Hôm 14-9, đài BBC đưa tin CIA gần đây tiết lộ chi tiết các nhiệm vụ gián điệp bí mật của họ thời chiến tranh lạnh.
Động vật đầu tiên được nhắc tới là chim bồ câu. CIA sử dụng "gián điệp" này để chụp ảnh những địa điểm nhạy cảm bên trong lãnh thổ Liên Xô.
Tại trụ sở của CIA ở Langley, bang Virginia – Mỹ, có một bảo tàng không mở cửa cho công chúng. Ở đó, một con chim bồ câu gắn máy ảnh được đem ra trưng bày. Theo hồ sơ mới tiết lộ, CIA dùng chim bồ câu trong hoạt động có tên mã "Tacana" vào những năm 1970. Chúng được gắn những chiếc máy ảnh tí hon với khả năng chụp ảnh tự động.
Hồi Thế chiến thứ hai, một nhánh thuộc tình báo Anh là MI14 cũng sử dụng chim bồ câu để thu thập thông tin chi tiết về các vị trí phóng tên lửa và trạm radar của Đức.
Ngoài chim bồ câu, CIA còn huấn luyện một con quạ lấy những vật nhỏ có trọng lượng lên tới 40g từ bệ cửa sổ. Họ chiếu tia laser để đánh dấu mục tiêu và một chiếc đèn đặc biệt kéo con chim trở lại.
Trước đó, một hoạt động do CIA tiến hành được gọi là "Acoustic Kitty" liên quan đến việc đặt thiết bị nghe lén trên một con mèo. Vào những năm 1960, CIA cũng dùng cá heo để thực hiện các nhiệm vụ dưới nước. Năm 1967, CIA đã chi hơn 600.000 USD cho 3 chương trình liên quan đến cá heo, chim, chó và mèo. Trong đó, chim bồ câu tỏ ra hiệu quả nhất và đến giữa thập niên 1970, CIA bắt đầu thực hiện một loạt nhiệm vụ mang tính thử nghiệm.
Chim bồ câu được gắn máy ảnh trị giá 2.000 USD, nặng 35g kết hợp với đai dưới 5g. Các thử nghiệm cho thấy khoảng một nửa trong số 140 bức ảnh thu được có chất lượng tốt.
Còn cá heo được CIA huấn luyện để thay thế thợ lặn đặt chất nổ trên các tàu đang neo đậu hoặc di chuyển, lẻn vào các bến cảng của Liên Xô và để lại thiết bị phát hiện tên lửa hoặc thu thập thông tin từ tàu ngầm.