Với phiên bản TPP không có Mỹ, Việt Nam mất đi nhiều lợi ích kỳ vọng trước đó, do Việt Nam và Mỹ chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong khi đó, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại đa phương và song phương với hầu hết các quốc gia thành viên của CPTPP.
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), với TPP, GDP có thể tăng thêm 6,7%, góp thêm 15-17% tăng trưởng về xuất khẩu. Còn khi TPP không có Mỹ, GDP tăng thêm chỉ đạt 1,32%, tăng trưởng về xuất khẩu chỉ thêm 4%. CPTPP giúp tăng nhập khẩu 3,8%, còn TPP tăng nhập khẩu 10,5%.
Hợp tác thương mại rộng khắp
Tuy nhiên, dù không có Mỹ, Hiệp định CPTPP cũng được dự báo sẽ mang lại cho Việt Nam không ít lợi ích. Tăng trưởng kinh tế và kim ngạch xuất nhập khẩu là điều dễ thấy nhất.
CPTPP giúp Việt Nam phát triển hoạt động thương mại với các nước như Canada, Mexico hay Peru – các nước chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với nước ta.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Phillipines đều thể hiện mong muốn tham gia hiệp định. Bloomberg dự báo việc mở rộng từ 11 lên 16 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ gia tăng đáng kể lợi ích kinh tế cho tất cả các thành viên.
Theo Viện kinh tế quốc tế Peterson, chuyển từ 11 lên 16 nền kinh tế sẽ tăng lợi ích gấp 3 lần cho các thành viên đến mức khoảng 500 tỷ USD/năm. Số tiền này nhiều hơn số tiền mà hiệp định ban đầu mang lại.
Động lực đến từ tập hợp 3 nền kinh tế tiến bộ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, giữa các nền kinh tế này hiện chưa có hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, chuỗi cung ứng khắp châu Á cũng hưởng những tác động tích cực.
Đặc biệt, trong tháng này, Anh đã tổ chức tổ chức một cuộc hội đàm không chính thức, bàn về việc tham gia CPTPP sau khi nước này rút khỏi EU.
Khi CPTPP phát triển và mở rộng, Hoa Kỳ có thể sẽ thay đổi quyết định khi họ thấy được những lợi ích mà hiệp định này mang lại. Thực tế, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, ông Trump vẫn để ngỏ khả năng quay lại hiệp định mà chính họ khởi xướng. "Tôi sẽ tham gia TPP, nếu như chúng tôi đạt được một thỏa thuận tốt hơn nhiều so với trước đây", vị Tổng thống cho biết.
Thúc đẩy cải cách
Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, CPTPP còn mang đến những lợi ích "chưa được tính toán", trong đó quan trọng nhất là cải cách thể chế.
Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh, cho biết: "Nhưng quan trọng hơn là các lợi ích chưa tính toán được đến từ thúc đẩy cải cách thể chế. Đấy là điều quan trọng. Vì nó tạo ra sự thúc ép về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế để chúng ta có tăng trưởng bền vững hơn, theo xu thế bắt buộc phải bơi".
Đúng như cái tên của nó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định tương đối toàn diện. CPTPP bao trùm các nguyên tắc trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác. Chính vì vậy, hiệp định mới vừa tạo cơ hội vừa buộc Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và cải cách thể chế nói chung.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra một ví dụ: "Nó giúp cho chúng ta hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường. Lúc đó các vận hành của Chính phủ trong các khu vực như xăng dầu, điện... sẽ có những cải cách, bước đi mạnh mẽ".
Một ví dụ khác là vấn đề lao động và công đoàn. Nhiều người cho rằng đây là thành quả lớn nhất mà người lao động đạt được. Công đoàn độc lập được thành lập sẽ giúp quyền lợi của người lao động được bảo đảm hơn, tạo điều kiện để đời sống của họ được cải thiện. Sau thỏa thuận tại Nhật Bản (23/01) Việt Nam có khoảng thời gian 5 năm miễn trừ trừng phạt thương mại và thêm 2 năm rà soát pháp lý.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từng trả lời New York Times: "Đây là một thách thức lớn cho chúng tôi, nhưng vì lợi ích quốc gia, sự hội nhập quốc tế cùng với quyền và lợi ích của người lao động, chúng tôi phải tìm giải pháp. Chúng tôi hiểu rằng cam kết này rất tốt cho công nhân Việt Nam".