Chính quyền Mỹ và Nga đã lần lượt tuyên bố đình chỉ Hiệp ước INF ký từ thời Chiến tranh Lạnh. Việc từ bỏ hiệp ước này có thể thúc đẩy một thế hệ tên lửa mới được thiết kế để tấn công các mục tiêu trong một cuộc chiến tranh quy ước hoặc hạt nhân.
Năm 1987, Mỹ và Liên Xô trước đây ký Hiệp ước INF, quy định cấm các tên lửa tầm ngắn và tầm trung (khoảng 500km-5.500km) do cả hai nước nắm giữ. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn cam kết tiếp tục thực hiện Hiệp ước.
Gần đây, Washington cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước với việc thử nghiệm hai loại vũ khí mới là tên lửa hành trình 9M729, tên lửa đạn đạo RS-26 và tuyên bố đình chỉ khỏi hiệp ước để phản đối. Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cáo buộc Mỹ vi phạm INF và kêu gọi một cuộc điều tra về kho vũ khí của Washington.
Việc rút khỏi INF có thể sẽ thúc đẩy một thế hệ tên lửa đất đối đất mới của Mỹ, không chỉ ở châu Âu để chống lại tên lửa của Nga mà còn ở cách xa nửa vòng trái đất tại châu Á. Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc, vốn không phải là bên ký kết hiệp ước, đã xây dựng một lực lượng tên lửa đạn đạo mạnh.
Trong khi đó, các lực lượng Mỹ không thể đáp ứng với các loại vũ khí tương tự do bị cấm theo INF. Thay vào đó, các lực lượng của Mỹ dựa vào các tên lửa hành trình được phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay, vốn có khả năng sống sót cao hơn các phương tiện mặt đất.
Nếu đưa phiên bản BGM-109G trở lại hoạt động, Washington sẽ có trong tay vũ khí có khả năng răn đe rất lớn. Tomahawk với tầm bắn hơn 2.000 km có thể tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ đối phương. Ảnh: US Army
Theo trang Popularmechanics, dưới đây là những loại vũ khí nguy hiểm có thể hồi sinh sau khi Mỹ rút khỏi INF:
Tên lửa hành trình BGM-109G Gryphon
Một vũ khí có thể trở lại là tên lửa hành trình BGM-109G Gryphon. Gryphon về cơ bản là một tên lửa Tomahawk trên đất liền, được điều hành bởi Không quân Mỹ và được đặt ở khắp Tây Âu. Gryphon có tầm bắn lớn hơn các biến thể Tomahawk khác, lên đến 2.400km và có thể mang một đầu đạn hạt nhân.
Mặc dù tất cả các tên lửa Gryphon và phương tiện phóng mặt đất đã bị loại bỏ vào năm 1991, nhưng tên lửa Tomahawk vẫn đang được sản xuất.
Việc xây dựng một loại tên lửa Gryphon mới được trang bị vũ khí hạt nhân hoặc thông thường sẽ là vấn đề khá đơn giản. Tuy nhiên, liệu tên lửa này có thể vượt qua các hệ thống phòng không hiện đại hay không thì vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Tên lửa hành trình JASSM-XR
Một vũ khí khác Mỹ có thể triển khai trở lại là phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình JASSM-XR. JASSM, hay tên lửa không đối đất hỗn hợp, đã được sử dụng trong cuộc không kích của NATO vào tháng 4/2018 xuống Syria.
Hiện nay, JASSM-XR là tên lửa hành trình phóng từ trên không với đầu đạn nổ nặng 900 kg. Một tên lửa bay thấp, tầm quan sát thấp, JASSM-XR có thể có cơ hội tốt hơn để vượt qua lưới lửa phòng không đối phương.
Mặc dù có thể có phiên bản đầu đạn hạt nhân, Mỹ dường như muốn giữ nền tảng JASSM thông thường - chỉ để tránh các vấn đề về xác minh kiểm soát vũ khí.
Tên lửa JASSM. Ảnh: Getty Images
Tên lửa đạn đạo tầm trung di động Pershing II
Pershing II là loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn 2 giai đoạn, tầm bắn khoảng 1.700 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Điểm mạnh của nó nằm ở công nghệ dẫn hướng rất tinh vi. Gabriel Collins làm việc tại Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, từng đề xuất hồi sinh tên lửa Pershing II sử dụng trên tàu chiến để đối phó chiến lược chống tiếp cận (2A/2D) của Trung Quốc.
Ông lập luận rằng tên lửa Pershing II được chế tạo vào đầu những năm 1980 nên công nghệ của nó không quá lạc hậu so với hiện tại, chỉ cần cập nhật công nghệ dẫn hướng mới sẽ có ngay một vũ khí đáng gờm.
Pershing II từng là tên lửa đạn đạo đáng sợ của quân đội Mỹ. Đây là một lựa chọn hợp lý khác nếu Mỹ rút khỏi INF. Ảnh: US Army.
Tên lửa đạn đạo tầm trung mới
Cuối cùng, Mỹ có thể phát triển một tên lửa đạn đạo tầm trung mới. Quá trình này có thể sẽ không mất nhiều thời gian như mọi người nghĩ. Có một vấn đề với thế hệ tên lửa mới này, đó là Mỹ có thể không có nơi nào để bố trí chúng.
Niềm tin vào Chính phủ Mỹ ở nước ngoài đang ở mức thấp nhất mọi thời đại và việc triển khai các tên lửa tầm trung của Mỹ tại châu Âu vào những năm 1980 từng dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối lớn.
Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu mặt nước của Mỹ. Ảnh: US Navy
Các nước châu Âu dường như không mấy quan tâm đến loạt tên lửa mới. Tại châu Á, Mỹ chỉ bảo đảm được một nơi đặt tên lửa này là đảo Guam, cách hơn 3.000 km so với Bắc Kinh, và Washington sẽ phải tìm kiếm sự chấp thuận từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines để tiếp cận gần hơn.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-loai-vu-khi-co-the-hoi-sinh-sau-khi-my-rut-khoi-inf-20190203010255747.htm