Những khoản đóng góp phi lý và kiểu thúc thu "không đóng không xong"

Đào Thanh Tuy |

Đứa trẻ lên ba phải đóng tiền làm đường bê tông ra đồng dù nhà... không có ruộng. Đây chỉ là một trong vô số những khoản đóng góp vô lý ở xã Hưng Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Không có ruộng cũng phải đóng tiền làm đường bê tông ra đồng

Ở Thái Hòa ai cũng ái ngại, xót thương hoàn cảnh của góa phụ trẻ Nguyễn Thị Nhung. Chị Nhung sinh năm 1991, một mình nuôi con nhỏ bởi vừa mất chồng sau một tai nạn thương tâm.

Nhà chị Nhung ở ngay gần hội trường thôn Thái Hòa. Căn nhà cấp 4 bé tí xíu nhưng khá sạch sẽ, gọn gàng. Tuy nhiên, trong nhà không bàn, không ghế và chẳng có bất cứ vật gì đáng giá.

Khi chúng tôi đến, góa phụ đang ru con ngủ. Tiếng ru nghe chầm chậm, buồn buồn.

Thấy nhà có khách, chị Nhung xem chừng ngạc nhiên. "Em tưởng các anh cùng làm với chồng em", nghe chúng tôi giới thiệu, chị Nhung ngỡ ngàng nói.

Nhắc đến chồng, đôi mắt góa phụ lại rơm rớm lệ.

Theo lời chị Nhung thì bởi nhà không có ruộng nên cưới nhau xong, chồng chị Nhung là anh Nguyễn Văn Thi phải bôn ba khắp nơi làm thuê kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con.

Những khoản đóng góp phi lý và kiểu thúc thu không đóng không xong - Ảnh 1.

Thôn Thái Hòa có nhiều người phải bôn ba đi nơi khác làm thuê.

Thế nhưng, tai ương ập xuống, tháng 9/2015, khi đang làm thuê cho một công trình thủy điện ở mãi Sơn La, anh Thi bị tai nạn rồi mất.

Đón thi thể chồng về, chị Nhung như chết lịm. Thương chồng bao nhiêu thì thương các con mình bấy nhiêu. Đau đớn nhất là mầm sống đang lớn dần trong bụng.

Nhớ ngày chồng về thăm, anh bảo, sẽ cố làm thêm vài năm nữa, gom được ít tiền thì về quê mở thêm nghề phụ để được gần vợ gần con.Vậy mà tai họa khủng khiếp đã khiến mong ước nhỏ nhoi, bình dị ấy dở dang giữa chừng.

Ngày chồng mất, chị Nhung đang mang thai 3 tháng đứa con thứ hai. Giữa tháng 6 vừa rồi, cháu Nguyễn Văn Thành Luân mới cất tiếng khóc chào đời.

Chồng mất, một nách hai con nhỏ, chị Nhung thấy đời mình không ánh tương lai. "Nhiều lúc ngồi nghĩ chẳng biết sau này em và các con em sẽ sống thế nào", chị Nhung rầu rĩ.

Những khoản đóng góp phi lý và kiểu thúc thu không đóng không xong - Ảnh 2.

Chồng mất, một nách hai con thơ, chị Nhung vẫn phải đóng đủ khoản, trong đó có cả khoản "bê tông nội đồng" dù nhà không có ruộng.

Con đầu của chị Nhung, cháu Nguyễn Thị Thảo Vi năm nay 3 tuổi, đang học mẫu giáo. "Mẹ con em giờ chỉ biết bấu víu vào ông bà ngoại thôi. Nhưng ông bà cũng khổ lắm, có tuổi rồi mà cũng vẫn phải đi làm thuê cho người ta", chị Nhung nghẹn ngào.

Nhắc tới chuyện đóng góp cho thôn xã, góa phụ trẻ hồn nhiên: "Thì nhà em vẫn đóng như các nhà khác thôi, có được giảm bớt khoản nào đâu!".

Những vụ đóng góp trước, chị Nhung bảo chị không biết đích xác là gia đình mình phải đóng bao nhiêu vì khi đó còn chung khẩu với gia đình chồng. Năm nay, bởi đã tách ra ở riêng thì chị mới phải lo tiền đóng góp.

"Nói là lo thôi chứ thật sự là bố mẹ em đóng hộ chứ em thế này thì đóng thế nào!", chị Nhung cho biết. Theo chị Nhung, "mùa sưu thuế" vừa rồi, bố mẹ chị đã đóng hộ mẹ con chị tất cả các khoản là 786 nghìn đồng.

Nhà có 3 mẹ con, nhưng chị Nhung bảo, số tiền trên chỉ là đóng cho chị và đứa con đầu mới lên 3 tuổi của mình. "Cháu thứ hai mới được hơn tháng tuổi nên em chưa vào khẩu, nếu vào thì cháu cũng phải đóng như chị mình rồi", chị Nhung cho biết

Theo chị Nhung, như nhiều địa phương khác, thôn Thái Hòa thu nhiều khoản và không cần biết đối tượng thu là ai, cứ có tên trong hộ khẩu là phải đóng hệt như một lao động trưởng thành.

"Họ thu vô lý lắm, nhà em không có ruộng, thế mà vẫn phải đóng tiền làm đường bê tông nội đồng. Em có thắc mắc nhưng chả được, họ bảo quy định thế rồi", chị Nhung bức xúc.

Nhà có 6 khẩu, đóng hơn 3,5 triệu đồng một vụ

Thôn Thái Hòa có nhiều gia đình đông con. Mỗi mùa đóng góp, "quy định thu tiền theo khẩu" đã khiến nhiều gia đình điêu đứng.

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn San vào giữa chiều khi trời hè vẫn rọi nắng bỏng rát. Thấy nhà có khách, mồ hội ướt đầm cả bộ quần áo bảo hộ lao động, anh San tất tả về nhà.

Rót nước mời khách, anh San bảo, nhà anh có 5 sào ruộng làm một loáng là xong. Nhờ có nghề thợ hồ nên khi nông nhàn anh đi xây thuê trong làng, trong xã để kiếm thêm thu nhập.

Chính nhờ có nghề phụ nên vụ đóng góp vừa rồi gia đình anh đã không phải đi vay mượn dù tổng số tiền phải đóng là hơn 3,5 triệu đồng.

Những khoản đóng góp phi lý và kiểu thúc thu không đóng không xong - Ảnh 3.

Nhà có 6 khẩu, anh San phải đóng hơn 3,5 triệu đồng cho một "mùa đóng góp"

Mẹ anh San, bà Vũ Thị Thiềng, tuổi thật đã ngoài 70 nhưng hồ sơ lý lịch thì chưa đủ ngần ấy.

Thôn quy định, người già từ 70 tuổi trở lên được miễn đóng khoản làm đường nhưng bởi lý lịch sai nên dù chỉ loanh quanh làm việc vặt trong nhà nên bà Thiềng vẫn phải đóng đủ các loại như 5 nhân khẩu còn lại trong nhà.

Nhà anh San có 6 khẩu mà một vụ 5 đã phải đóng góp hơn 3,5 triệu đồng (vụ 10 cũng thu số tiền tương đương như trên) thì những gia đình có đông nhân khẩu thì số tiền phải đóng thực sự là khủng khiếp.

Những khoản đóng góp phi lý và kiểu thúc thu không đóng không xong - Ảnh 4.

Có nghề thợ hồ nên anh San đã may mắn không phải vay mượn mỗi khi thôn, xã thu tiền.

Căn cứ vào thông báo thu của thôn Thái Hòa, không tính các khoản đóng góp theo đầu hộ, theo đầu sào thì mỗi khẩu mỗi vụ phải cho thôn, xã số tiền hơn 350 nghìn đồng. Ở nông thôn, làm nông nghiệp dành dụm được ngần ấy tiền không phải là chuyện dễ.

Trước là vận động, sau là… đe dọa?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Chanh, đảng viên 31 tuổi Đảng bảo, Thái Hòa là thôn đông dân và cho tới thời điểm này, số nhân khẩu thực sự trong thôn thì không ai biết được trừ… cán bộ thôn.

"Người già chết đi, người mới về làm dâu, trẻ mới sinh ra… nhiều lắm. Di biến động liên tục nhưng không ai biết đích xác số nhân khẩu tại thời điểm phát động đóng góp là bao nhiêu", ông Chanh cho biết.

Ông Chanh bảo, ông không khẳng định chuyện có nhập nhèm trong việc tiến hành thu nhưng số nhân khẩu thực sự thôn đang có thì phải công khai, minh bạch.

"Người ta thu đến mình thì mình đóng thôi chứ không ai biết được trong thôn có bao nhiêu người", ông Chanh cho biết.

Cũng theo ông Chanh, để thúc thu, đối với những gia đình khó khăn chưa đóng ngay tắp lự sau mỗi vụ đóng góp thì chính quyền sẽ cử đoàn công tác đặc biệt đến… vận động. "Họ thành lập đoàn để đến nhà, ban đầu là vận động, nhưng sau đó là dọa nạt", ông Chanh cho biết.

Theo ông Chanh, ở Thái Hòa, dù tiền điện đã thu riêng nhưng không hoàn thành các khoản thu khác, đã có gia đình bị cắt điện.

Sổ theo dõi thu thế và các khoản đóng hàng năm của xã Hưng Lộc cấp cho nhà ông Chanh dân Thái Hòa quen gọi là sổ điều hòa. Để có sổ này, trước đây, mỗi gia đình đều phải bỏ tiền mua.

Những khoản đóng góp phi lý và kiểu thúc thu không đóng không xong - Ảnh 5.

Sổ theo dõi đóng góp nhà ông Chanh mục 4 ghi rõ ràng lên xã giao dịch phải mang theo sổ.

Bìa sau cuốn sổ có ghi rõ những điều cần lưu ý khi giữ "cục nợ đáng ghét" này. Theo đó, có 5 điều mà các hộ gia đình trong thôn phải lưu ý khi sử dụng sổ và điều thứ 4 là… cần lưu ý nhất.

"Khi giao dịch với UBND xã gia đình mang kèm theo sổ này để tập thể theo dõi trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ công dân của gia đình đối với nhà nước".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bởi quy định "lên xã phải mang theo sổ" như trên thì dù khó khăn đến đâu, hễ có việc gì giao dịch với ủy ban, với chính quyền thì việc đầu tiên của người dân trong thôn Thái Hòa phải làm là hoàn thành các khoản đóng góp.

"Miếng pho mát trong bẫy chuột"

Trưởng thôn Thái Hòa là ông Lê Văn Ngọc. Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với vị trưởng thôn này nhưng ông Ngọc từ chối gặp. Đến hội trường thôn, chúng tôi đã may mắn gặp được ông Trần Văn Huy, Bí thư Chi đoàn thôn.

Nói về các khoản đóng góp của thôn, ông Huy bảo, tất cả các khoản đóng góp đã được người dân đồng thuận và nhiều khoản là dân tự nguyện đóng. Và, cũng đã nhiều lần ông Huy đứng ra viết phiếu thu cho thôn.

Tuy nhiên, trước những bằng chứng mà chúng tôi đưa ra, đuối lý, ông Huy chỉ bảo: "Cái này là xã hội hóa thôi".

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Huy cũng thừa nhận, các khoản thu đang đổ lên đầu dân ông là… cực nhiều!

Những khoản đóng góp phi lý và kiểu thúc thu không đóng không xong - Ảnh 6.

Ông Trần Văn Huy, Bí thư Chi đoàn thôn Thái Hòa thừa nhận các khoản thu ở địa phương là... cực nhiều.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Liên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc cho biết, gánh nặng đóng góp mà người dân xã ông đang gánh chịu phần lớn là do các khoản đóng góp dưới thôn đặt ra.

Tuy nhiên, những khoản thu nặng nề nhất mà người dân đang phải gánh (chủ yếu là các khoản liên quan đến xây dựng cơ bản) lại được sự… khuyến khích của xã.

Theo đó, xã đã tiến hành "treo thưởng" để thôn tiến hành khẩn trương trong việc xây dựng các công trình hạ tầng.

"Có công trình xã hỗ trợ 30%, có công trình lại hỗ trợ 50% nhưng phải hoàn thành trong thời gian nhất định. Chính vì khoản hỗ trợ trên mà dưới thôn họ đã cố sức làm", ông Liên cho biết.

Theo ông Liên, thôn chịu áp lực từ xã, xã lại chịu áp lực từ huyện. Ông Liên giải thích, chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện muốn xã Hưng Lộc về đích ngay trong năm nay và đây chính là áp lực đổ lên không chỉ đầu dân mà cả với chính quyền cơ sở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại