Mỗi chúng ta đều hiểu những tác hại to lớn về tâm lý mà bạo lực học đường để lại. Nhưng có bao giờ chúng ta tìm hiểu sâu xa gốc rễ vấn đề? Thực tế cho thấy, đa số những đứa trẻ bị bắt nạt đều có một điểm chung liên quan đến cách nuôi dạy của gia đình.
Khi thấy con đi học bị bắt nạt, nhiều cha mẹ không chịu tìm hiểu nguyên nhân mà đã vội phán xét: "Tại sao bạn không bắt nạt người khác mà chỉ bắt nạt con? Có phải trông con quá yếu đuối?" hay "Tay của con chỉ để trang trí à? Con không dám đánh lại à?"… Những câu nói thể hiện rõ sự châm biếm khiến trẻ rơi vào trạng thái tổn thương nặng nề.
Việc cha mẹ luôn có những câu nói đả kích sẽ khiến con càng cảm thấy tự ti, thu mình lại, dẫn đến tình trạng bạo lực trở nên trầm trọng hơn. (Ảnh minh họa)
Khi trẻ chia sẻ vấn đề tiêu cực đang gặp phải, trẻ rất muốn được cha mẹ đồng cảm, thấu hiểu và đưa ra phương án giải quyết. Nhưng trong mắt nhiều bậc phụ huynh, họ coi con là những đứa trẻ nhút nhát, yếu kém mới dễ bị bắt nạt. Và cách làm của họ là châm biếm với mong muốn con sẽ vùng lên chống trả, trở nên dũng cảm hơn.
Tuy nhiên, cách làm này là sai lầm, càng khiến trẻ trở nên nhút nhát, tự ti và mặc cảm. Từ đó biến trẻ thành mục tiêu bị bắt nạt. Vậy khi con trở thành nạn nhân bị bạo hành, cha mẹ nên giải quyết như thế nào? Hãy tham khảo một số phương pháp dưới đây sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều!
1. Cố gắng kiểm soát cảm xúc
Khi biết con bị bắt nạt ở trường, cha mẹ nào cũng bức xúc và mất bình tĩnh. Điều đó là hoàn toàn tự nhiên, thuận với bản năng làm cha mẹ là yêu thương, lo lắng và muốn bảo vệ con. Tuy nhiên, cha mẹ hãy cố gắng tỉnh táo, kiểm soát cảm xúc và suy xét vấn đề để đưa ra biện pháp giúp đỡ tốt nhất.
2. Kiên nhẫn trò chuyện với con
Phụ huynh hãy cố gắng nói chuyện nhẹ nhàng với con trên tinh thần là bạn. Lúc này, con đang trong trạng thái hoảng loạn, vì vậy bạn cần tỏ ra mình là một người đáng tin cậy, sẵn sàng bảo vệ con. Đồng thời cần động viên và khích lệ con.
Trách mắng, tức giận chỉ càng khiến trẻ thu mình lại hơn. Từ từ gợi mở, kiên nhẫn chờ đợi để trẻ kể lại câu chuyện là việc cha mẹ cần làm lúc này. Sự lắng nghe của cha mẹ cũng là cách đang tôn trọng trẻ và thấu hiểu cảm nhận của trẻ trước vấn đề này.
Khi con bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ cần cố gắng trò chuyện để con sẵn sàng chia sẻ vấn đề đang gặp phải. (Ảnh minh họa)
3. Trao đổi với giáo viên
Tùy từng hoàn cảnh mà cha mẹ có thể trao đổi với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để họ lưu ý tới tình trạng của con mình. Nếu trẻ bị bạn xấu bắt nạt ở trường, các giáo viên có thể can thiệp và giúp đỡ kịp thời.
Hoặc cha mẹ có thể gặp trực tiếp phụ huynh của trẻ bắt nạt con mình để tìm hiểu, trò chuyện nhằm giúp 2 gia đình cùng nhau đưa ra phương án thích hợp. Tránh vội vàng suy nghĩ đến việc chuyển lớp, chuyển trường cho con vì như vậy không phải là cách giải quyết gốc rễ vấn đề. Ngoài ra, nhờ sự tư vấn của chuyên gia tâm lý để hiểu hơn về vai trò của cha mẹ lúc này cũng như cách đồng hành cùng con vượt qua tổn thương cũng là việc nên làm.
3. Khuyến khích con tự tin, đối diện với thực tế
Để tránh việc trẻ bị bắt nạt, cha mẹ hãy giúp con mình tự tin hơn trong môi trường học tập. Hãy khuyến khích con kết bạn, hòa đồng với các bạn trong lớp, trong trường để trẻ không cảm thấy bị cô độc.
Hơn nữa, cha mẹ hãy giúp con hiểu được tầm quan trọng của việc luôn đi cùng bạn bè sẽ tăng khả năng an toàn, giảm bớt cơ hội bị bạo lực hay trêu chọc. Hãy khuyến khích con chia sẻ, tâm sự thông qua công việc giúp đỡ bạn bè và người thân. Đồng thời, phụ huynh cần cổ vũ con tham gia các hoạt động ngoại khóa để trẻ nhận thức và ứng biến tốt nhất trước những tình huống phát sinh.
Ảnh minh họa.
4. Dạy con tự vệ
Các bậc cha mẹ có thể hướng dẫn con những kỹ năng sống đơn giản như hô to, ra dấu hiệu kêu cứu cho người lớn ở gần nếu bản thân đang gặp nguy hiểm. Chắc chắn khi nghe tiếng kêu cứu từ một học sinh, những người xung quanh sẽ giúp kịp thời, giải thoát trẻ khỏi tình huống xấu.
Bên cạnh đó, hãy nhắc nhở trẻ nên đứng ở những nơi đông người. Nên hạn chế đi vào góc khuất hoặc nhận lời "gặp riêng" vì như thế sẽ tạo điều kiện cho người xấu bắt nạt.