Lưu giữ được nhiều thông tin
Để biết Căn cước công dân gắn chip để làm gì thì chắc chắn không thể không tìm hiểu về công dụng của con chip điện tử nhìn thấy ở mặt sau của thẻ.
Con chip ở mặt sau của thẻ Căn cước công dân là con chip điện tử có kích thước nhỏ giống như con chip trên thẻ ATM. Con chip này có khả năng chứa dữ liệu lớn, lưu giữ được rất nhiều thông tin cá nhân như: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ thường trú, vân tay, võng mạc, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng...
(Ảnh minh họa từ Internet)
Xác nhận được số Chứng minh nhân dân cũ
Ở mặt trước của thẻ Căn cước công dân sẽ có một mã QR, khi quét mã này - các thông tin cơ bản của thẻ Căn cước công dân như số Căn cước công dân, số Chứng minh nhân dân cũ, họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, sẽ hiện ra.
Nhờ có mã QR trên thẻ Căn cước công dân gắn chip, người dân khi đi giải quyết thủ tục hành chính sẽ không cần đem theo Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cũ.
Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng chức năng quét mã QR để kiểm tra thông tin nhân thân, số Chứng minh nhân dân của công dân trên Căn cước công dân và lấy đó làm căn cứ giải quyết thủ tục.
Thực tế Công an tại nhiều địa phương đã ra Văn bản thông báo không cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cũ mà yêu cầu các Sở, ban ngành thông báo về việc khai thác thông tin trong mã QR trên thẻ Căn cước công dân.
(Ảnh minh họa từ Internet) |
Thông tin bảo mật ở mức cao
Mặc dù con chip trên thẻ Căn cước công dân chứa rất nhiều thông tin quan trọng. Tuy nhiên chỉ các cá nhân, cơ quan được trang bị đầu đọc chip chuyên dụng mới có thể trích xuất thông tin từ con chip này.
Vì vậy người dân có thể yên tâm nếu như không may bị mất Căn cước công dân gắn chip, người nhặt được cũng không thể đọc được các thông tin mà trong con chip của thẻ Căn cước công dân.
Độ bền tốt, rất khó làm giả
Theo thông tin từ Bộ Công an, mực in Căn cước công dân gắn chip có độ bền cao, chịu được ánh sáng và nhiệt độ khi ép bằng áp lực nhiệt, có mực bảo an không màu phát quang… Đồng thời, vân nền trên thẻ Căn cước công dân gắn chip được thiết kế bằng hình ảnh và họa tiết rất tinh xảo.
Bộ Công an khẳng định, người dân có thể yên tâm sử dụng và không cần lo lắng về nguy cơ bị giả bởi thẻ Căn cước công dân gắn chip được thiết kế bảo an, chống làm giả ở mức độ rất cao, có những yếu tố đặc biệt chỉ có thể được nhận diện tại Trung tâm Kỹ thuật tài liệu nghiệp vụ của Bộ Công an.
Tích hợp, thay thế nhiều loại giấy tờ quan trọng
Có thể thay thế hộ chiếu
Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định: Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Như vậy, trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế thì có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Dần dần tích hợp nhiều giấy tờ quan trọng
Tích hợp Căn cước công dân gắn chip với các giấy tờ cá nhân là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia ban hành kèm Quyết định 06/QĐ-TTg.
Theo đó, nước ta sẽ từng bước thay thế giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân.
|
Một số giấy tờ quan trọng được tập trung triển khai đầu tiên là: Thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận tiêm chủng, thẻ cán bộ, công chức, viên chức….
Nhờ việc tích hợp nhiều thông tin và giấy tờ lên thẻ Căn cước công dân gắn chip, việc thực hiện thủ tục hành chính sẽ trở nên vô cùng thuận tiện. Thay vì việc phải làm và mang theo rất nhiều các loại giấy tờ khác nhau thì người dân có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip để tham gia nhiều giao dịch.