ sở, phân hiệu đào tạo; ngành, tổ hợp xét tuyển.
Thí sinh ĐKXT và các ngành, các trường có xét điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ, cần ghi điểm trên phiếu ĐKXT và nhập lên hệ thống.
Thí sinh ĐKXT được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống, sau khi tiếp nhận, phải thay đổi và bảo quản mật khẩu. Cần chú ý đăng nhập vào hệ thống để kiểm tra thông tin ĐKXT.
“Đặc biệt, thí sinh cần hết sức lưu ý: Chỉ những thí sinh đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi mới có thể thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi, và chỉ được thay đổi 1 lần duy nhất”, bà Thủy nhấn mạnh.
Box: Nội dung phiếu đăng ký dự thi gồm 4 phần chính: Thông tin cá nhân, đăng ký thi, thông tin để xét công nhận tốt nghiệp THPT và thông tin dùng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Những thí sinh đủ điều kiện xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển phải nộp hồ sơ về Sở GD-ĐT trước ngày 20/7.
Trường hợp những thí sinh không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT sẽ được báo trước ngày 23/7. Các đơn vị in và trả giấy báo dự thi cho thí sinh chậm nhất ngày 1/8.
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trong 2 ngày 9-10/8. Học sinh lớp 12 phải làm 3 bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Lưu ý, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT chỉ được đăng ký một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội hoặc Khoa học Tự nhiên thay vì có thể đăng ký cả hai bài tổ hợp như ở kỳ thi THPT quốc gia những năm trước.
Thí sinh tự do được đăng ký các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài tổ hợp theo nguyện vọng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng./.