Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN, tổng số tiền thu phí sử dụng đường bộ năm 2018 tại 57 dự án BOT với 63 trạm thu phí trong năm 2018 là hơn 12.192 tỉ đồng, lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2018 là hơn 47.442 tỉ đồng.
Trong số 57 dự án BOT, dự án có doanh thu lớn nhất trong năm 2018 là mở rộng QL51 với 730 tỷ đồng, dự án đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đứng thứ hai với doanh thu trên 700 tỷ đồng.
Dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới đứng thứ ba với 590 tỷ đồng, dự án cải tạo, nâng cấp QL1 Hà Nội - Bắc Giang đứng thứ tư với trên 460 tỷ đồng, dự án mở rộng QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai đứng thứ 5 với 340 tỉ đồng...
Dự án có doanh thu thấp nhất là đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới với gần 23 tỷ đồng, dự án xây dựng cầu Việt Trì mới (cầu Hạc Trì) với 63 tỷ đồng.
Doanh thu của 57 dự án BOT giao thông nói trên chưa bao gồm các dự án đường cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam và cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, hiện nay Tổng cục Đường bộ đang giám sát các trạm thu phí theo định kỳ hoặc đột xuất bằng cách tổ chức các đoàn giám sát để so sánh doanh thu trong những ngày giám sát so với trước đó hoặc kiểm tra xác suất thông qua dữ liệu lưu trữ của trạm thu phí.
"Để giám sát chặt chẽ doanh thu, hiện Tổng cục Đường bộ đang triển khai dự án giám sát và khai thác dữ liệu các trạm thu phí cả một dừng và không dừng.
Dữ liệu tại các trạm thu phí sẽ truyền trực tuyến về Tổng cục Đường bộ. Trong tháng 2/2019, dự án sẽ thí điểm trước tại 3 trạm thu phí trước khi nhân rộng ra toàn bộ các trạm thu phí trên cả nước", ông Toàn cho biết.