Những loại đá quý đắt nhất thế giới: Kim cương thông thường vẫn chưa thấm vào đâu

Aozora |

Một vài loại đá quý có thể bạn đã nghe qua nhưng cũng có nhiều loại chắc chắn sẽ khiến bạn phải tra Google để tìm hiểu.

Khoa học đã phát hiện hơn 4.000 loại khoáng vật trên Trái đất, trong đó có nhiều loại mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ bắt gặp trong đời sống. Nhìn chung, các khoáng vật sẽ được xếp loại là đá quý dựa vào thành phần hóa học, độ khúc xạ ánh sáng, cấu trúc tinh thể, và các đặc tính quang học.

Kiểu dạng và mức độ không thuần khiết của mỗi loại đá sẽ quyết định đến độ hiếm có và giá trị của chúng. 

Dưới đây là danh sách ngắn gọn về một số loại đá quý đắt đến không tưởng, cùng vài nét sơ lược về nguồn gốc và đặc tính khoáng học của chúng. Để tham khảo, hãy nhớ rằng kim cương thông thường có giá "chỉ" 15.000 USD/carat.

9. Đá Opal lửa –2.300 USD/carat

Những loại đá quý đắt nhất thế giới: Kim cương thông thường vẫn chưa thấm vào đâu - Ảnh 1.

Opal lửa (SiO2·nH2O) thực chất không phải là khoáng vật đúng nghĩa, mà chính xác hơn là một dạng giả khoáng (mineraloid). Lí do là vì Opal không có cấu trúc tinh thể cần thiết để được coi là khoáng vật. Như trong công thức đã thể hiện, nó chỉ là một dạng silica hay silicon oxide ngậm nước.

Opal có thể mang rất nhiều màu sắc đa dạng tùy thuộc vào điều kiện môi trường trong quá trình hình thành. Đặc tính khoáng học cho phép nó nhiễu xạ ánh sáng, nhờ đó lấp lánh muôn màu muôn sắc.

8. Benitoite – 4.000 USD/carat

Những loại đá quý đắt nhất thế giới: Kim cương thông thường vẫn chưa thấm vào đâu - Ảnh 2.

Benitoite (BaTiSi3O9) là một loại đá quý màu lam sáng cấu tạo từ barium, titanium và silica. Benitoite được hình thành trong giai đoạn làm nguội của các khoáng vật serpentinite đã trải qua biến đổi thủy nhiệt.

Loại đá quý hiếm này được tìm thấy tại Hạt San Benito, California, từ đó mới có cái tên như vậy. Benitoite phát ra ánh huỳnh quang mạnh mẽ và tỏa màu xanh lam tươi sáng.

7. Musgravite – 6.000 USD/carat

Những loại đá quý đắt nhất thế giới: Kim cương thông thường vẫn chưa thấm vào đâu - Ảnh 3.

Musgravite (Be(Mg, Fe, Zn)2Al6O12) được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967 tại Rặng Musgrave, Australia. Loại đá cực hiếm và rất cứng này thuộc cùng một họ với Taafeite sẽ được đề cập ở dưới. Như đã thể hiện trong công thức hóa học, Musgravite là một oxide nhôm với tỉ lệ đa dạng các nguyên tố magnesium, sắt, và kẽm.

6. Ngọc Beryl đỏ – 10.000 USD/carat

Những loại đá quý đắt nhất thế giới: Kim cương thông thường vẫn chưa thấm vào đâu - Ảnh 4.

Ngọc Beryl đỏ (Be3Al2Si6O18) là một khoáng vật với thành phần gồm beryllium, nhôm và silicate. Trong tự nhiên, ngọc Beryl tinh khiết vốn không màu, nhưng khi có thêm các nguyên tố vi lượng chúng sẽ được nhuộm những màu sắc đẹp tuyệt vời.

Ngọc Beryl đỏ được tìm thấy trong đá núi lửa rhyolite đã được khoáng hóa tại Rặng Thomas thuộc bang Utah, Mĩ. Loại đá quý này có thể được định giá tới 10.000 USD/carat và hiếm khi tìm thấy được một viên trên 2-3 carat.

5. Alexandrite – 12.000 USD/carat

Những loại đá quý đắt nhất thế giới: Kim cương thông thường vẫn chưa thấm vào đâu - Ảnh 5.

Alexandrite (BeAl2O4) là một dạng chrysoberyl được tìm thấy ở Dãy núi Ural, Nga vào những năm 1830. Bạn có thể chiêm ngưỡng sự đổi màu đáng kinh ngạc của loại khoáng vật này, khi chúng trông như có màu ngọc lục bảo ở ngoài sáng và lại chuyển thành màu hồng ngọc trong tối.

Điểm khác nhau giữa Alexandrite và chrysoberyl là sự hiện diện của các nguyên tố sắt, titanium và chromium làm cho Alexandrite không thực sự tinh khiết.

4. Serendibite – 18.000 USD/carat

Những loại đá quý đắt nhất thế giới: Kim cương thông thường vẫn chưa thấm vào đâu - Ảnh 6.

Serendibite ((Ca,Na)2(Mg,Fe2+)3(Al,Fe3+)3[O2|(Si,Al,B)6O18]) là một loại khoáng vật cũng như đá quý cực kì hiếm, được phát hiện lần đầu tiên tại Sri Lanka vào năm 1902.

Loại inosilicate này có công thức hóa học vô cùng phức tạp với nhiều nhánh bên chứa các nguyên tố calcium, boron, nhôm, magnesium, v.v… Serendibite mới đây cũng đã được tìm thấy tại vùng Mogok thuộc Myanmar.

3. Grandidierite – 20.000/carat

Những loại đá quý đắt nhất thế giới: Kim cương thông thường vẫn chưa thấm vào đâu - Ảnh 7.

Grandidierite ((Mg,Fe2+)Al3(BO3)(SiO4)O2) là một loại đá rất hiếm có thể được bán với giá 20.000 USD/carat và được phát hiện lần đầu tiên tại Madagascar vào năm 1902. Nó thường được tìm thấy như là một khoáng vật đi kèm trong các mẫu đá giàu phèn boron với một màu lục ánh lam bán trong suốt.

2. Taaffeite – 35.000 USD/carat

Những loại đá quý đắt nhất thế giới: Kim cương thông thường vẫn chưa thấm vào đâu - Ảnh 8.

Taafeite (BeMgAl4O8) là một loại khoáng vật cực hiếm và thường bị nhận nhầm là spinel. Điều thú vị là loại đá quý này được phát hiện lần đầu tiên sau khi đã bị cắt gọt và đánh bóng tại Dublin, Ireland vào năm 1945. Khi đó nó đã bị gắn nhãn nhầm là spinel, và chỉ nhờ quá trình điều tra sau đó mới được xác định là một loại đá quý hoàn toàn mới.

Điểm khác biệt cơ bản so với spinel là Taafeite có khả năng khúc xạ kép. Loại đá này được tìm thấy trong các quặng bồi tích thuộc Sri Lanka và Tanzania.

1. Kim cương đỏ - 1.000.000 USD/carat

Những loại đá quý đắt nhất thế giới: Kim cương thông thường vẫn chưa thấm vào đâu - Ảnh 9.

Vốn được biết đến rộng rãi như một trong những loại đá quý đắt giá nhất, kim cương đã chiếm luôn vị trí đầu bảng, nhưng không phải loại thông thường mà là một dạng đặc biệt được định giá đến hơn 1 triệu USD cho mỗi carat, đó là kim cương đỏ.

Chỉ có chưa tới 30 viên kim cương đỏ được tìm thấy trên khắp thế giới, mà hầu hết trong số chúng nặng chưa đầy nửa carat. Bạn có thể nghĩ rằng màu đỏ của chúng đến từ sự không thuần khiết trong thành phần cấu tạo, song thực ra đó lại là kết quả của sự biến dạng dẻo mạng tinh thể.

Viên kim cương đỏ nổi tiếng mang tên Moussaieff nặng 5,11 carat được tìm thấy vào năm 2011 có giá 8 triệu USD, và cho đến nay vẫn là viên kim cương đỏ lớn nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại