Đẩy mạnh dự án nội địa TF-X
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có tham vọng muốn sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ năm do chính nước này sản xuất. Mẫu máy bay này được lấy tên là TF-X đang được Công ty Turkish Aerospace Industries (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35, chắc chắn Ankara sẽ ưu tiên sản phẩm trong nước hơn là tìm kiếm từ nguồn nước ngoài để tránh bị lệ thuộc. Do đó, chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển mẫu tiêm kích TF-X.
Mô hình đồ họa của máy bay TF-X. Ảnh: Defence Turkey.
Bên cạnh việc hợp tác với nhiều hãng nước ngoài trong dự án TF-X như Saab của Thụy Điển hay BAE Systems của Anh, nhưng Ankara dự định sẽ tự thiết kế động cơ, cũng như phát triển vũ khí trang bị cho thế hệ máy bay mới.
Theo thông tin do Công ty TAI đưa ra vào cuối năm 2017, máy bay TF-X sẽ có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 27 tấn, phạm vi hoạt động 1.100km.
Dù vẫn giữ kín tất cả những tính năng kỹ chiến thuật của máy bay này, nhưng Ankara khẳng định TF-X sẽ không hề thua kém F-35.
Dự kiến chuyến bay đầu tiên của nguyên mẫu TF-X sẽ được tiến hành vào năm 2023 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và được đưa vào sản xuất đại trà từ năm 2032.
Thời gian phát triển dự kiến của dự án TF-X. Ảnh: Defence Blog. |
Trong tương lai, dòng máy bay mới này sẽ thay thế phi đội máy bay chiến đấu F-16 đã lỗi thời, được lắp ráp tại Ankara theo giấy phép từ Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ.
Trang Defense News trích dẫn một số nguồn tin trong giới công nghiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara có thể chi tới 33 tỷ USD cho dự án TF-X. Các máy bay chiến đấu mới sẽ phải phục vụ trong không quân của nước này ít nhất là đến năm 2060.
Bằng cách triển khai dự án TF-X cũng như các dự án khác, Ankara muốn chứng minh được sự độc lập trong sản xuất vũ khí của mình.
Su-35, Su-57 của Nga
Mặc dù vẫn ưu tiên cho sản phẩm nội địa, nhưng thời gian phát triển, thử nghiệm, hoàn thiện cho đến sản xuất hàng loạt máy bay mới sẽ tốn khá nhiều thời gian
Chính vì vậy, một phương án khác là Thổ Nhĩ Kỳ phải tính toán mua các máy bay khác để lấp đầy khoảng trống. Trong số đó, tiêm kích Su-35 hay tiêm kích tàng hình Su-57 là một phương án hợp lý.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định, thỏa thuận mua S-400 với Nga đã hoàn tất và Ankara sẽ không bao giờ xem xét lại thương vụ này.
Ông Erdogan thậm chí còn cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cân nhắc mua thêm tổ hợp S-500 của Nga vốn đang được xem là hệ thống tên lửa phòng không số một thế giới với các tính năng vượt trội so với S-400.
Máy bay Su-35 của Nga. Ảnh: The National Interest. |
Cuối tháng 3-2019, chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin cho rằng, nếu Mỹ không bàn giao các máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ theo đúng hợp đồng, Ankara có thể mua các máy bay Su-35 của Nga.
Theo ông Litovkin, ông Litovkin cho biết cả hai loại máy bay này có tính năng tương đương và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc tích hợp Su-35 của Nga vào hệ thống vũ khí của mình.
Su-35 được xem là một trong những tiêm kích mạnh nhất trong phân khúc thế hệ thứ 4 trên thế giới (Su-35 được liệt vào dòng máy bay thế hệ 4++). Nhưng dù sao chúng vẫn chỉ là chiến đấu cơ thế hệ thứ 4, chưa thể sánh ngang với dòng thế hệ thứ 5 như F-35 của Mỹ.
Nếu không chọn Su-35, Ankara sẽ có một phương án khác đó là Su-57. Theo phân tích của giới quân sự dựa trên các thông số được công bố, Su-57 có ưu thế trước các đối thủ Mỹ và phương Tây ở cùng phân khúc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5.
Một lãnh đạo của Tập đoàn sản xuất vũ khí nhà nước Nga Rostec tiết lộ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sắp cho phép xuất khẩu Su-57E, biến thể dành cho các đối tác nước ngoài của Su-57. Việc này sẽ mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ trở thành là một trong những khách hàng đầu tiên của Su-57.