Thế giới năm 2017 bất an, bất ổn hơn năm trước, có nhiều diễn biến và cả đột biến khiến lo ngại chung không chỉ không vô cớ mà còn sâu sắc hơn. Dù vậy vẫn có cả những tích cực giúp hy vọng không hoàn toàn bị tiêu tan.
Căng thẳng Trung Đông
Chiến tranh và nội chiến, xung đột và bạo lực, căng thẳng và đối đầu ở khu vực Trung Đông, vùng Vịnh và Đông Bắc Á, cũng như khủng bố ở nhiều nơi trên lục địa Châu Âu chế ngự tình hình chính trị an ninh của thế giới. Những chuyện này không mới nảy sinh trong năm 2017 mà đã dai dẳng từ nhiều năm trước. Cuộc chiến tranh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria, chuyện huynh đệ tương tàn ở hai nước này và ở Yemen đã có những diễn biến mang tính bước ngoặt mới, nhưng vẫn còn cách xa tình trạng được coi là thật sự đã kết thúc.
Iraq, Nga và Iran đã tuyên cáo IS bị đánh bại. Nhưng thông tin tốt lành này chỉ có thể lâu bền khi tiếp theo sau phải là giải pháp chính trị cho tương lai của Iraq và Syria, cũng như đối sách thích hợp đối phó với tàn dư của IS ở khu vực và trên thế giới.
Giữa Israel và Palestine không chỉ tiếp tục trì trệ và bế tắc trong tiến trình hoà bình và hoà giải, mà tình hình nhiều khả năng còn trở nên phức tạp và bi quan hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dịch chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem.
Sự hoà giải giữa Hamas và Fatah, quyết định của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine độc lập, và nghị quyết mới đây của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bác bỏ quyết sách mới nói trên của ông Donald Trump là những động thái tích cực và đáng khích lệ.
Khu vực Trung Đông và vùng Vịnh đặc biệt sôi động trong năm qua còn bởi hiềm khích giữa Saudi Arabia và Iran, bởi cuộc chiến chính trị và ngoại giao mà Saudi Arabia cùng một số đồng minh đã phát động chống Qatar.
Nóng bỏng Đông Bắc Á
Khu vực Đông Bắc Á là điểm nóng nhất về chính trị an ninh của thế giới trong năm qua. Triều Tiên đã chứng tỏ không chỉ tiếp tục tiến mà còn đã tiến được rất xa trong việc theo đuổi phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa.
Chưa bao giờ kể từ khi bùng phát vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên (năm 2006) đến nay, nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự và tái diễn chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên lại thực tế như trong năm qua.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và việc tìm kiếm giải pháp trở nên khó khăn hơn. Những bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp là Hàn Quốc và Trung Quốc, Nhật Bản và Nga cũng như Liên Hợp Quốc đều bị đẩy vào tình thế thêm khó xử. Vì thế, nơi đây vẫn sẽ còn tiếp tục như vậy trong năm tới.
Khủng bố ở Châu Âu, bạo lực ở Mỹ, xung đột sắc tộc và tôn giáo cũng như bất ổn định chính trị quyền lực ở một số quốc gia tại nhiều khu vực trên thế giới tô đậm gam màu xám trên bức tranh về tình hình thế giới trong năm qua. Đáng để lo ngại sâu sắc vì chiều hướng này vẫn sẽ còn tiếp tục trong năm tới, cho dù với mức độ có thể khác.
“Nước Mỹ trên hết”
Thế giới năm qua sôi động còn bởi những quyết sách với tác động đảo lộn thực trạng của chính quyền mới ở Mỹ với Tổng thống Donald Trump. Khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và hạn chế sự can dự của Mỹ ở thế giới bên ngoài trong khi sẵn sàng hành động thái quá với sức mạnh quân sự đã vừa làm suy giảm vị thế và ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, vừa thách thức những mưu tính lợi ích chiến lược của chính quyền mới ở Mỹ đối với các khu vực trên thế giới.
Rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris của Liên Hợp Quốc về bảo vệ khí hậu trái đất và Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại thoả thuận về Khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico (NAFTA) cũng như ngừng đàm phán với EU về Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương về thương mại và đầu tư (TTIP), giảm đóng góp tài chính cho hoạt động của Liên Hợp Quốc và rút ra khỏi tổ chức UNESCO, lật ngược thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, ông Donald Trump đã dùng đối ngoại để phục vụ đối nội, chứng tỏ kiên định thực hiện cam kết tranh cử và đề cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”, nhưng tự làm cho nước Mỹ bị cô lập trên thế giới và đẩy các đối tác của Mỹ dịch chuyển thiên lệch về phía các đối thủ và địch thủ của Mỹ.
Cục diện quan hệ giữa các nước lớn vì thế cũng đã bắt đầu thay đổi theo chiều hướng bất lợi nhiều hơn là có lợi cho nước Mỹ với tác động và hệ luỵ khôn lường cho thời gian tới.
Kinh tế và thương mại là điểm sáng trên bức tranh về thế giới năm qua với mức tăng trưởng tuy chưa được thật sự cao và bền vững, nhưng cũng đã liên tục và ngày càng thêm đồng đều, cân bằng giữa các khu vực và nền kinh tế. Khủng hoảng tài chính và nợ công đã bị đẩy lùi. Biến động lớn về tiền tệ đã được ngăn chặn. Xu thế mậu dịch tự do và hợp tác, liên kết khu vực, châu lục và liên châu lục vẫn được tăng cường.