Dấu hiệu nhận diện tiêu chảy cấp do virut
Tiêu chảy cấp do siêu vi thường diễn biến điển hình như sau: Đầu tiên trẻ có nôn, nôn nhiều khoảng nửa này. Giai đoạn này trẻ có vẻ rất mệt, mặt tái xanh, lả người sau mỗi lần nôn.
Tiếp theo xuất hiện đi ngoài phân nước, không có máu. Khi tiêu chảy xuất hiện thì trẻ sẽ giảm hoặc hết nôn. Thông thường, trẻ tiêu chảy nhiều trong 3-4 ngày đầu tiên, có khi đến chục lần/ngày. Sau đó giảm dần và phân đặc hơn và thường tự khỏi sau một tuần.
Trong suốt thời gian bị bệnh nhìn chung tổng trạng của trẻ khá tốt. Nếu được bù nước và chăm sóc đúng cách, em bé vẫn tỉnh táo, chơi được.
Ngoài các triệu chứng điển hình trên, trẻ có thể gặp triệu chứng sốt (có thể nhẹ hay cao) và có thể có biểu hiện viêm long hô hấp trên.
Những lưu ý khi điều trị tại nhà
Trong tiêu chảy cấp do virut, điều trị quan trọng số một đó là bù nước. Các biện pháp điều trị khác như men vi sinh hoặc thuốc giảm tiết đường ruột… chỉ là biện pháp bổ sung.
Người chăm sóc trẻ cần lưu ý, sau mỗi lần trẻ đi tiêu chảy thì cần cho trẻ uống dung dịch này và chỉ uống từng muỗng nhỏ hoặc ngụm nhỏ. Cứ từ từ bền bỉ như vậy cho đến khi trẻ từ chối thì ngừng, không nên ép trẻ phải uống sẽ tạo tâm lý cho trẻ sợ và phản ứng lại mỗi khi phải uống thuốc.
Do nước oresol có vị lợ, đa số trẻ không thích uống nếu trẻ không quá khát. Trường hợp trẻ không thích uống oresol, thì nước dừa là một lựa chọn thay thế tốt, tiếp theo là nước lọc.
Tuyệt đối không cho trẻ uống nước ngọt công nghiệp. Nước trái cây khác cũng có thể uống nhưng nên hạn chế đặc biệt những loại có nhiều vitamin C.
Việc bù nước được thực hiện xuyên suốt quá trình bệnh từ khi trẻ bị nôn cho đến khi nhận thấy phân của trẻ tốt lên.
Men vi sinh: Men vi sinh là các vi sinh vật có lợi cho đường ruột, khi bổ sung sớm có thể rút ngắn thời gian tiêu chảy được một ngày so với không bổ sung.
Do vậy, quyết định dùng men vi sinh hay không phụ thuộc vào mỗi gia đình. Nhưng men vi sinh không có hại thêm cho tình trạng tiêu chảy cấp do virut của trẻ, nên nếu trẻ chịu uống thì nên bổ sung, dù lợi ích không nhiều như mong đợi.
Thuốc giảm tiết nước đường ruột: Tương tự như men vi sinh, thuốc này không mang lại hiệu quả như mong đợi. Tác dụng chính của nó là làm giảm lượng nước trong phân, tuy nhiên không nhiều. Ví dụ phân của trẻ khi tiêu chảy chiếm 10 phần nước thì nếu uống thuốc thì còn 8-9 phần.
Do đó, thuốc cũng có tác dụng làm giảm được nguy cơ mất nước một chút. Ưu điểm của thuốc là an toàn, dễ uống và hiếm tác dụng phụ. Do vậy nếu có điều kiện và trẻ chịu uống thì nên dùng.
Thuốc này muốn có hiệu quả thì phải dùng sớm ngay từ ngày đầu trong giai đoạn phân nhiều nước. Chuyển sang giai đoạn đi nhiều lần mỗi lần một ít phân thì thuốc không hiệu quả lắm.
Thuốc hấp phụ: Điển hình trong nhóm này là smecta cũng có thể dùng cho trẻ vì đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc này nên dùng trong giai đoạn sau: Trẻ đi tiêu nhiều lần, nhưng mỗi lần chỉ một chút phân. Không nên dùng nếu phân có máu, trẻ sốt cao.
Kẽm: Kẽm không phải là ưu tiên với những trẻ em được chăm sóc đầy đủ, có chế độ ăn uống đa dạng, ăn thịt cá tốt. Kẽm có ý nghĩa với trẻ em ở vùng nông thôn nghèo, không được ăn uống đầy đủ hoặc đối với trẻ bị trẻ suy dinh dưỡng.
Đối với những trẻ này, kẽm rất có ích giúp rút ngắn thời gian bị bệnh và mức độ bệnh. Tuy nhiên, khi uống kẽm lại làm tăng nguy cơ nôn ói. Nên dùng kẽm dạng viên hoặc bột, hạn chế dùng loại siro, tùy theo lứa tuổi mà bác sĩ sẽ hướng dẫn liều dùng.
Thuốc chống nôn: Triệu chứng đáng sợ nhất trong tiêu chảy cấp do virut là nôn nhiều ở giai đoạn đầu. Do đó, các hiệp hội tiêu hóa thống nhất cân nhắc dùng thuốc chống nôn ondansetron liều duy nhất. Thuốc này làm giảm được nguy cơ mất nước và nhập viện do nôn quá nhiều.
Các thuốc chống nôn bao gồm: domperiodone, metochlopramid, dimenhydramine, promethazine, dexamethasone; thuốc làm giảm nhu động ruột loperamide, nospa… không được khuyến cáo dùng trong bệnh này.
Chế độ ăn và chăm sóc
Có thể cho ăn hầu hết những gì trẻ muốn, trừ thức ăn nhanh, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ và những loại thức ăn quá ngọt (nhiều đường).
Vẫn tiếp tục cho trẻ uống sữa như cũ, không cần pha loãng, không cần đổi sữa tiêu chảy. Các loại sữa dành cho trẻ tiêu chảy có chỉ định khi: Tiêu chảy kéo dài (quá 14 ngày) tiêu chảy nặng và có bằng chứng của hiện tượng không dung nạp lactose thứ phát. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Nên cho trẻ ăn thêm một bữa trong 2 tuần tiếp theo sau khi trẻ hết bệnh để lấy lại cân nặng đã mất khi bị bệnh.
Mỗi lần vệ sinh cho trẻ sau khi tiêu chảy, chỉ nên dội nước nhẹ nhàng và thấm khô hậu môn, thoa kem có oxid kẽm để tránh hăm da quanh hậu môn.
Khi trẻ sốt cao, khát nước dữ dội, lừ đừ, không uống được, đi ngoài phân có máu; hoặc khi trẻ đi tiêu hơn 3 ngày mà phân không cải thiện; trẻ không đi tiểu trong vòng 4-6 tiếng liền… cần đưa trẻ đi khám.