Mới đây, trên mạng xã hội Lotus.vn xuất hiện bài viết của nhà văn Hoàng Anh Tú với tựa đề: "Tôi vẫn tin, những ngày sau đây mọi thứ sẽ còn tốt hơn nữa".
Bài viết là những dòng tưởng tượng đầy tốt đẹp của một nhà văn vốn đã có tiếng trong lòng nhiều tầng lớp độc giả, dù vậy, nhờ sự bám sát sâu của anh với thời cuộc, chúng ta vẫn sẽ cảm nhận thấy các điều "tưởng tượng" của anh là có cơ sở.
Bài viết sau đó được chia sẻ trong Group Covid-19: Bình tĩnh sống và được đông đảo người dùng đón nhận. Chúng tôi xin đăng tải bài viết này để độc giả tiện theo dõi.
HÀ NỘI, THÁNG 9 NĂM 2020,
Hôm trước, cả nước vừa mừng sinh nhật Tổ Quốc tưng bừng trên mạng xã hội. Hơn 40 triệu tài khoản Facebook treo cờ Tổ Quốc bằng cách thay avata cá nhân.
Dịch Covid-19 đã khiến người Việt xích lại gần nhau nhiều hơn trên mạng xã hội dù giãn cách xã hội ngoài đời thực vẫn được áp dụng.
Hôm qua, tôi cũng nhận được thư mời của lực lượng An Ninh Mạng tham gia vào một cuộc mít-tinh online để cùng truyền đi một thông điệp: "Chúng tôi giám sát và bảo vệ dấu chân trên mạng của con em quý vị".
Là một nhà báo quan tâm đến việc bảo vệ trẻ em, tôi rất thích thú với ý tưởng này. Hệ thống an ninh mạng Việt Nam đang phát triển vượt bậc sau 9 tháng chiến đấu với dịch Covid-19, ngăn chặn và tiêu diệt tin giả.
Giờ đây, tin giả đã gần như lỗi thời khi mà kiến thức của người dân đã tăng lên nhiều cũng như lực lượng An Ninh Mạng đã được bổ sung bằng hàng ngàn sinh viên công nghệ thông tin tình nguyện.
Giống như công nghệ nhận diện khuôn mặt, Việt Nam đã phát triển hệ thống nhận diện tin giả và xử lý tin giả. Công nghệ mới này giờ đã được áp dụng cho việc bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet.
Nhất là khi lũ trẻ của chúng ta sau một thời gian dài học online đã và đang tham gia trên môi trường Internet. Mỗi cú click chuột của lũ trẻ đều được bảo vệ và cả bảo mật bởi công nghệ nhận diện người dùng dưới 18 tuổi.
Mọi hành vi có nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ em đều đã bị kiểm soát và giám sát 24/7 bằng công nghệ AI. Nó đặc biệt hữu dụng khi trẻ sử dụng hệ thống trình duyệt Make in Vietnam hay những thiết bị đầu cuối Made in Vietnam từ các nhà sản xuất B-Phone hay Vinsmart.
Dịch Covid-19 đã giúp các máy điện thoại B-Phone và Vinsmart đều phát triển những ứng dụng cho phép kiểm soát nhiệt độ cơ thể qua ngón tay, dự đoán chính xác tình trạng sức khoẻ của người dùng. Mỗi chiếc điện thoại đều đã có thể làm tốt hơn việc báo cáo y tế giúp phát hiện và cách ly người nghi nhiễm nCoV thường trực hơn.
Các chuyên gia công nghệ Việt Nam còn cho biết họ đang nghiên cứu và phát triển những ứng dụng độc quyền dành cho người Việt phát triển từ Big Data cho phép phân tích cảm xúc người dùng. Thông qua việc người dùng xem gì, cảm xúc thế nào, lực, nhịp click vào các trang báo trên mạng… để cho ra các báo cáo chỉ số EQ của người dùng.
Các công ty công nghệ Việt cho rằng việc đo cảm xúc người dùng sẽ giúp phát triển một hệ thống marketing chuẩn xác hơn đồng thời giúp ngăn chặn các cảm xúc tiêu cực, điều hướng cảm xúc tích cực.
Covid-19 giúp công nghệ Việt tiến xa hơn nữa trong việc góp tay cùng hệ thống y tế, tạo nền tảng cho bất cứ một dịch giã nào có thể xuất hiện trong tương lai.
Lễ khai giảng tháng 9 năm nay tưởng không thể diễn ra do việc học tập bị đình trệ trong suốt hồi đầu năm nhưng rồi năm học mới vẫn sẽ được bắt đầu từ tháng 9. Là bởi học sinh Việt đã trải qua một kỳ thi online nghiêm túc, tối giản nhưng lại chính xác khi mà đề thi đều được tập trung vào đánh giá năng lực nghiên cứu của học sinh thay vì khả năng ghi nhớ bài học.
Bộ quy chuẩn đánh giá năng lực và kiến thức của học sinh đã thay đổi mạnh mẽ sau cơn đại dịch. Cũng nhờ đại dịch, Bộ Giáo Dục Đào Tạo đã trở thành cơ quan đi đầu trong cách mạng 4.0.
Nền giáo dục Việt Nam đã thay đổi tận gốc trong việc giáo dục từ xa, đánh giá học sinh chính xác chứ không còn kiểu "học tài thi phận" nữa. Mỗi cha mẹ cũng đã được huấn luyện để trở thành một giáo viên cho chính con em mình sau nhiều tháng học trực tuyến cùng con.
Cũng từ việc cha mẹ tham gia cùng đã giúp giáo dục Việt Nam tăng cường thêm nhiều bộ môn mới như kỹ năng làm việc nhà, nấu ăn cùng con hay trở thành bác sỹ tâm lý cho chính con mình.
Lễ khai giảng năm nay vẫn không tổ chức tập trung dù đã qua dịch Covid-19 mà thay vào đó, một lễ khai giảng trực tuyến. Việc tổ chức lễ khai giảng trực tuyến tiết kiệm được cả ngàn tỷ để xây dựng các phòng máy cho học sinh vùng sâu vùng xa, giúp việc tiếp cận giáo viên giỏi thực sự đến đông đảo học sinh hơn.
Giờ đây, học sinh có thể tự lựa chọn giáo viên cho mình thông qua một cái click chuột. Một giáo viên giỏi có thể truyền thụ kiến thức đồng thời đến 1 triệu học sinh. Chính học sinh cũng có thể lựa chọn chương trình học cho mình theo định hướng nghề nghiệp sau này. Nhà trường ngoài việc dạy học tập trung còn phát triển các khoá học từ xa giúp tăng cường kiến thức.
Bạn sẽ không ngạc nhiên khi mà nhiều học sinh 15 tuổi nhưng đang học Đại Học và có những học sinh 15 tuổi lại chỉ học lớp 5. Nhưng hãy yên tâm rằng dù thế nào, tất cả con em của quý vị đều hoàn thành chương trình học nhờ bộ đánh giá năng lực và kiến thức học sinh do Bộ Giáo Dục đưa ra.
Ngoài đường phố, tháng 9 năm 2020, đã thay đổi rất nhiều sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã hồi phục nhờ những gói hỗ trợ của chính phủ được thiết kế riêng cho mỗi ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ. Miễn là sản phẩm tốt, dịch vụ tốt đều được hỗ trợ tối đa. Các doanh nghiệp làm ăn lởm khởm gian dối đều đã chết đi cùng với con virus nCoV.
Ngành du lịch được lợi từ thương hiệu "Điểm đến an toàn" của Việt Nam. Hoạt động du lịch không chỉ tập trung tại các thành phố lớn mà trải dài khắp nước Việt nhờ việc biết sử dụng Internet trong truyền thông. Mỗi công dân Việt Nam đều trở thành một đại sứ du lịch khi chia sẻ những hình ảnh đẹp của đất nước trên mạng xã hội toàn cầu.
Việc chiến thắng đại dịch Covid-19 giúp Việt Nam nổi lên trong nhiều bảng xếp hạng tìm kiếm. Tất nhiên, cả thế giới đã hết dịch nên chúng ta chẳng cần phải lo lắng với khách du lịch rồi. Thậm chí Việt Nam còn xuất khẩu y tế đóng góp nhiều tỷ đô cho ngân sách.
Tháng 9 năm 2020, đường phố cũng đã được chỉnh trang theo sáng kiến của bà Thái Hương, chủ tịch TH True Milk hồi tháng 4/2020 với việc tặng cây xanh cho thành phố. Trong suốt thời gian cách ly xã hội, đường phố đã được trồng thêm hàng triệu cây xanh mới.
Thói quen được tạo ra sau đợt cách ly xã hội khiến nhiều người dù đã hết cách ly xã hội nhưng cũng đã hạn chế ra đường. Những lễ hội vô bổ biến mất vì mọi người đã tỉnh táo và nhận thức tốt hơn rất nhiều. Kẹt xe tắc đường vẫn còn đâu đó nhưng rất ít vì hệ thống giao thông đã được cải thiện trong lúc xã hội đang bị cách ly.
Ý thức của người tham gia giao thông cũng được dịch Covid-19 "huấn luyện" trở nên tốt hơn. Chẳng ai muốn chen lấn khi mà văn hoá xếp hàng đã thành hình trong mỗi người dân.
Nhiều đổi thay tích cực của Việt Nam ở thời điểm tháng 9 năm 2020 này đến từ việc cả nước đã đồng lòng trong suốt những năm tháng dịch giã. Thế giới cũng đã thay đổi và Việt Nam cũng đã thay đổi. Covid-19 thực sự giúp hệ thống y tế Việt Nam bước lên một tầm cao mới: Tầm khu vực và thế giới.
Nhiều nghìn tỷ vẫn được chuyển tới hệ thống y tế giúp y tế Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực chiến đấu. Trong kế hoạch tài chính của mỗi người dân đều có một phần dành cho y tế như một cách dự phòng cho tương lai của chính mình.
Những ATM gạo trở thành một biểu tượng của sự tử tế và vẫn duy trì ngay cả khi hết dịch. Giờ thì ATM gạo còn trở thành đại sứ truyền bá hình ảnh gạo Việt Nam khi mà báo chí thế giới đã nhắc đến hình ảnh này suốt hồi tháng 4/2020. Xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng nhờ đó mà tăng và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Hôm nay, tháng 9/2020, dư chấn Covid-19 để lại vị hậu ngọt là bởi những giọt mồ hôi của hôm qua, những tinh thần chiến đấu quên mình của hôm qua, những sự tử tế mà chúng ta đã làm từ hôm qua. Tôi vẫn tin, những ngày sau đây mọi thứ sẽ còn tốt hơn nữa vì nói như câu châm ngôn quen thuộc: Cái gì không giết được chúng ta sẽ khiến chúng ta mạnh hơn.
Các độc giả của tôi, bạn thấy gì ở Hà Nội tháng 9 năm 2020?