Túp lều tạm bợ của mẹ con Almata Diagne ở Ndiebene Gandiol, phía Tây Senegal.
Rời bỏ quê hương vì cuộc sống quá khó khăn
Almata Diagne và 4 đứa con nhỏ sống trong túp lều tạm bợ trên bãi biển ở Ndiebene Gandiol, phía Tây Senegal.
Cô con gái lớn nhất, Magat, địu đứa em út mới 4 tháng tuổi trên lưng. Em giúp mẹ nhặt những con cá mới mua được vào một cái xô. Sau đó, Almata sẽ mang xô cá đến chợ ở thị trấn lớn Saint-Louis để bán kiếm tiền.
Vì cuộc sống khó khăn, chồng Almata, anh Babacar Jo đã rời bỏ quê hương đến tìm việc làm ở Tây Ban Nha cách đây vài năm. “Sau khoảng 2-3 tháng, anh ấy lại gửi về cho mẹ con tôi số tiền khoảng 46 euro.
Tôi biết chồng mình rất vất vả nơi đất khách. Anh ấy kiếm tiền không chỉ cho vợ, con mà còn cho gia đình chồng. Tôi biết mình không thể trông chờ hoàn toàn vào anh ấy”, Almata nói.
“Hỗ trợ các thành viên gia đình là một nét truyền thống ở Senegal.
Người đàn ông phải cung cấp tiền cho mẹ hoặc chị gái ngay cả khi họ không cần chỉ vì tôn trọng truyền thống. Họ quan tâm đến gia đình thậm chí nhiều hơn so với vợ và con.
Chính vì vậy, phụ nữ ở nông thôn hiểu rằng, họ phải làm việc và không thể chờ đợi tiền từ chồng”, nhà xã hội học Oumoul Khaïry Coulibaly Tandian, đồng tác giả một nghiên cứu về tác động của thay đổi môi trường đối với vấn đề di cư ở Senegal nói.
Babacar là một trong số nhiều người đàn ông rời bỏ những ngôi làng nhỏ đang bị phá hủy do mực nước biển dâng cao ở Senegal.
Trước khi rời đi, sinh kế của Babacar cũng giống như hầu hết người dân trong làng là đánh cá.
Người dân địa phương nói rằng, không còn cá để đánh bắt nữa. Một số người đổ lỗi cho nhiệt độ tăng khiến cá di chuyển đến vùng nước lạnh hơn ở phía Bắc.
Trong khi đó, một số người cho rằng, những chiếc thuyền thương mại lớn của nước ngoài đã đánh bắt hết cá.
Cá từ lâu đã là nguồn thức ăn chính của người dân ở Senegal. Sự sụt giảm nghiêm trọng sản lượng đánh bắt cá ở một số khu vực đã dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực.
“Tôi muốn quay lại nhưng tôi không biết khi nào. Vì không có cá trong đại dương, tôi không có gì để làm ở đây”, ông Mam Mamouou Diakhate nói với phóng viên tờ DW (Đức).
Giống như Babacar, ông Mam Mamouou Diakhate từng là một ngư dân nhưng hiện đang làm việc kiếm sống ở Tây Ban Nha.
Nhiều người đàn ông khác không còn lựa chọn nào ngoài việc rời đi tìm việc làm tại các quốc gia châu Phi.
Biến đổi khí hậu - vấn đề mang tính toàn cầu
“Cộng đồng chúng tôi phụ thuộc lớn vào việc đánh bắt cá nhưng không thể cạnh tranh với những chiếc thuyền lớn, được trang bị tốt.
Tình hình khó khăn khiến chúng tôi phải di cư và phải đối mặt với nhiều mối đe dọa trong cuộc hành trình này”, Yayi Bayam Diouf, một phụ nữ có con trai bỏ mạng trong cuộc hành trình di cư đến châu Âu nói.
Sau khi con trai qua đời, Yayi Bayam Diouf quyết định thành lập tổ chức Phụ nữ ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp ở Senegal.
Tại đây, tổ chức hỗ trợ những phụ nữ có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi sự di cư của các thành viên trong gia đình.
Người tham gia tổ chức có thể được cung cấp kiến thức, công việc như cách làm xà phòng, bảo quản trái cây để có thể kiếm tiền cho gia đình.
Yayi Bayam Diouf cũng cố gắng thuyết phục nhóm người di cư “tiềm năng” ở lại quê hương bằng cách cung cấp thông tin về cuộc sống vất vả của những người di cư Senegal ở châu Âu. “Tôi nói với họ sự thật.
Chỉ cho họ thấy nhiều mối nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình di cư. Với số tiền đến châu Âu, họ có thể thành lập một doanh nghiệp nhỏ ở Senegal”, Yayi Bayam Diouf nói.
Tuy nhiên, Yayi Bayam Diouf cũng nói rằng, thực tế cho thấy, việc thuyết phục người dân không đơn giản bởi hơn 2/3 dân số Senegal vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp và đánh bắt cá.
Cả hai ngành nghề này đều bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ tăng và thời tiết thất thường. Đây không chỉ là thách thức của Senegal mà còn là vấn đề mang tính toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia cho biết, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành đánh bắt hải sản toàn cầu.
Dự đoán rằng, hàng triệu người trên thế giới có thể mất việc làm và nguồn thực phẩm, buộc phải di cư nếu nhiệt độ toàn cầu vượt quá mức tăng 1,5 độ C.