Đây là thông tin đáng mừng cho nhiều người Châu Âu nhưng có thể khiến Mỹ và một số nước phương Tây chống Nga lo ngại.
Trong bối cảnh Iran và Mỹ đang đối đầu nảy lửa và trên bờ vực của một cuộc chiến tranh, Nga và Đức – hai nước mạnh nhất Châu Âu dường như hiểu được họ có trách nhiệm đặc biệt để bảo vệ họ trước bất kỳ hậu quả kinh khủng nào có thể gây ra từ cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran.
Quyết định của Thủ tướng Merkel đến Nga vào thời điểm này được cho như là một tín hiệu mà Berlin muốn nhắn nhủ đến Washington. Cụ thể, Đức muốn cho Mỹ thấy họ có khả năng thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập nếu cần. Đức sẽ không bị dọa cho sợ bởi các biện pháp trừng phạt mà Mỹ tung ra nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc II - một dự án tăng cường hơn nữa sự kết nối trực tiếp giữa Nga và Đức trong mạng lưới cung cấp khí đốt.
Cũng thông qua chuyến thăm Nga, nữ Thủ tướng Merkel muốn giới lãnh đạo Mỹ hiểu rằng, bà có cùng quan điểm với Mocsow về vụ Tổng thống Donald Trump ra lệnh ám sát một vị tướng hàng đầu của Iran. Nga tin rằng, hành động của ông Trump là bất cẩn trong khi Đức nghi ngờ tính hợp pháp trong quyết định giết tướng Iran của Washington.
Đức đang bất mãn trước việc đồng minh Mỹ vừa tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với lý do dự án do Nga chủ trì này gây ra một mối nguy hiểm đối với an ninh của châu Âu. Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bất chấp sự phản đối của Đức. Berlin thẳng thắn cho biết, hành động của Mỹ là can thiệp vào “công việc nội bộ” của Đức. Dự án này có mục tiêu là tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức thông qua một đường ống khí đốt được lắp đặt dưới Biển Baltic. Đức nhập 55 tỉ mét khối khí đốt, 70% nhu cầu của nước này.
Đức và Nga cần nhau. Họ là hai nền kinh tế mạnh nhất Châu Âu xét theo sức mua tương đương. Và ở mỗi nước đều có đến 1/3 dân số là người của nước kia. Moscow phụ thuộc vào nguồn doanh thu xuất khẩu sang thị trường Đức trong khi Berlin sẽ gặp rắc rối lớn nếu không tiếp cận được với nguồn lực từ Nga.
Chuyến thăm của Thủ tướng Đức đến Nga được cho là cơ hội để hai nước khôi phục lại quan hệ song phương. Không ít nhà phân tích tin rằng, thời kỳ băng giá trong quan hệ Nga-Đức sắp kết thúc bởi cả hai bên đều phát đi tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng quay lại con đường hợp tác với nhau.
Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý. Đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người giải phóng họ, đã cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo. Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít.
Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.
Tuy nhiên, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng lên, quan hệ gắn bó, thân thiết bao năm nay của Nga-Đức đã nhanh chóng bị sứt mẻ trầm trọng. Đức cùng với đồng minh Mỹ và Châu Âu lao vào đổ lỗi, cáo buộc Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, “tiếp tay” cho lực lượng ly khai để gây ra cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine.
Dưới sức ép của Mỹ, Đức cùng các nước thành viên trong Liên minh Châu Âu (EU) đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Từ người bạn thân của Nga, Đức bỗng chốc trở thành nước dẫn dắt Liên minh Châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga.
Việc Đức và Nga khôi phục quan hệ khiến Mỹ và một số nước phương Tây chống Nga lo ngại. Phương Tây thời gian qua đang thiết lập một liên minh chống Nga mạnh mẽ và việc Đức làm lành với Nga có thể khiến mặt trận này tan vỡ.