1. Kiểm tra nhà đất chuẩn bị giao dịch xem có thuộc trường hợp được phép mua hay bán không
Theo quy định tại Điều 118 luật nhà ở, nhà đất chỉ được phép mua bán khi đáp ứng đủ 4 điều kiện sau:
+ Nhà đất đã có có đầy đủ sổ hồng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Đất không thuộc diện bị tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện;
+ Không bị kê biên;
+ Đất không thuộc diện thu hồi hay trong diện bị thông báo giải tỏa, phá dỡ.
Như vậy việc đầu tiên trước khi mua nhà đất đó là người mua phải tìm hiểu thông tin xem mảnh đất có đang nằm trong các diện trên không. Để xác minh được tình trạng của mảnh đất rõ ràng hơn, người mua sau khi có thông tin về số nhà, số thửa đất, số tờ bản đồ thì có thể đến các cơ quan có thẩm quyền hoặc văn phòng công chứng kiểm tra tính pháp lý của nhà đất chuẩn bị mua.
Trong trường hợp mua nhà đất đang trong diện thế chấp, người mua sẽ phải thực hiện thêm nhiều thủ tục và giấy tờ pháp lý so với với những nhà đất bình thường.
Có 2 cách mua nhà đất đang trong diện thế chấp:
- Cách 1: Người mua lập thỏa thuận ba bên, bao gồm bên mua, bên bán và ngân hàng đang thế chấp. Với cách này người bán, người mua và ngân hàng phải lập một thỏa thuận ba bên liên quan đến việc đặt cọc tiền mua nhà giữa bên bán và việc trả nợ gốc, lãi vay của bên bán đối với ngân hàng và thủ tục giải chấp, công chứng hợp đồng mua bán.
- Cách 2: Thay thế tài sản đang thế chấp bằng tài sản khác, với cách này bên bán sẽ sử dụng một tài sản khác để đảm bảo cho khoản vay và rút sổ đỏ căn nhà muốn bán, để thực hiện giao dịch với bên mua.
2. Kiểm tra tư cách người ký hợp đồng
Khi đi xem nhà, tìm hiểu nhà mà người mua không gặp trực tiếp chủ nhà, chỉ làm việc thông qua môi giới là điều tưởng đơn giản nhưng dễ để lại hậu quả lớn. Vì với sức ép về thời gian và mức giá được môi giới tư vấn, người mua dễ nôn nóng trong việc ký và thanh toán tiền đặt cọc trước khi gặp chủ nhà để ký hợp đồng mua bán.
Đối với người bán, chỉ có người đứng tên sổ đỏ hoặc người được ủy quyền hợp pháp thì mới có quyền được ký đặt cọc và ký bán, nhận tiền. Vì thế trong trường hợp người mua giao dịch với người "không chính chủ" thì nguy cơ sẽ gặp rủi ro lớn.
3. Kê khai giá nhà
Nhiều trường hợp người mua gặp phải tình trạng nhà "hai giá", tức là lập 2 hợp đồng, 1 hợp đồng ghi nhận giá trị thực mà bên mua trả cho bên bán, 1 hợp đồng công chứng ghi số tiền ít hơn giá trị thực, với mục đích để đóng thuế ít hơn.
Thực tế đã có rất nhiều hồ sơ sang tên nhà đất bị các văn phòng đăng ký nhà đất và cơ quan thuế trả lại với lý do giá kê khai trong hợp đồng quá thấp và các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các bên kê khai giá hợp lý, giá thực.
Theo quy định của luật đất đai, hành vi khai giá thấp hơn so với giá thực tế bị xem là hành vi trốn thuế và tuỳ vào mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.