Đơn vị trinh sát Sayeret Matkal (Israel)
Sayeret Matkal (Đơn vị 269 hay Trinh sát Bộ Tổng tham mưu) được biết đến là đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Israel. Ngoài nhiệm vụ hoạt động ngầm và thu thập tin tức tình báo ở nước ngoài, Sayeret Matkal còn thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin.
Thành viên của Sayeret Matkal được biết đến là những người rất thiện chiến, tinh thông võ thuật hoạt động với triết lý "tốc độ, bí ẩn, bất ngờ ra đòn và biến mất trước khi đối thủ phát hiện chuyện gì đã xảy ra".
Thành viên của Sayeret Matkal được biết đến là những người rất thiện chiến, tinh thông võ thuật.
Để có được những nhân viên ưu tú, việc tuyển chọn của Sayeret Matkal rất khắt khe. Các tân binh sẽ phải chịu đựng các bài tập huấn luyện khắc nghiệt kéo dài trong nhiều ngày, được theo dõi sát sao bởi các bác sĩ và nhà tâm lý học. Sau thời gian huấn luyện, chỉ những người xuất sắc nhất mới được tuyển chọn.
Sau khi vào đơn vị, các tân binh tiếp tục được huấn luyện trong 20 tháng với nhiều nội dung như cách thức sử dụng vũ khí, võ thuật, ngụy trang, trinh sát, nhảy dù, chống khủng bố và các kỹ năng cần thiết khác.
Biệt đội Delta Force và SEAL (Mỹ)
Delta Force thuộc Lục quân Mỹ (tên đầy đủ là The First Special Forces Operational Detachment-Delta (Lực lượng đặc biệt hoạt động độc lập số 1) được thành lập vào năm 1977.
Delta là từ viết tắt của: D - Defend (Phòng thủ): bảo vệ đồng đội của bạn, yểm trợ cho họ khi đội của bạn đang tiến về phía trước; E - Engage (Đón đầu): đón đầu kẻ thù và gây cho chúng sự bất ngờ; L - Liberate (Phóng thích): bảo vệ tính mạng những con tin và giải phóng họ; T - Tactics (Chiến thuật): kẻ có chiến thuật hay sẽ là người chiến thắng; A - Action (Hành động): luôn luôn hành động.
Đặc nhiệm Delta Force từng được triển khai trong nhiều chiến dịch bí mật tại nhiều địa điểm trên khắp thế giới, trong đó có Afghanistan, Iraq, Syria, Somalia và Libya.
Thành viên của Biệt đội Delta Force.
Những "chiến binh" của Delta Force được tuyển chọn từ nhiều đơn vị khác nhau thuộc Quân đội Mỹ. Delta Force tổ chức khóa tuyển chọn thành viên kéo dài một tháng ở dãy núi Appalachian với sự tham gia của hàng trăm ứng viên và tỷ lệ trượt cực cao, thường trên 90%.
Sau khi vượt qua vòng loại, các ứng viên phải tham gia Khóa huấn luyện Đặc nhiệm kéo dài 6 tháng. Tại đây, 30-40% binh sĩ tiếp tục bị loại nếu không thể theo kịp quá trình huấn luyện căng thẳng.
Được thành lập vào năm 1962, SEAL - Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân Mỹ được coi là đội quân tinh nhuệ bậc nhất thế giới. SEAL là từ viết tắt của nhóm từ chỉ phạm vi hoạt động đa dạng của lực lượng gồm SEa (Biển) - Air (Không) - Land (Đất). Đảm trách các sứ mệnh từ chống khủng bố tới giải cứu con tin, "thành tích" đáng nể nhất của SEAL là tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama bin Laden ngày 2/5/2011.
Để được đứng trong hàng ngũ của SEAL, các ứng viên phải trải qua quá trình tuyển chọn, đào tạo rất khắt khe. Họ phải vượt qua các bài kiểm tra thể lực như chống đẩy 72 lần trong 2 phút, gập người liên tục 60 lần trong 2 phút, chạy 6,4 km với thời gian dưới 31 phút và bơi 900m dưới 20 phút. Tỷ lệ ứng viên bị loại trong quá trình đào tạo từ 80 đến 85%.
Đặc nhiệm không quân và Đặc nhiệm Hải quân (Anh)
Đội đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) được thành lập từ năm 1941 trong thời Thế chiến II, có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động chiến đấu đặc biệt, trinh sát bí mật, chống khủng bố, giải cứu con tin, thu thập thông tin tình báo.
Đặc nhiệm Hải quân Anh (SBS) cũng được biết đến là một trong những lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ nhất thế giới. Nhiệm vụ của SBS rất đa dạng, bao gồm chống khủng bố, trinh sát, tình báo, phá hoại ngầm, bắt giữ và tiêu diệt các mục tiêu cá nhân. "Không dùng sức mạnh, mà dùng mưu trí" là câu khẩu hiệu của SBS. Quá trình tuyển chọn thành viên của SBS rất khắt khe.
Các ứng viên phải trải qua những bài kiểm tra thể lực kéo dài 4 tuần với những nhiệm vụ đầy thách thức bao gồm phải hoàn thành quãng đường hành quân 40 km trong khoảng thời gian dưới 20 giờ. SBS đã tham gia rất nhiều nhiệm vụ chống khủng bố, hạ gục những tay súng cực đoan của Al Qaeda, IS, Taliban…
Biệt đội Alpha (Nga)
Biệt đội Alpha còn có tên là Cục A thuộc Trung tâm Mục đích Đặc biệt của Lực lượng An ninh Liên bang Nga, thành lập năm vào 1974. Hoạt động chính của Alpha là chống khủng bố, giải cứu con tin hay người bị bắt cóc trên lãnh thổ nước Nga cũng như tham gia các chiến dịch ở nước ngoài.
Biệt đội Alpha nổi tiếng trong cuộc xung đột ở Afghanistan năm 1979. Khi đó, các thành viên Alpha bí mật đột nhập vào Dinh Tổng thống ở Kabul và triệt hạ hầu hết các phiến quân phản động.
Biệt đội này cũng tham gia tích cực trong nhiều hoạt động chống khủng bố, như vụ khủng bố và bắt cóc con tin ở nhà hát lớn tại Moscow năm 2002 và trường Beslan năm 2004.
Các thành viên trong nhóm thường được huấn luyện đầy đủ với các kỹ năng đặc biệt như các tay súng bắn tỉa, các chuyên gia đánh bom và thông tin liên lạc... Việc lựa chọn các thành viên của đội Alpha thường chú trọng đi sâu vào nghiên cứu chi tiết các bài kiểm tra tính cách và các cuộc phỏng vấn để đánh giá chỉ số thông minh của các ứng viên.
Đặc nhiệm GIGN (Pháp)
Ước tính, kể từ khi thành lập năm 1973 đến nay, GIGN (tên viết tắt của "Nhóm can thiệp hiến binh quốc gia của Pháp") đã tiến hành hơn 1.800 chiến dịch, giải cứu thành công hơn 600 người. Các chiến binh của GIGN (theo nhiều nguồn tin là có khoảng 200 người) được đào tạo với khả năng phản ứng nhanh trước các vụ việc liên quan đến con tin. Hình ảnh khuôn mặt của các thành viên luôn được giữ bí mật.
Một trong những thành tích nổi bật của GIGN là vụ giành lại quyền kiểm soát Nhà thờ Hồi giáo lớn ở thánh địa Mecca, Saudi Arabia năm 1979.
Ngoài ra, một số hoạt động thành công khác của nhóm gồm giải cứu 30 trẻ em bị bắt tại Cộng hòa Djibouti, trấn áp tội phạm chiến tranh ở Bosnia, chống hải tặc Somali và giải thoát các hành khách trên chuyến bay 8969 của hãng Air France tại thành phố Marseille năm 1994.