Những khoản “đầu tư” đáng giá, luôn sinh lời của cô nàng công sở

NGUYỄN QUỲNH TRANG |

Đã đầu tư thì phải chấp nhận lỗ trước khi nhận lãi. Nhưng khoản đầu tư cho bản thân một cách đúng đắn sẽ luôn sinh lời và vô cùng xứng đáng!

"Muốn tiết kiệm hay đầu tư thì phải có nhiều tiền" là quan điểm của khá nhiều người khi nhắc đến vấn đề quản lý tài chính cá nhân. Nhưng chúng ta không thể đợi đến khi lương 20,30 triệu/tháng, hay có trong tay vài tỷ mới bắt đầu học cách quản lý tài chính. Dù ở mức thu nhập nào, việc học cách kiểm soát tiền của mình là vấn đề cực kỳ quan trọng.

Để bắt tay vào việc quản lý tài chính cá nhân, từ hồi còn là sinh viên năm 2 đại học, Kiều Hương (27 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Từ khi bắt đầu đi làm, mình không bao giờ chỉ làm 1 công việc, bởi mình biết, mức lương chi trả cho 1 sinh viên mới ra trường sẽ chẳng được bao nhiêu. Vì thế, ngoài công việc chính với mức lương cố định, mình còn nhận thêm 1-2 công việc phụ bên ngoài. Mình luôn cố gắng kiếm nhiều tiền nhất có thể trong khả năng, vì những chi phí cần để trang trải cuộc sống rất nhiều. Và mục tiêu mình luôn hướng đến, là tiết kiệm tiền xây nhà cho ba mẹ và mở 1 cửa hàng kinh doanh riêng về nội thất. Để thực hiện được ước mơ, mình lên kế hoạch quản lý tài chính cá nhân chặt chẽ nhất, tiết kiệm và đầu tư là ưu tiên hàng đầu.”

Ai cũng có áp lực tài chính của riêng mình

Dù bản thân có luôn căn ke trong chuyện tiêu tiền thế nào, thỉnh thoảng mình vẫn đi chệch quỹ đạo, và có những áp lực tiền bạc đè trên vai khiến mình mệt mỏi. Xuất phát điểm không khá giả, khiến mình bị ám ảnh về chuyện phải kiếm được nhiều tiền từ khi còn trẻ, để mua nhà, mua xe, cuộc sống không cần phải lo ăn lo mặc, và có tiền tự do làm điều mình muốn. Những ngày mới ra trường, bắt đầu kiếm được tiền khiến mình có nhu cầu sắm sửa cho bản thân nhiều hơn, chỉ vì không muốn bị người khác đánh giá qua vẻ bề ngoài. Những suy nghĩ non nớt ấy khiến cho mình có khoảng thời gian bị rối loạn trong chuyện quản lý tài chính.

 Những khoản “đầu tư” đáng giá, luôn sinh lời của cô nàng công sở - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Pinterest

Đã từng có thời gian mua đồ theo cảm tính, chạy theo quảng cáo, nhưng khi sở hữu những món đồ đó rồi, mình cũng không cảm thấy thỏa mãn. Tiện nghi thì cũng tốt, nhưng rõ ràng có những thứ chúng ta không cần nó, thì vẫn sống bình thường. Chẳng hạn như không có máy hút bụi, mình vẫn có thể quét dọn nhà cửa. Nếu không có chiếc điện thoại đời mới nhất, mình vẫn có thể lên mạng và duy trì liên lạc như bình thường. Không có chiếc máy tính đắt tiền nhất, mình vẫn có thể xử lý công việc bằng chiếc máy tính đã dùng vài năm. Khi chấp nhận bỏ bớt tiện nghi, mình thấy cuộc sống trở nên dễ thở hơn đôi chút. Và việc dành thời gian để nghĩ đến chuyện tiêu tiền được hạn chế dần.

Những thứ thực sự xứng đáng để đầu tư cho bản thân

Mình là người tính toán khá kỹ trong chuyện tiền bạc. Thế nên những khoản thu nhập cố định mình sẽ chia thành 3 đầu mục chính: 50% đầu tư vào bản thân mình - 30% dành để chi trả cho các khoản phí sinh hoạt, dịch vụ cá nhân, chi phí ăn uống vui chơi cùng bạn bè - 20% còn lại để mua sắm đồ dùng cần thiết. Còn những khoản tiền kiếm được nhờ công việc phụ, mình cho hết vào quỹ tiết kiệm. Đây cũng là điều khá rủi ro, vì công việc tự do không phải lúc nào cũng nhận lương đều đặn, nhưng nó cho mình động lực kiếm tiền nhiều hơn mỗi ngày.

Là một cô nàng công sở lâu năm, việc làm trong các doanh nghiệp, thói quen sinh hoạt và chi tiêu của mình thay đổi rất nhiều. Chính những thói quen này định hình nên lối sống tiết kiệm nhưng không keo kiệt, vẫn giúp mình giữ được phong độ bề ngoài, mà túi tiền cũng chẳng tiêu hao là mấy. Sau 1 thời gian dài thử nghiệm, mình rút ra được những khoản "đầu tư" thực sự đáng giá.

 Những khoản “đầu tư” đáng giá, luôn sinh lời của cô nàng công sở - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Pinterest

Đầu tư cho thực phẩm

Việc dân văn phòng tiêu tiền cho những bữa cơm quán đã không còn quá xa lạ. Đôi khi 1 suất cơm 25-30k cũng đủ giải quyết bữa trưa no bụng, nhanh gọn lẹ, mà đôi khi còn rẻ hơn chi phí tự nấu. Đấy là suy nghĩ của người khác, không phải mình. Việc ăn uống rất quan trọng, và với mình đồ ăn tự nấu bao giờ cũng đảm bảo chất lượng hơn cơm quán. Nếu biết cách cân đo đong đếm, việc nấu 1 bữa cơm ngon, đủ chất và vừa túi tiền không khó.

Chế độ ăn nhiều rau củ quả, và hạt giúp mình vừa có lối sống lành mạnh, mà chi phí cũng thấp hơn các loại đồ ăn nhiều chất béo, đạm. Nên mua đồ ăn theo mùa, giá cả sẽ rẻ hơn việc mua thực phẩm trái mùa. Để không lãng phí, mình luôn mua đồ ăn vừa đủ trong 2-3 ngày, tránh tình trạng lấp đầy tủ lạnh rồi để đó đến khi hư hỏng. Hơn nữa, dù đã 27 tuổi, mình vẫn luôn nhận thực phẩm được ba mẹ gửi lên từ quê. Đồ nhà trồng được nên chất lượng tươi ngon, không thuốc, lại tiết kiệm được 1 khoản kha khá.

Đầu tư cho ngoại hình

Ngoại hình với mình không chỉ là vẻ bề ngoài, mà còn là da dẻ và trang phục. Dĩ nhiên, những món đồ này đều sẽ tiêu tốn 1 khoản tiền nhất định. Nhưng mình luôn để 1 mức chi tiêu cố định hàng tháng, dành riêng để đầu tư cho ngoại hình. Việc có 1 gương mặt sáng, trang phục gọn gàng, chỉnh chu giúp mang lại điểm cộng trong thời đại ngày nay.

Để đầu tư cho những khoản này, mình cố gắng hạn chế dưới mức quy định, không được tiêu lố tay. Mình lựa chọn những món đồ cơ bản có thể sử dụng nhiều lần, ứng dụng được nhiều trường hợp. Lối sống tối giản là lựa chọn hoàn hảo: Không chạy theo thời trang nhanh, không mua quá nhiều những món đồ không cần thiết. Và áp dụng nguyên tắc: Mua 1 món phải bỏ 1 món. Như vậy, những món đồ phục vụ cho cuộc sống sẽ luôn ở trạng thái vừa đủ, mỗi lần chi tiền đều phải cân nhắc kỹ khi bỏ bớt món đồ khác đang sử dụng.

 Những khoản “đầu tư” đáng giá, luôn sinh lời của cô nàng công sở - Ảnh 3.

Ảnh minh họa - Pinterest

Ví dụ đơn giản nhất: Nếu bạn muốn thay đổi tủ quần áo của mình, thì hãy bắt đầu bằng những món đồ cơ bản, phù hợp với nhiều tình huống như áo sơ mi trắng, áo phông, quần tây,... Những món đồ này giúp bạn ứng phó với hầu hết hoàn cảnh như đi làm, đi học, đi chơi, trong vài tháng tới. Điều này cũng áp dụng với những mục tiêu khác như trang trí lại phòng ngủ, lên kế hoạch trong ngày, hay đơn giản hóa trong việc chi tiêu. Với mình, phương pháp này gọi là tối giản tài chính, tức là ưu tiên những khoản cần đầu tư nhất, giúp bạn sống ổn trong thời gian ít nhất là 6 tháng.

Đầu tư bên trong

Hiện tại, việc đầu tư để "tiền đẻ ra tiền" với mình tốt nhất, đó là đầu tư vào bên trong: trí thức, kỹ năng mềm,... Và với sự giúp đỡ từ công nghệ, quả thực đây là khoản đầu tư sinh lời nhanh nhất. Mình liên tục bỏ tiền để nâng cấp bản thân từ bên trong: Học thêm các chứng chỉ về quản lý tài chính, đầu tư, marketing, thiết kế,... Đây đều là những kỹ năng giúp mình có thể thực hiện được ước mơ làm nội thất trong tương lai. Những kiến thức này giúp cho cuộc sống lẫn công việc ngày càng trở nên thú vị hơn. Nó cũng giúp ích để mình kiếm được nhiều công việc bán thời gian ở ngoài. Trình độ càng nâng cao, khả năng kiếm tiền sẽ càng được cải thiện.

Sếp cũ của mình thường nói, một khi đầu tư là phải chấp nhận lỗ trước khi nhận lãi. Nhưng với mình, khoản đầu tư xứng đáng nhất, là đầu tư vào bản thân một cách đúng đắn. Đây là khoản đầu tư không bao giờ lỗ, và có khả năng sinh lời cực tốt trong tương lai. Vì thế, hãy đầu tư vào bản thân một cách khôn ngoan nhất, đặc biệt là bên trong, tránh lãng phí vào những khoản tiền không cần thiết chỉ để tô vẽ bề ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại