Theo thầy Nguyễn Quốc Chí, học sinh không nên tập trung ôn những dạng bài quá khó trong giai đoạn nước rút.
Chỉ còn 2 ngày nữa, thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1. Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh về ôn tập trong giai đoạn nước rút và cách làm bài thi môn Toán, thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cho rằng, vào thời điểm kỳ thi đã cận kề, thí sinh không nên dành thời gian ôn luyện những dạng bài khó trong đề thi vì đây là những câu hỏi tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức nhưng tỷ lệ xuất hiện trong đề thi lại không cao.
Theo thầy Chí, thay vào đó, thí sinh nên tập trung rà soát và làm đủ một loạt các dạng bài cơ bản trong đề thi minh họa và đề thi chính thức những năm trước để biết chắc chắn những dạng bài nào sẽ xuất hiện trong đề thi năm nay.
Với những thí sinh đã ôn tập kỹ, làm hết đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT thì vẫn nên duy trì việc làm thử đề để tránh quên kiến thức đồng thời bổ sung những kiến thức còn thiếu sót.
Thầy Nguyễn Quốc Chí lưu ý, khi ôn tập môn Toán chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần đặc biệt tập trung vào toàn bộ các kiến thức lớp 12, bên cạnh đó cũng cần xem lại các kiến thức lớp 11 ở các nội dung: tổ hợp, xác suất, nhị thức Newton, cấp số cộng, cấp số nhân, góc và khoảng cách trong hình không gian.
Nếu ôn tập kỹ hơn, thí sinh có thể ôn tập các dạng bài tương tự và có liên quan đã được Bộ GD-ĐT đưa ra trong đề thi tham khảo.
Những lỗi sai thường gặp
Theo thầy Nguyễn Quốc Chí, ngoài những câu hỏi mang tính vận dụng cao ở cuối đề thi khiến nhiều thí sinh phải “bó tay” thì không ít em lại nhầm lẫn ở ngay những câu hỏi lý thuyết.
“Các khái niệm trong toán giải tích và hình học là những kiến thức nếu không học kĩ, học hiểu thì rất dễ nhầm, vì với lý thuyết chỉ có thuộc hay không thuộc chứ không liên quan đến kỹ năng giải bài tập.
Các em cũng cần cẩn thận với những câu hỏi hay dùng máy tính cầm tay để giải quyết. Với thiên hướng đề càng ngày càng cần học sinh hiểu bản chất, việc sử dụng máy tính cầm tay đòi hỏi sự cẩn thận cũng như hiểu kiến thức nếu không rất dễ dính “bẫy” của người ra đề”, thầy Chí lưu ý.
Còn theo thầy Lê Trần Bá Phương, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội, trong quá trình làm bài thi, thí sinh thường gặp một số lỗi sai dẫn đến mất điểm một cách đáng tiếc.
Lỗi sai thứ nhất là học sinh không đọc kỹ đề hoặc đọc nhầm đề dẫn đến lựa chọn đáp án sai. Để khắc phục điều này, trước khi làm bài, các em phải đọc kỹ đề để biết rõ đề bài cung cấp những thông tin gì và yêu cầu như thế nào. Từ đó, xác định hướng giải quyết vấn đề đã đặt ra.
Lỗi sai thứ hai là học sinh không nhớ hoặc nhớ sai công thức dẫn đến việc áp dụng sai và không tìm ra được phương án chính xác.
Để khắc phục lỗi này, học sinh cần hệ thống lại toàn bộ công thức đã học. Đối với những công thức còn chưa chắc chắn và hay bị nhầm lẫn, thầy Phương khuyên học sinh hãy rà soát, ghi riêng lại và có biện pháp ghi nhớ bổ sung thật kĩ trước khi bước vào kì thi.
Lỗi sai thứ ba là tính toán chưa chuẩn. Đây là lỗi mà rất nhiều học sinh thường xuyên gặp phải. Nguyên nhân chủ yếu là do trong quá trình học tập và ôn luyện nhiều bạn học sinh lười tính toán, lạm dụng máy tính cầm tay Casio.
Do đó, khi gặp những câu hỏi hạn chế Casio hoặc có chứa tham số, đòi hỏi học sinh phải có động tác tính tay phụ trợ thì các em rất dễ tính sai.
Với lỗi sai này, cách khắc phục là tăng cường luyện tập các bài toán đòi hỏi phải tính toán tay hoặc bài toán có chứa tham số để nhằm nâng cao tư duy và trau dồi kĩ năng tính toán thành thạo. Đồng thời, sau khi giải xong mỗi bài tập, các em cũng cần phải tính toán lại một lần nữa để kiểm tra độ chính xác của đáp án.
Và "lỗi" cuối cùng không ít thí sinh đã gặp phải đó là tâm lí trong phòng thi không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu do thí sinh quá căng thẳng khiến đầu óc không minh mẫn, tư duy không sáng và sẽ dẫn đến việc các em có thể sẽ tính nhầm, tính sai.
Do đó, thầy Phương khuyên các sỹ tử cần xây dựng chế độ ôn luyện khoa học, chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe tinh thần và trí óc.
Khi đến ngày thi, các em nên giữ cho mình một tâm trạng vui vẻ, bình tĩnh. Trong phòng thi, thí sinh nên cố gắng tập trung làm bài, tin tưởng vào bản thân. Đặc biệt, các em không nên quá quan tâm đến những yếu tố xung quanh như thí sinh khác đang làm gì và phải xem thời gian làm bài để tránh việc bị áp lực hoặc phân tâm.
Lưu ý thêm về phương pháp làm bài, thầy Phương cho rằng, thí sinh nên làm tuần tự các câu hỏi từ đầu đến cuối đề thi. Trường hợp gặp câu hỏi khó, chưa làm được thì tạm thời bỏ qua, làm câu tiếp theo. Sau khi thí sinh làm hết các câu dễ mới quay trở lại dành thời gian giải quyết các câu khó còn lại.
Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý có những câu hỏi không cần giải chi tiết, chỉ cần loại trừ được các phương án nhiễu là có thể tìm ra đáp án đúng. Tuy nhiên, số lượng câu hỏi có thể áp dụng phương pháp loại trừ trong đề thi không có nhiều. Do đó khi làm bài, học sinh cần chú ý quan sát để có phương pháp làm bài nhanh và hiệu quả.
Thầy Phương cũng cho rằng, chỉ có những thí sinh thực sự xuất sắc mới có thể giải hết 50 câu hỏi trong đề thi. Còn đa số học sinh đều chỉ giải quyết đến câu 44-45 .
“Với các câu hỏi khó, các em vẫn tính toán, đưa ra các phương án loại trừ. Trường hợp không thể đưa ra phương án chính xác phải dùng đến biện pháp "cầu may" chứ tuyệt đối không bỏ trống bất kỳ câu hỏi nào trong đề thi”, thầy Phương nhấn mạnh.
Về "bí kíp" làm bài, thầy Phương khẳng định, không có "bí kíp" nào quan trọng bằng việc nắm chắc, hiểu rõ bản chất kiến thức. Khi đó học sinh có thể tư duy các vấn đề khác rất tốt, rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, thầy cũng khuyên các sỹ tử không nên quá lo lắng và nên xây dựng kế hoạch ôn thi, nghỉ ngơi phù hợp để đảm bảo tinh thần, sức khỏe tốt nhất cho kỳ thi sắp tới./.