Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị tử hình vào hồi 4 giờ 45 phút sáng ngày 30/12/2006, ngày đầu tiên của lễ Eid Al-Adha của người Hồi giáo. Bản án tử hình đối với Saddam Hussein đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí, một số thẩm phán xét xử ông cũng cảm thấy phiên tòa có nhiều điều khuất tất. Một số thẩm phán đã từ chức sau một vài phiên xét xử.
Đến phút cuối cùng Saddam Hussein vẫn cho rằng mình vô tội. Bước lên chiếc giá treo cổ ông vẫn giữ được bản lĩnh của mình. Thẩm phán Mounir Sabri Haddad, người được giao thi hành án tử hình Saddam Husein đã tiết lộ nhiều chi tiết quan trọng về những giây phút cuối cùng trước khi bước lên giá treo cổ của ông Hussein.
Thẩm phán Mounir Sabri Haddad
Thẩm phán Mounir Sabri Haddad sinh năm 1964 tại quận Al-Kadhimyia, thủ đô Baghdad. Ông xuất thân từ một gia đình người Kurd Faili thuộc bộ tộc Shuan. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật trường đại học Baghdad, Haddad ở lại làm luật sư và cố vấn luật pháp của trường. Sau đó do bất đồng chính kiến với chính quyền, ông sang sống lưu vong tại Vương quốc Oman và trở về Baghdad sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ năm 2003.
Trở về Baghdad, Haddad đã gặp Salem Jawad Al-Jalabi và cùng nhau thành lập một tòa án hình sự đặc biệt để xét xử các tội ác của chế độ Saddam Hussein. Al-Jalabi được cử giữ chức chủ tịch tòa án, Haddad làm thẩm phán thứ nhất. Haddad đã tuyên thệ trước Masoud Barzani, thủ lĩnh đảng Dân chủ Kurdistan, Chủ tịch Hội đồng cầm quyền lúc đó. Sau khi Chủ tịch tòa thượng thẩm Iraq Jamal Mustafa chết, Thủ tướng Nour Al-Maliki đã tiến cử Haddad giữ chức vụ này.
Haddad đã giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong Hội đồng Bộ trưởng. Hội đồng Tổng thống cũng đã nhất trí phê chuẩn quyết định bổ nhiệm ông. Tính thâm niên trong luật tòa án, Haddad nghiễm nhiên trở thành phó Chủ tịch tòa thượng thẩm. Ông được giao nhiệm vụ giám sát việc thi hành án tử hình đối với Saddam Hussein. Phóng viên báo Al-Sharq Al-Awsat đã có cuộc gặp gỡ với thẩm phán Haddad tại một cuộc họp báo của ông được tổ chức tại khách sạn Sheraton ở Arbil thuộc miền Bắc Iraq.
Mounir Sabri Haddad kể:
Tôi gặp Saddam Hussein nhiều lần khi tôi còn là thẩm phán điều tra. Lần đầu tiên tôi gặp Saddam Hussein khi thẩm vấn ông về vụ án trục xuất người Kurds Faili. Cuộc thẩm vấn kéo dài 4 tiếng rưỡi đồng hồ.
Trong cuộc thẩm vấn này, khi tôi hỏi tại sao ông lại trục xuất người Kurd và tàn sát người Kurd Faili, tôi cứ nghĩ rằng ông sẽ trả lời bởi vì họ không phải người Iraq.
Nhưng tôi rất bất ngờ khi Saddam nói rằng: "Người Kurd là một bộ phận của nhân dân tôi, một bộ phận của nhân dân Iraq. Tôi chưa bao giờ áp bức họ và cũng chưa bao giờ áp bức bất cứ ai. Tôi chống lại những người nào là kẻ thù của Iraq". Ông ta nói về chính trị nhiều hơn là nói về khía cạnh pháp lý của vấn đề.
Tôi được Tòa án và Chủ tịch phiên tòa Aref Abdul Razaq Shahin chọn làm người thi hành bản án. Vào đêm trước khi thi hành án, ông Shahin gọi điện thoại cho tôi từ thành phố Al-Suleimanyia thuộc vùng Kurdistan miền Bắc Iraq nói: "Anh là người thi hành bản án tử hình đối với Saddam Hussein. Đã có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng".
Thời gian thi hành án là thuộc thẩm quyền của cơ quan hành pháp, tức chính phủ. Luật pháp Iraq không cho phép thi hành án tử hình vào các ngày lễ và các dịp mang tính chất tôn giáo. Tuy nhiên, toàn quyền Mỹ cai quản Iraq lúc đó là Paul Bremer đã đình chỉ điều khoản quy định này.
Như vậy, không có điều khoản nào trong luật pháp Iraq cấm thi hành án tử hình vào ngày lễ nữa. Chính phủ đã chọn thời gian thi hành án vào ngày lễ Eid Al-Adha, một trong những ngày lễ lớn của người Hồi giáo và tôi đã đồng ý.
Saddam Hussein và cuốn kinh Koran.
Trước khi thi hành án ít phút, tôi gặp Saddam Hussein. Ông ta mặc chiếc áo bành tô màu đen khi bước vào phòng thi hành án, tay bị còng nhưng vẫn cầm cuốn kinh Koran bị cháy dở, dù đi bất cứ đâu ông cũng luôn cầm theo cuốn kinh Koran này. Tôi bảo ông ngồi xuống phía trước mặt tôi và tôi bắt đầu đọc to quyết định: Tòa án đã kết án tử hình ông bằng biện pháp treo cổ, dựa theo điều này, điều kia của bộ luật hình sự.
Tại sao cuốn kinh Koran lại bị cháy dở? Theo tôi được biết thì khi Saddam Hussein ẩn náu trong nhà hàng Al-Sa'a ở Baghdad, quân Mỹ đã ném bom nhà hàng này, cuốn Koran bị cháy một phần và ông đã thoát chết khi rời khỏi nhà hàng. Ông tin vào thánh Allah và coi cuốn kinh Koran này là lá bùa hộ mệnh đã cứu sống ông.
Tôi xin trở lại thời điểm tử hình Saddam Hussein. Khi tôi đọc quyết định của tòa án, Saddam Hussein đã hô to "Allahu Akbar" (Thánh Allah vĩ đại nhất) như ông thường nói trong các bài diễn văn manh tính chất chính trị trước đây. Tiếp theo, ông hô to nhiều lần: Bọn Ba Tư chết đi, bọn Mỹ chết đi, các ngươi là kẻ thù của Thánh Allah....
Saddam Hussein trong phiên tòa xét xử.
Ngay từ ngày đầu tiên, Saddam biết tôi là người Kurd Faili. Ông biết rõ tôi là ai. Tuy nhiên tôi muốn nói rằng giữa tôi và Saddam lúc đó là sự giao dịch mang tính chuyên môn và nghề nghiệp thuần tuý. Ông ta không hề dùng những lời lẽ nặng nề mang tính chất chất xúc phạm tôi. Thậm chí khi bước lên giá treo cổ, tôi thấy ông thực sự thoải mái và hài lòng về tôi. Băng ghi âm còn lưu giữ ở văn phòng Thủ tướng chứng tỏ điều này và có thể đưa ra công khai cho người dân Iraq biết.
Khi tôi đọc xong quyết định của tòa án thì một nhóm cảnh sát, trưởng công tố, thứ trưởng Bộ Tư pháp đã dẫn ông vào phòng thi hành án. Đây là căn phòng rộng rất lạnh. Khi chúng tôi mở còng tay thì xảy ra đấu khẩu giữa Saddam và ông Muwaffaq Al-Rubai'e, cố vấn an ninh quốc gia.
Saddam là người khởi đầu cuộc đấu khẩu, hỏi Al-Rubai'e: Anh có sợ tôi không? Al-Rubai'e trả lời: Tại sao tôi lại phải sợ anh? Anh là người sẽ phải chết chứ không phải tôi.
Cùng lúc đó có một vài cảnh sát hỏi: Tại sao ông lại gây biết bao đau khổ cho chúng tôi? Chúng ta là một dân tộc giàu có, nhiều tài nguyên, tại sao ông lại gây ra ngần ấy cuộc chiến tranh, tại sao? Saddam trả lời ông không gây chiến với bất cứ ai: Tôi chỉ chiến đấu chống lại kẻ thù của Iraq là người Ba Tư và Mỹ. Trước đây các anh là những người chân đất, không có giầy dép mà đi, không có sữa mà uống, tôi là người đã mang lại cuộc sống ấm no cho các anh, tôi đã làm cho các anh trở thành con người.
Tại đây, tôi phải can thiệp, yêu cầu tất cả mọi người giữ bình tĩnh, không nên kích động Saddam. Hình như tay Saddam bị trói quá chặt nên ông đề nghị nới lỏng ra đôi chút: Tôi là người đã già rồi, xương cốt dễ gãy nếu bị trói quá chặt.
Chúng tôi đã nới lỏng nút trói tay cho ông. Lúc này chúng tôi hỏi ông có dặn dò gì về cuốn kinh Koran ông đang cầm hay không thì ông nhờ trao lại cho luật sư Badr Awad Al-Bandar.
Tôi hỏi Saddam có dặn dò gì vợ con không và câu nói cuối cùng của ông trước khi bước lên bậc thang dẫn đến sợi dây treo cổ: Hãy để cho đứa con trai của tôi và những người này, người nọ được sống. Sau đó ông bước lên nơi đặt chiếc giá treo cổ một cách tự nhiên, không có bất cứ dấu hiệu do dự hoặc sợ hãi nào.
Tôi không thể nói Saddam là một người dũng cảm vì như vậy có thể gây kích động dư luận xã hội. Như vậy, sẽ là một vấn đề lớn. Và tôi cũng không thể nói rằng Saddam là một kẻ hèn nhát vì như vậy là nói dối, mà nói dối là điều cấm kỵ đối với tôi. Khi một người đã chết tức là họ đi đến ngôi nhà vĩnh viễn của mình. Thánh Allah sẽ tha thứ cho ông, cho tôi và cho tất cả chúng ta. Thẩm phán cũng như bất cứ ai khác cũng không thể nói dối. Nói dối là hết sức xấu xa.
Saddam không để ý nhiều đến cái chết, hoặc ông không nghĩ rằng ông sẽ chết trong một ngày nào đó để mà sợ. Ông bước lên giá treo cổ, chúng tôi đề nghị trùm lên đầu ông một cái túi màu đen cho đỡ sợ nhưng ông từ chối. Điều này chứng tỏ ông không sợ chết. Saddam là người rất am hiểu lịch sử. Tôi nghĩ rằng ông ấy rất muốn noi gương Abdul Karim Qasim, người đã từ chối bịt mắt khi cái gọi là Tòa án nhân dân thi hành án tử hình đối với ông.
Ảnh chụp màn hình cảnh Saddam Hussein bị tử hình. Ảnh: CNN
Saddam bước lên giá treo cổ. Người ta vừa đặt một chiếc thòng lọng vào cổ ông thì những viên cảnh sát hô to: Al-Sadr muôn năm! (Al-Sadr là một giáo sĩ thủ lĩnh của những người Hồi giáo theo dòng Shia).
Một cuộc tranh cãi đã xảy ra tại đây. Saddam đáp lại: Các người không xứng đáng là những người đàn ông thực thụ , hành động của các người không quân tử chút nào!
Sau khi kết thúc thi hành án, một quan chức của đảng Al-Dawa đã hô lớn: Mohammed Baqir Al-Sadr muôn năm.
Một số người hỏi tôi tại sao lại không để Saddam mặc quần áo màu đỏ là màu quần áo của tử tù? Tại sao lại để ông ta mặc quần áo dân sự như mọi người?
Tôi nói đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới đối với chúng tôi. Chúng tôi không nghĩ rằng Mỹ lại trao Saddam cho chúng tôi. Chúng tôi đã tiếp nhận ông ta vào phút chót sau các cuộc đàm phán khó khăn kéo dài. Ngoài ra còn có sự bất đồng giữa Tổng thống và Thủ tướng xung quanh vấn đề ai sẽ là người ra sắc lệnh phê duyệt án tử hình. Cuối cùng thì Tổng thống Jalal Talabani đã gửi công văn cho Thủ tướng Nour Al-Maliki nói rằng đây không thuộc thẩm quyền của Tổng thống (tôi vẫn còn giữa 1 bản copy).
Trong tình hình như vậy, Thủ tướng phải ban hành sắc lệnh.
14 quan chức có mặt tại buổi thi hành án, trong đó có Thứ trưởng Bộ Tư pháp, trưởng công tố và 14 khách mời từ văn phòng Thủ tướng Al-Maliki, Hội đồng Hạ viện và đảng Al-Dawa. Không có ai thuộc phe nhóm Al-Sadr tham dự. Tin đồn Al-Sadr có mặt trong buổi thi hành án là không đúng.
Saddam Hussein trong phiên tòa xét xử.
Tôi cảm thấy rất buồn vì đã phải thi hành bản án tử hình đối với Saddam Hussein. Tôi cũng không muốn bất cứ ai trên thế giới này phải chịu án tử hình, cá nhân tôi phản đối án tử hình. Nhưng trước những tội ác mà ông ta gây ra thì khi thi hành án tử hình tôi cho rằng đây là nghĩa vụ của mình.
Trong vụ án này, tôi là người thực hiện trách nhiệm của mình, tôi là một thẩm phán được tòa án giao nhiệm vụ thi hành bản án tử hình. Đây là nhiệm vụ của tôi. Nhưng thực lòng tôi không muốn giết bất cứ ai, tôi phản đối án tử hình.
Mới đây ông Rezgar Mohammed Amin, thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Saddam Hussein từ chức năm 2006 sau vài phiên xét xử, đã dành cho hãng thông tấn Nước Nga ngày nay RT một cuộc phỏng vấn hết sức thẳng thắn.
Ông cho biết, ông quyết định từ chức là do việc xét xử không công bằng, không dựa trên luật pháp Iraq cũng như luật pháp quốc tế, đồng thời ông luôn luôn bị sức ép từ phía chính phủ Iraq và chính quyền Mỹ.
Ông nói, nếu Saddam Hussein được xét xử tại tòa án hình sự quốc tế thì ông sẽ không bị án tử hình. Và nếu xử theo luật Iraq thì Saddam Hussein cũng không phải chịu án tử hình.
Thẩm phán Amin nói, phiên tòa không được truyền hình trực tiếp mà phải qua người Mỹ ngồi phòng bên cạnh kiểm duyệt, cắt bỏ các đoạn Saddam Hussein nói về những vấn đề mà Mỹ không thích.
Toà án hình sự tối cao Iraq thông qua bản án tử hình đối với Saddam Hussein ngày 26/10/2006, theo luật Iraq thì bản án phải được thi hành trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên chính phủ đã không chờ đến cuối thời hạn cho phép mà ra lệnh tử hình ông ngay 4 ngày sau, tức là vào ngày 30/10 cùng năm.
Ngày đó lại là ngày đầu tiên của lễ Al- Edha thiêng liêng của đạo Hồi. Luật Iraq cấm tử hình bất cứ người nào vào những ngày lễ tôn giáo và dịp quốc khánh, nhưng chính phủ Iraq và Mỹ đã không tôn trọng điều này. Ông Amin cho rằng việc tử hình Saddam Hussein là một sự trả thù.