Các dòng xe hơi trang bị động cơ tăng áp (Turbo) đang trở nên phổ biến. Động cơ tăng áp được các nhà sản xuất ô tô xem như một giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu của người dùng, cũng như các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về khí thải ô tô tại mỗi khu vực khác nhau trên thế giới.
Động cơ tăng áp giúp các hãng xe giải quyết bài toán áp dụng động cơ nhỏ hơn cho ô tô, nhưng vẫn không làm giảm tính năng vận hành, từ đó có chính sách phân phối sản phẩm phù hợp hơn cho từng thị trường.
Với số đông người dùng, bên cạnh cảm giác "phê" khi đạp ga, việc sử dụng, bảo dưỡng hệ truyền động mới mẻ này vẫn là điều lạ lẫm. Trong khi đó, đôi khi những quan niệm truyền thống nếu được áp dụng một cách máy móc sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc đối với những xe sử dụng động cơ tăng áp.
Làm nóng xe trước khi di chuyển
Để xe nổ máy một thời gian ngắn trước khi di chuyển
Đây là thủ thuật khá hữu ích cho các dòng xe với máy tăng áp thế hệ mới. Khi nổ máy chờ một thời gian ngắn giúp cho việc đảm bảo nước làm mát, dầu bôi trơn hệ thống tăng áp được bơm lên đủ, đạt độ tiêu chuẩn để vận hành. Điều này rất quan trọng, nhất là với các dòng xe sử dụng bộ tăng áp kích thước nhỏ, nhưng tốc độ quay cao.
Thời gian nổ từ 3 - 5 phút là tối ưu nhất; nhiệt độ để dầu lưu chuyển và bôi trơn các thành phần máy thường là từ 80 - 95 độ C, nên trong những ngày thời tiết quá lạnh thời gian chờ có thể dài hơn.
Không tắt động cơ ngay lập tức
Nếu ở một chiếc xe sử dụng động cơ nạp tự nhiên thì điều này không thành vấn đề, nhưng với một chiếc xe sử dụng động cơ tăng áp thì lại là một vấn đề. Khi một động cơ tăng áp hoạt động thì nhiệt độ sinh ra rất nhiều, nhiệt độ này được hấp thụ nhiều vào dầu động cơ và dầu động cơ như là một chất làm mát lưu chuyển suốt trong quá trình xe hoạt động.
Khi tắt đột ngột động cơ, đồng nghĩa với dòng dầu động cơ ngưng không lưu chuyển nữa trong khoang động cơ, lúc này dầu chỉ tiếp xúc cục bộ tại chỗ với những phần động cơ đang rất nóng, tình trạng này khiến cho chất lượng và các phụ gia bôi trơn bị phân hủy nhanh hơn bình thường, dẫn tới chất lượng dầu động cơ giảm mà người sử dụng không hay biết, và nó không còn đủ chất lượng để đảm đương công việc bôi trơn trong một môi trường khắc nhiệt như động cơ tăng áp, dẫn tới hư hỏng động cơ.
Giải pháp của vấn đề này là người sử dụng xe có động cơ tăng áp nên tạo thói quen giảm nhịp độ và tốc độ của xe vài cây số trước khi chạy về nhà hay đỗ nơi nào đó, kế đến là khi dừng xe phải để xe tiếp tục nổ máy ở chế độ ga nhỏ nhất để nhiệt độ động cơ và dầu giảm đều, thời gian từ 2-3 phút trước khi tắt máy.
Lưu ý thay lọc xăng sau mỗi 15.000km
Với dòng xe sử dụng động cơ tăng áp, thay lọc xăng đúng thời điểm là cực kỳ quan trọng. Bởi động cơ tăng áp khá nhạy cảm với tỉ lệ pha xăng và khí khi nổ.
Khi lọc xăng bị bẩn sẽ khiến hai thành phần này bị thay đổi, dẫn đến hệ thống tăng áp dễ bị hỏng hóc. Ngoài ra, tua bin tăng áp vận hành nhờ khí thải động cơ, khi dính bụi bẩn qua tuyến lọc khiến "tuổi thọ" của hệ thống tăng áp giảm đi. Chú ý, khi thay lọc xăng hãy tìm đúng chủng loại chỉ định của nhà sản xuất.
Không sử dụng xăng chỉ số octane thấp hơn khuyến cáo nhà sản xuất
Nếu dùng xăng có chỉ số không theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất thì sẽ dẫn đến hiện tượng sai lệch thời điểm kích nổ nhiên liệu. Khi đó, sẽ xảy ra trục trặc trong quá trình xe vận hành, nhất là với những xe sản xuất cách đây 5 - 7 năm.
Sai lệch chỉ số này không ảnh hưởng đến tuổi thọ của bộ phận tăng áp nhưng lại có tác động xấu đến động cơ, nhất là hiện tượng động cơ kêu to do bị kích nổ nhiên liệu sai thời điểm xảy ra liên tục.
Kiểm tra định kì hệ thống đường dẫn khí cao áp
Bảo dưỡng hệ thống làm mát, thay nước làm mát là vấn đề cần làm thường xuyên với dòng xe có động cơ tăng áp. Song song với đó người dùng cũng nên lưu ý bảo dưỡng cả hệ thống làm mát khí nạp của bộ phận này.
Tuy nhiên, việc bảo dưỡng bộ phận này khá khó khăn, người chủ xe khó có thể tự làm mà cần đến trợ giúp của thợ sửa chữa lành nghề để tháo toàn bộ hệ thống khí nạp tăng áp. Sau đó phải làm sạch dầu mỡ, kiểm tra các dấu hiệu bất thường… nhằm đảm bảo mọi chức năng đều vận hành tốt.
Kiểm tra định kì hệ thống đường dẫn khí cao áp
Đây là bộ phận thường bị bỏ quên khi bảo dưỡng động cơ tăng áp. Tuy nhiên, chỉ cần một lỗi nhỏ trên hệ thống này là đã dẫn đến suy giảm áp suất tăng áp. Lúc này, tua bin tăng áp cần vận hành tốc độ cao hơn để bù áp suất đã mất làm cho tuổi thọ của hệ thống bị giảm đi nghiêm trọng.
Bởi vậy, hãy thường xuyên kiểm tra định kỳ hệ thống đường dẫn khí cao áp, tránh hỏng hóc đáng tiếc có thể xảy ra.
Không di chuyển quá chậm ở cấp số cao
Với động cơ tăng áp được trang bị lẫy chuyển số vô lăng (hoặc các cơ chế chuyển số bằng tay), việc di chuyển quá chậm ở cấp số cao khiến thành phần của hệ truyền động phải chịu áp lực rất lớn, gây giảm "tuổi thọ" của xe... Nếu không chắc về việc sử dụng các cấp số sao cho phù hợp, hãy để chiếc xe tự quyết định.
Xe số sàn có hệ thống tăng áp nên tận dụng tối đa khả năng của hộp số; hãy chọn số phù hợp để có đủ lực kéo cần thiết khi lên dốc hay xuống dốc thay vì cố đạp ga ở số cao, khiến bộ phận tăng áp phải làm việc ở cường độ lớn một cách không cần thiết.
Cẩn thận lái xe ở các góc cua
Hiện tượng có độ trễ trên các động cơ tăng áp khi nạp ga như mọi người đã biết, nhược điểm này được các hãng xe sang khắc phục bằng việc trang bị tăng áp kép. Tuy nhiên ở những mẫu xe rẻ tiền thì hiện tượng trễ của động cơ tăng áp vẫn còn đó, thế nên nó có thể gây hớ khi nạp ga quá chớn vượt xe trong các góc cua sẽ dễ mất kiểm soát, đặc biệt là xe cầu trước.
Hiện tượng trễ này có thể hiểu khi người lái nạp ga trong 1-2 giây đầu, thì lực truyền từ động cơ chưa thể ra tới bánh xe, theo cảm tính thì người lái có thể nhấn ga sâu hơn và gây ra hiện tượng sức mạnh truyền xuống bánh quá mức, có thể gây trượt bánh hoặc hoảng loạn mất kiểm soát.