Ngày 7/12/2019, lần thứ hai trong tuần này Mỹ dường như đã sử dụng tên lửa AGM-114R9X, một biến thể mới của dòng tên lửa AGM-114 Hellfire để tấn công mục tiêu là một chiếc xe hơi ở thị trấn Afrin thuộc tỉnh Aleppo, Đông Bắc Syria.
Cho tới thời điểm hiện tại đây vẫn là loại tên lửa cực kỳ bí mật bởi ngoại trừ lần sử dụng hôm 3/12 trước đó thì vũ khí này mới được Mỹ triển khai một lần duy nhất vào năm 2017 để tiêu diệt một nhân vật cộm cán của Al Qaeda ở phía Tây Syria.
Trong vụ tấn công mới nhất này, 3 người ngồi trong xe đã bị tử vong mặc dù danh tính chính xác của họ vẫn chưa được xác định.
Chiếc xe hơi mục tiêu bị tấn công ở thị trấn Afrin thuộc tỉnh Aleppo, Đông Bắc Syria. Ảnh: The Drive
Vấn đề rất đáng chú ý ở đây là cả hai vụ tấn công trong tuần qua và vụ tấn công năm 2017 đều có một đặc điểm giống nhau: Tên lửa được cho là AGM-114R9X đã không mang theo thuốc nổ thông thường mà là một đầu đạn gồm 6 lưỡi dao cán thép sắc nhọn.
Theo cơ chế hoạt động, vài giây trước khi va chạm mục tiêu, 6 lưỡi dao này sẽ được phóng ra khỏi lớp vỏ đầu đạn và có thể chém phăng mọi vật thể trên đường bay. Đây là lý do tại sao AGM-114R9X được gọi với biệt danh là "Dao Ginsu bay" hay "Bom Ninja".
Mô hình tên lửa AGM-114R9X. Ảnh: The Drive
Mục đích chính khiến Mỹ đi đến ý tưởng chế tạo loại tên lửa đặc biệt này là nhằm giảm thiểu tối đa thương vong cho dân thường hay những tổn thất không mong muốn xung quanh vị trí mục tiêu bị tấn công.
Hình ảnh ghi nhận tại hiện trường trong vụ tấn công hôm 3/12 cho thấy, phần ghế lái của chiếc xe đã bị phá hủy hoàn toàn nhưng phần còn lại gần như không bị hư hại, còn số “phiến quân” ở trong xe đã bị "băm nhỏ".
Hiện chưa rõ lý do nào khiến Mỹ đột ngột gia tăng các vụ tấn công bằng loại tên lửa đặc biệt này nhưng có thể đây ngày càng trở thành vũ khí được Mỹ lựa chọn cho các nhiệm vụ ám sát ở khu vực phía Bắc Syria.
Mảnh vỡ còn lại của đầu đạn tên lửa AGM-114R9X. Ảnh: Drive
Vẫn còn một chi tiết bí ẩn khác cần được giảm mã liên quan tới tên lửa AGM-114R9X - đó chính là hệ thống dẫn hướng của nó.
Phần lớn các biến thể của AGM-114 Hellfire đều sử dụng hệ thống dẫn đường laser bán chủ động khi đầu dò gắn trên tên lửa bám theo tia laser phát ra từ một máy bay hoạt động phía trên hoặc bởi các nhân viên điều khiển dưới mặt đất. Phương thức dẫn hướng này có độ chính xác rất cao với các tên lửa mang đầu đạn nổ.
Tuy nhiên, với trường hợp của AGM-114R9X khi tên lửa tiếp cận mục tiêu ở cùng một góc tấn công và trong cả 3 sự vụ được biết tới cho đến nay đều không gây thương tích cho những vật thể hay con người xung quanh thì buộc giới quan sát phải đặt ra câu hỏi về cơ chế dẫn hướng của nó. Liệu có sự can thiệp của người điều khiển ở đây thông qua một kênh chỉ huy nào đó?
Việc một máy bay không người lái MQ-9 được phát hiện liên tục có mặt tại Aleppo trong những ngày gần đây không phải là sự kiện bất thường. Điều khác lạ là cấu hình phương tiện mà nó mang theo.
MQ-9 dường như đã mang theo theo 2 “giỏ” kết nối dữ liệu, 4 biến thể tên lửa Hellfire và một thùng nhiên liệu ngoài. Rất có thể trong đó một “giỏ” sẽ kết nối với tên lửa trong quá trình bay để nhân viên vận hành điều khiển còn giỏ kia kết nối với hệ thống chỉ huy của tên lửa đó.
Tiến hành các đòn tấn công bằng tên lửa có sự can thiệp của con người thông qua đường truyền vệ tinh của Reaper có thể sẽ gặp vấn đề. Vì vậy, Reaper sẽ chỉ đóng vai trò là phương tiện trinh sát và mang phóng còn tên lửa sẽ được dẫn hướng bằng một bên khác. Giỏ giữ liệu kia sẽ xử lý hoạt động trao đổi thông tin này.
Xu hướng sử dụng loại vũ khí tấn công chính xác này trong tương lai như thế nào sẽ cần có thêm thời gian để kiểm chứng. Tuy nhiên, có một sự thật rõ ràng là “tên lửa lưỡi dao” của Mỹ đã có một tuần tương đối bận rộn tại Syria.