Lời nói đầu:
Những kẻ bị bệnh ấu dâm thường chỉ thích những trẻ em chưa dậy thì; nhưng đối với hầu hết những kẻ dâm ô bệnh hoạn, thì vấn đề chẳng phải là ngoại hình hay lứa tuổi nạn nhân, mà chỉ là khả năng tấn công và kiểm soát được nạn nhân mà thôi.
Cho nên, nạn nhân trẻ em có thể là bất kỳ ai: Nam hoặc nữ, mới sinh, chập chững biết đi, mới đi học, hoặc ở tuổi teen. Không một trẻ em nào có thể là ngoại lệ, là miễn nhiễm!
Hoàn cảnh đau đớn của các bé trong Nhà trải khắp cả nước nhưng đa phần là ở những địa phương nghèo khó, heo hút, vùng sâu vùng xa của các tỉnh Tây Ninh, Đắc Lắc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau và một số tỉnh ngoài Bắc...
Có những túp lều ở tận vùng sâu của vùng sâu, con đường vào ngoằn ngoèo qua những cánh đồng, khu vườn rậm rạp vắng vẻ tiếp nối nhau không dứt...
Chỉ vài trăm cây số từ trung tâm đô thị lớn nhất nước chứ có bao nhiêu đâu, nhưng cảm giác thăm thẳm diệu vợi hụt hẫng cứ như lọt vào không gian trước nhiều thế kỷ.
Cha mẹ các bé thường ít học, nhận thức kém, lười biếng, hoặc người cha rượu chè, thất nghiệp, người mẹ hiền lành nhu nhược. Nền tảng giáo dục và đạo đức hầu như không có. Sự tối tăm đè dí họ xuống, từ đời này sang đời khác.
Nhiều người còn không biết chữ dù chỉ trong độ tuổi ba mươi, phải in vân tay khi ký vào biên bản đồng ý giao con cho Nhà nuôi dưỡng.
Ngôi nhà tại Hà Nội của một bé được cứu. Hầu hết các trường hợp bị phát hiện là ở những gia đình nghèo khổ, thất nghiệp và/ hoặc nghiện rượu và do hàng xóm tình cờ phát giác. Nhưng sự kỳ thị, thậm chí dè bỉu cợt nhả của một số người còn gây ra cho các bé những vết thương tinh thần lớn hơn.
"Con không biết thịt cá có ăn được không"
Có trường hợp hai chị em ruột, đến bữa ăn cứ nhìn đĩa thịt đĩa cá chằm chằm nhưng không ăn. Suốt hai ngày như thế. Hỏi kỹ mới biết chúng không biết đó là thứ gì.
"Tôi gọi điện thoại về hỏi hoài mới biết nhà chúng nghèo đến mức nấu cơm ra chỉ hòa nước lạnh pha muối chan vô ăn" - Dì quản lý bùi ngùi kể.
Các bé được dẫn đi chơi Thảo cầm viên. Mỗi năm các bé đều được một hai chuyến đi chơi xa và thỉnh thoảng "du lịch" gần, như thế này.
Cuối cùng, hai chị em cũng biết đến vị thịt cá. Nhưng có lẽ ăn cơm với nước lạnh pha muối đã thành thói quen khó bỏ.
Suốt ba bốn năm ở trong Nhà, mặc dù được ăn uống rất đúng giờ và đầy đủ dinh dưỡng, nhưng đều đặn cứ khoảng ba bốn tháng một lần chúng lại xin được ăn một bữa ăn cơm với nước lạnh.
Nhưng khác với Dì quản lý, tôi không nghĩ là nhà bé nghèo đến mức mạt như vậy. Bằng chứng là cả hai bé bị xâm hại trong một lần bạn của người cha đến nhà rủ nhậu. Có thói quen nhậu đâu phải là quá đói ăn.
Lúc đó cha mẹ đi vắng. Gã bạn đưa tiền kêu bé Chị đi mua rượu. Ở nhà, hắn kéo bé Em vào buồng. Lúc đó bé mới sáu hay bảy tuổi.
Bé Chị mua rượu về nghe tiếng em khóc trong nhà thì hốt hoảng gọi cửa. Hắn đuổi bé Em ra, lôi bé Chị vào hành hạ tiếp.
Cứ thế đến tận mấy lần. Chỉ khi người trong xóm bắt gặp và báo công an, cha mẹ hai bé mới hay.
"Lúc được đón về, cả hai bé đuổi ruồi không bay. Chúng cứ đờ đẫn ra. Nhìn thần thái nó chúng tôi phát sợ" - Dì quản lý kể tiếp.
Chỉ có những tên "ác quỷ" mặt người dạ thú mới nỡ hại những "thiên thần nhỏ" đáng yêu như thế này.
Đòi mua rượu uống
Cũng trường hợp hai chị em ruột, ở một Mái ấm khác. Hai bé bị chính cha dượng xâm hại lúc Em bảy tuổi, Chị chín tuổi.
Người mẹ báo công an, tên đàn ông bị bắt, xử tù chung thân. Nhưng sau đó người mẹ bị bệnh qua đời. Hai đứa trẻ về với bà ngoại, nằm sâu trong một cánh đồng ở tỉnh H.
"Hai đứa cứ ngồi trên ghế lắc lư người qua lại liên tục hàng tiếng đồng hồ không biết mệt. Rồi đứng trước cửa nhà, thấy đàn ông là giơ tay vẫy.
Chí (chấy) sinh như giòi, tiêu tiểu đi thẳng trong quần, dạy mãi không biết xài WC. Kêu mắc tè, mắc ị nhưng cứ dắt vô là chúng nín, chờ mãi không được lại phải dắt ra".
Về Mái ấm, bé hành xử rất kỳ lạ: Cứ đến bữa cơm là đòi nhân viên mua rượu uống. Hỏi lý do, bé nói má đi làm mướn cả ngày, ở nhà chỉ có ba cha con, ba con kêu đi mua rượu về cha con nhậu với nhau.
Ở đó, giữa đồng không mông quạnh, cơn thú tính được rượu tiếp tay đã nổi lên.
Bị dụ dỗ và xâm hại vào lúc còn quá non nớt, các bé chịu những chấn động về tinh thần khiến chúng biến đổi cả hành vi.
Đòi xem phim có người lớn hôn nhau
Bé Thủy Tiên, bị xâm hại lúc mới 5 tuổi - cái tuổi mà con bạn còn phải bê tô cơm chạy theo xúc từng muỗng vào miệng. Lúc đưa về Nhà, bé mới sáu tuổi.
Nhưng suốt một năm đầu tiên, vào giờ giải trí được cho xem phim hoạt hình thì bé không chịu. Bé nằng nặc đòi mở "phim người lớn mà có hai người hôn nhau" cơ!
Thì ra là khi cha chết, mẹ bé dẫn con lên đô thị, thuê phòng trọ ở. Mẹ đi làm thuê làm mướn suốt ngày, bé chạy chơi loăng quăng lí lắc như con chuột nhắt.
Cháu của chủ phòng trọ cũng ở một phòng trong đó, mới 17, 18 tuổi. Mỗi lần dụ con bé vào để thực hiện hành vi tính dục, nó đều mở phim XXX cho bé xem để kích thích.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, theo khảo sát của các tổ chức phi chính phủ tại 3 trường học của Hà Nội thì có đến 11% học sinh bị xâm hại tình dục.
Đặc biệt, đối tượng sử dụng mạng xã hội, diễn đàn Internet, nhắn tin trực tuyến để phạm tội ngày càng tinh vi. Các phụ huynh thường xuyên đăng tải hình ảnh con cái, trẻ em lên mạng xã hội mà không lường được con em mình có thể trở thành mục tiêu của loại tội phạm này.
Cô bé không thể chữa lành
Bé Ngọc Lan thì khác hẳn. Bé được đi học, được đi học thêm ở nhà thầy giáo. Những lúc không đón kịp, mẹ bé gửi con luôn cho thầy nhờ coi hộ. Vị thầy giáo "đáng kính" hãm hại bé lúc 14 tuổi. Rồi đến hàng xóm.
Đau lòng nhất là khi biết chuyện, gia đình bé vẫn không tố cáo mà nín nhịn chịu đựng. Họ sợ ở trong làng mà "làm lớn chuyện" thì khó xử với hàng xóm láng giềng, mặc dù chính một người hàng xóm vô lương tâm đã làm hại đời con họ!
Bé Lan vào Nhà được một hai năm thì bị bệnh nặng. Bác sĩ nói do trước đó em đã bị viêm não Nhật Bản, hệ thần kinh vốn đã tổn thương, sau lại bị stress nặng và kéo dài nên bùng phát.
Em phát cuồng, tự xé quần áo, cầm dao đâm tất cả những ai lại gần.
Sau khi bị xâm hại, những biểu hiện bất thường trong hành vi và tâm lý của các bé không phải ít. Mời bạn đọc một đoạn trong nhật ký của người nuôi dưỡng về một cô bé khác - bé Tuyết: "Bé không được bình thường ngay từ giây phút bước chân vào Nhà.
Nếu bé có thái độ e ấp ngại ngùng hoặc sợ hãi khi đến một môi trường mới lạ thì không nói gì, đằng này bé cứ cười với hết mọi người, thậm chí còn kéo tay vài chị chạy khắp các phòng cứ như thể bé là chủ nhà đang dẫn các chị đi xem nhà vậy…
Bé Tuyết lúc mới được phát hiện bị xâm hại và cứu vào Nhà.
Nói thật là tôi không chuẩn bị tinh thần cho điều này, vì thế không những tôi mà cả nhà đều thấy nản lòng. (...) Bé năm nay 12 tuổi, hoàn cảnh khó khăn nên bé được đưa vào một mái ấm, tại đây bé bị xâm hại.
Mẹ bé lại đem con về nhà em trai xin trú ngụ. Tại đây bé lại bị chính cậu ruột của mình xâm hại lần nữa.
Những khổ nạn trên đã làm cho tâm thần bé hoảng loạn bất ổn. Hoàn cảnh khó khăn quá, bé chỉ đi học trường tình thương nhưng cũng không học được bao nhiêu, mọi cái đều khi quên khi nhớ. Tất cả đều bế tắc.
Bé không biết cách tự lo cho mình, lúc nào cũng lơ ngơ lác ngác, nói bậy nói bạ và nói tục rất nhiều khiến cả nhà nghe mà thấy ớn lạnh. Nhưng dần dần cũng dạy được phần nào.
Chúng tôi quyết định gửi bé đến trường mặc dù chỉ được học chui, học dự thính mà thôi. Được đi học bé mừng lắm, nhưng ngày đầu tiên bé đã bị bạn bè trêu chọc là “con khùng”, cô giáo cũng lắc đầu hoài.
Cả nhà cứ dặn bé là chỉ được cười những lúc đáng cười thôi nhé không thì người ta lại chọc ghẹo đó. Vâng vâng dạ dạ rồi đâu lại vào đấy".
LTS: Xâm hại tình dục trẻ em đang là "bóng ma" gieo rắc nỗi sợ hãi lên nhiều mái ấm khi mà mỗi ngày lại có thêm những con "ác quỷ" lạm dụng, quấy rối trẻ em bị phanh phui, bị đưa ra xét xử. Thế nhưng...
Không ai trong chúng ta trả lời được câu hỏi: Thủ phạm lạm dụng trẻ em phải chịu hình phạt thế nào mới là xứng đáng.
Không ai trong chúng ta có thể cảm nhận được hết những tổn thương mà các em phải chịu đựng.
Không sự trả giá nào là đủ để bù đắp những gì mà các em phải trải qua.
Chính vì vậy, điều cần thiết là các bậc cha mẹ phải luôn để ý và nhạy cảm với những thay đổi hành vi, cảm xúc hàng ngày ở con mình. Hãy nhớ rằng: Không một ai quan tâm đến sự an toàn của con bạn bằng chính bạn! Đừng im lặng - Hãy chia sẻ bài viết này tới những người bạn mà quan tâm, hãy nói lên quan điểm của bạn bằng cách bình luận ngay dưới bài viết hoặc gửi thư về địa chỉ: [email protected].
* Tên nhân vật đã được thay đổi
(Còn tiếp)