LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!
Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.
Trong số này, mời quý độc giả tìm hiểu về những diễn biến ở Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ trong 12 ngày đêm tháng 12/1972 qua lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng.
----
NHỮNG GIỜ PHÚT NGHẸT THỞ TẠI SỞ CHỈ HUY QUÂN CHỦNG PK-KQ: ĐỐI MẶT SỨC ÉP Ồ ẠT CỦA B-52
Những ngày không thể quên
Tháng 4 năm 1972 đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Sở chỉ huy Quân chủng đã dời vào trong dãy núi đá cách Hà Nội không xa. Mười hai ngày đêm tháng Chạp năm 1972 tôi được phân công trực chỉ huy Quân chủng tại Sở chỉ huy này. Đó là những ngày không thể quên với cuộc đời tôi.
Sáng chủ nhật ngày 17 tháng 12 Sở chỉ huy Quân chủng nhận được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Trong Bộ tư lệnh lúc đó có Tư lệnh Lê Văn Tri, Chính ủy Hoàng Phương. Sau này có thêm anh Nguyễn Xuân Mậu, và anh Hoàng Văn Khánh.
Còn ở SCH lúc đó có tôi, anh Vũ Xuân Vinh – Tham mưu phó QC; bên binh chủng Radar có anh Hoàng Văn Ngữ – Chính ủy, anh Hứa Mạnh Tài - Tham mưu phó; bên không quân có anh Nguyễn Phúc Trạch – Tham mưu phó và kíp trực ban chiến đấu thông tin, trinh sát, tác chiến, sĩ quan hướng... chúng tôi nhanh chóng truyền lệnh xuống các đơn vị.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích (1920 - 2017), nguyên Phó Tư lệnh QC PK-KQ
Ngay tối 17 tháng 12 Bộ tư lệnh gấp rút họp bàn bổ sung phương án đánh B-52. Tôi đã trình bày dự kiến các đường bay B-52 đánh phá Thủ đô Hà Nội phương án đã vạch ra.
Đặc biệt, qua theo dõi máy bay trinh sát của địch, tôi phán đoán thêm đường bay mới của B-52 có thể thực hiện. Đó là đường bay từ Thái Lan qua Thượng Lào, vào Tây Bắc xuống đánh phá Đông Anh, Gia Lâm, Hà Nội. Quả nhiên sau này địch sử dụng đường bay này để đánh phá Hà Nội.
8h sáng tháng 12 tôi đã vào họp kíp chiến đấu, khẳng định B-52 sẽ đánh Hà Nội đêm ấy. 16h chiều cùng ngày trên đã thông báo cho Sở chỉ huy biết khoảng 30 chiếc B-52 bay từ Gu-am vào đánh miền Bắc.
Sở chỉ huy thống nhất thời gian, mật giữ và tôi ra lệnh trực tiếp xuống các đơn vị ôn lại phương án đánh B-52, điều chỉnh lại đội hình xong trước 17h. Có ý kiến cho rằng B-52 sẽ đánh vào Thanh Hóa, nhưng tôi khẳng định chắc chắn B-52 đánh vào Hà Nội.
Cuộc đọ sức nghẹt thở
Lúc 19h10 ngày 18 tháng 12 Trạm radar 45, đài trưởng Nghiêm Đình Tích báo về B-52, hồi hộp và có phần lo lắng. Bản thân trong đầu tôi lúc đó cứ vấn vít câu hỏi liệu có đánh được B-52 không?
Nhưng, căn cứ vào phương án tháng 10, nhất là sau khi ta bắn rơi B-52 ngày 22/11/1972 do Đoàn H63 tên lửa thực hiện, đã củng cố cho tôi thêm niềm tin ta nhất định sẽ thắng trận này.
Tuy nhiên sự kiện B-52 vào đánh phá Hải Phòng tháng 4 năm 1972 ta bắn nhiều quả tên lửa mà không hạ được chiếc nào rơi tại chỗ nên anh em vẫn còn thiếu tin tưởng. Một số sĩ quan hướng truyền lệnh xuống đơn vị giọng cũng run run, mất bình tĩnh so với lúc bình thường.
19h44: tên lửa ta đánh đợt đầu nhưng không trúng. Tôi chỉ thị các sĩ quan hướng nắm tình hình và động viên bộ đội rút kinh nghiệm đánh các đợt tiếp theo.
20h13: Tiểu đoàn 59 bắn trúng chiếc đầu tiên. Đồng chí Nguyễn Đình Sơn – Tham mưu trưởng Sư đoàn Phòng không Hà Nội báo cáo lên đánh bắn rơi máy bay B-52. Tôi chỉ thị tìm mọi cách đi tìm nhặt xác B-52.
Không khí phán khởi lan khắp Sở chỉ huy. Niềm vui ấy tràn ngập khi nghe tin đồng chí Võ Công Lạng – Trung đoàn phó 261 đã nhặt được xác máy bay B-52G và tin ta đã bắt được giặc lái B-52. Ai cũng lâng lâng với chiến thắng, bởi vì bao năm qua ta chưa bắn được tại chỗ chiếc B-52 nào.
B-52 với phù hiệu "Nắm đấm thép và tia chớp" đã trúng tên lửa của ta bốc cháy và rơi xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn.
Chúng tôi đã tổng kết trận 18-12 là trận hạ uy thế không lực Hoa Kỳ, trận rạng sáng ngày 21 tháng 12 là trận then chốt và trận ngày 26 tháng 12 là trận quyết định.
Trong những ngày ấy chúng tôi ăn ngủ tại sở chỉ huy trong khi trời lạnh giá, ẩm thấp của hang đá. B-52 đánh vào đêm nên hầu như chúng tôi phải thức suốt đêm, chỉ huy từng trận đánh. Ban ngày tôi cùng anh em nắm tổng hợp tình hình, điều động lực lượng, hoặc xuống thăm các trận địa.
Có lúc vừa cầm bánh mì vừa ăn giao ban. Lúc nào mệt quá thì chợp mắt một chút ngay trên bàn làm việc hoặc dồn ba chiếc ghế lại làm giường ngả lưng.
Tôi mặc nguyên bộ quần áo dã chiến suốt mất ngày liền, chẳng có thời gian thay giặt. Anh em kíp trực các thành phần thay ca, có thể nghỉ ngơi chút đỉnh. Sau một tuần chiến đấu, mặt ai nấy hốc hác, nhưng gương mặt nào cũng chứa chan niềm vui chiến thắng.
Nhân ngày 22 tháng 12, ngày thành lập quân đội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi cùng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài đến động viên bộ đội tại Sở chỉ huy Quân Chủng. Sau khi thăm Sở chỉ huy Quân chủng, thủ tướng đã vào thăm Sở chỉ huy rađa, Sở chỉ huy Không quân. Thủ tướng nói:
"Trận này ta không thắng thì gay lắm vì chúng nó đang cố ép ta. Chiến thắng các đồng chí hay lắm, tốt lắm, quý lắm... đã cho chúng một bài học, bây giờ ta ép lại nó. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả nước cám ơn các đồng chí".
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân ngày 22/12/1972.
Trong các ngày 23, 24 tháng 12 địch đánh giãn ra xa Hà Nội. Một số ý kiến cho rằng ta cũng cần giãn hỏa lực để bảo vệ các trọng điểm mà địch đánh phá như Hải Phòng, Thái Nguyên, nhưng Thường vụ, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng nhận định Hà Nội vẫn là mục tiêu chủ yếu của đợt tập kích đường không chiến lược của địch.
Ta cần chốt giữ lực lượng bảo vệ Hà Nội. Tôi đề nghị các đơn vị pháo cao xạ rút một số nơi về để bảo vệ cho các trận địa tên lửa, một mặt tăng cường chỉ đạo các đơn vị sản xuất đạn tên lửa, một mặt truyền chỉ thị chỉ dùng tên lửa đánh B-52 ban đêm.
Trong ngày 25 tháng 12 Sở chỉ huy Quân chủng tất bật tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu, điều thêm 2 tiểu đoàn tên lửa 71,72 từ Hải Phòng lên tăng cường hỏa lực cho hướng Đông Bắc Hà Nội. Đêm 26 tháng 12 là một trận thắng mang tính quyết định.
Địch dùng tới 105 lần chiếc B-52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh ồ ạt liên tục vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên.. Lúc này anh Hoàng Văn Khánh đã từ sở chỉ huy tiền phương quân báo Lê Tư, trưởng phòng tác chiến Lê Thanh Cảnh và kíp trực như dán mắt vào những đường chì vẽ các đường bay B-52 vào Hà Nội.
Máy bay B-52 ném bom rải thảm.
Những khẩu lệnh đưa ra đanh gọn. Không khí trong Sở chỉ huy khẩn trương nhưng mọi người hết sức bình tĩnh và tin tưởng vào chiến thắng của ta. Trận chiến đấu đêm 26 tháng 12 năm 1972 diễn ra hơn 1 giờ.
Lực lượng Phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn bắn rơi 8 máy bay B-52, riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, có 4 chiếc rơi tại chỗ. Trận đánh có tính chất quyết định làm suy sụp tinh thần và ý chí của Nhà trắng. Sau trận này kết cục của chiến dịch đã được định đoạt.
Có điều đặc biệt trong 12 ngày đêm kẻ thù không thể phát hiện được Sở chỉ huy Quân chủng.
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích – Nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ)
Nguyễn Quang Bích (tên thật Phùng Quang Bích) (sinh năm 1922-2017) là sĩ quan cấp cao trong QĐND Việt Nam, hàm Thiếu tướng; nguyên Chủ nhiệm Khoa Chỉ huy Tham mưu thuộc Học viện Quân sự cấp cao, Phân viện phó Phân viện nghiên cứu chiến lược Học viện Quân sự cấp cao, Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ; Phó Tư lệnh Đoàn 559.
Ông mới được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.