Những đơn vị anh cả, tinh nhuệ bậc nhất của Việt Nam ra đời như thế nào?

Lê Tiên Long |

Từ những đơn vị tiền thân chỉ có quy mô rất nhỏ bé, nhưng càng chiến đấu, QĐNDVN càng lớn mạnh, liên tiếp lập nên những chiến công thần kỳ trên con đường cách mạng.

Sau cách mạng tháng 8/1945, tháng 11/1945, trước sức ép của quân Tưởng Giới Thạch, Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn với quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành khoảng 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ.

Một số chi đội đã "Nam tiến" để giúp quân dân miền Nam chống lại thực dân Pháp đang tấn công xâm lược trở lại ở Nam Bộ. Sau này, nhiều chi đội đã đổi tên thành trung đoàn.

Ngày 22/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 71/SL đổi Vệ quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam, quy định biên chế, tuyển binh, cấp bậc, thăng giáng và thuyên chuyển, kỷ luật, thưởng phạt lễ nghi trong quân đội.

Toàn quân tổ chức biên chế thống nhất từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn, liên đoàn, tập đoàn của bộ binh và các phân đội chuyên môn, hỏa lực trợ chiến.

Trung đoàn đầu tiên

Trong cuộc Toàn quốc kháng chiến diễn ra ở Hà Nội, các lực lượng vũ trang liên khu I được thống nhất thành một trung đoàn, mang tên Trung đoàn liên khu I. Lễ thành lập trung đoàn diễn ra ở rạp hát Tố Như, phố Hàng Bạc ngày 6/1/1947.

Sau đó, ngày 12/1/1947, tại Hội nghị quân sự toàn quốc bàn về giữ thủ đô Hà Nội và tình hình đất nước ở Chương Mỹ, Hội nghị nhất trí đặt tên cho Trung đoàn liên khu I là Trung đoàn Thủ đô.

Như vậy, trung đoàn thủ đô là trung đoàn đầu tiên của quân đội ta được chính thức thành lập sau Sắc lệnh số 71.

Sau này, khi thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên (đại đoàn 308), trung đoàn thủ đô mang phiên hiệu 102, góp mặt trong đội hình đại đoàn Quân tiên phong, và đến nay trực thuộc Quân đoàn I.

Tên tuổi trung đoàn gắn liền với chiến công bảo vệ mặt trận Thủ đô 60 ngày đêm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp để các cơ quan trung ương và nhân dân Hà Nội tản cư an toàn. Trung đoàn Thủ đô là đơn vị vinh dự tiến về tiếp quản thủ đô ngày 10/10/1954.

Những đơn vị anh cả, tinh nhuệ bậc nhất của Việt Nam ra đời như thế nào? - Ảnh 1.

Trung đoàn Thủ Đô ngày nay đã lớn mạnh thành đơn vị bộ binh cơ giới hiện đại.

Đại đoàn đầu tiên

Đại đoàn 308 hay Đại đoàn Quân Tiên phong là Đại đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên được QĐNDVN thành lập ngày 28/8/1949 tại thị trấn Đồn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Thành phần của Đại đoàn gồm các trung đoàn 36 (Bắc Bắc), 88 (Tu Vũ) và 102 (Thủ đô).

Số hiệu 308 của đại đoàn được lấy từ số 3 của trung đoàn 36, số 0 của trung đoàn 102 và số 8 của trung đoàn 88.

Đến năm 1955, tên gọi các đại đoàn được đổi thành sư đoàn.

Trong kháng chiến chống Pháp, sư đoàn 308 đã tham gia nhiều chiến dịch, tiêu biểu như chiến dịch Điện Biên Phủ, với các trận đánh đồi Độc Lập, bản Kéo, đồi A1. Trong kháng chiến chống Mỹ, sư đoàn cũng tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, Quảng Trị. Sư đoàn 308 hiện trực thuộc Quân đoàn I.

Đơn vị pháo binh đầu tiên

Lịch sử pháo binh Việt Nam được khởi đầu với những pháo đài phòng không thu được từ tay quân Pháp - Nhật ở ngoại thành Hà Nội. Mở màn cuộc toàn quốc kháng chiến, tối 19/12/1946, các pháo đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo đã nã pháo vào nơi đóng quân của quân Pháp trong thành Hà Nội, báo hiệu cuộc chiến bắt đầu.

Tuy nhiên, đến năm 1948, QĐNDVN mới thành lập tiểu đoàn pháo binh đầu tiên (tiểu đoàn 410) tại liên khu 10.

Ngày 20/11/1950, các trung đoàn pháo binh 675, Trung đoàn pháo cơ giới 45 được thành lập.

Đến năm 1951, pháo binh được phát triển lên quy mô đại đoàn, với việc thành lập đại đoàn công pháo (công binh và pháo binh) mang số hiệu 351, gồm 3 trung đoàn: Trung đoàn pháo 675, trung đoàn pháo 45 và trung đoàn công binh 151.

Đại đoàn công pháo 351 đã lập công lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ trực tiếp yểm hộ cho bộ binh tiến công, kiềm chế hoàn toàn pháo binh địch, tập kích vào cơ quan chỉ huy ở Mường Thanh, sân bay và phả hủy các kho tàng. Đại đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 8 chữ "Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng".

Các trung đoàn 675, 45 sau này chuyển thành các lữ đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh. Lữ đoàn Pháo binh 45 (Đoàn pháo binh Tất Thắng) hiện là đơn vị được vinh dự giao nhiệm vụ bắn pháo lễ trong nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Quốc khánh, đón nguyên thủ nước ngoài...

Trung đoàn pháo cao xạ chủ lực đầu tiên của QĐNDVN được thành lập ngày 1/4/1953. Trung đoàn có 6 tiểu đoàn Pháo cao xạ 37mm, nên lấy phiên hiệu là 367. Trong chiến dịch Điên Biên Phủ, Trung đoàn 367 đã liên tục lập công, bắn rơi 52 máy bay, gồm 9 kiểu loại, bắn bị thương 117 chiếc khác, góp phần to lớn vào chiến thắng của chiến dịch.

Sau này, trung đoàn cao xạ 367 phát triển thành sư đoàn phòng không 367, có trách nhiệm bảo vệ vùng trời phía Nam tổ quốc.

Những đơn vị anh cả, tinh nhuệ bậc nhất của Việt Nam ra đời như thế nào? - Ảnh 2.

Lữ đoàn Pháo binh 45 (Đoàn pháo binh Tất Thắng). Ảnh: QĐND

Hải đội đầu tiên

Cũng như ngành pháo binh, Hải quân Việt Nam đã thành lập những đơn vị đầu tiên từ cuối tháng 8/1945, từ một số tàu nhỏ và 3 canô thu được của Pháp tại Hải Phòng. Đơn vị được đặt tên Đại đội Ký Con, các tàu nhỏ được đổi tên thành Bạch Đằng, Giao Chỉ.

Với cách đánh du kích, Đại đội Ký Con đã lập được một số chiến công ở cửa biển Hải Phòng, tiêu biểu là bắt sống tàu Crayssac của Pháp tại vùng biển Hòn Gai đầu tháng 9/1945.

Sau kháng chiến chống Pháp, ngày 7/5/1955, Cục Phòng thủ bờ biển được thành lập, đây cũng trở thành ngày truyền thống của Hải quân Việt Nam. Đên ngày 24/8/1955, Bộ Quốc phòng đã thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng, những đơn vị chiến đấu chính quy đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Ngày 12 và 14/10/1955, chấp hành chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Trường Huấn luyện bờ biển thay mặt Cục Phòng thủ bờ biển đã bàn giao thủy đội Sông Lô cho Liên khu Việt Bắc và thủy đội Bạch Đằng cho Liên khu Tả Ngạn.

Với những chiếc cano bé nhỏ, hai thủy đội đã len lỏi hết đảo này tới đảo khác, suốt từ vùng ven biển Trung đến Bắc bộ, hoàn thành nhiệm vụ tuần tiễu, góp phần ổn định an ninh vùng hải đảo trong nhiều năm sau đó… quét sạch bọn thổ phỉ, hải phỉ trên vùng biển để nhân dân yên ổn làm ăn.

Trung đoàn máy bay tiêm kích đầu tiên

Trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của quân đội ta, trung đoàn 921 - Đoàn Sao Đỏ chính thức được công bố quyết định thành lập ngày 3/2/1964 với 70 phi công được đào tạo và huấn luyện tại Trung Quốc.

Trong trận đụng độ đầu tiên với không quân Mỹ ngày 3/4/1965, biên đội 4 chiếc MiG-17 của trung đoàn đã xuất sắc bắn rơi 2 chiếc F-8U của Không quân thuộc Hải quân Mỹ trên vùng trời Hàm Rồng - Thanh Hoá, mở đầu trang sử mới của mặt trận trên không.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, trung đoàn 921 đã xuất kích trên 200 trận, bắn rơi 137 máy bay các loại. Trung đoàn có rất nhiều phi công đạt danh hiệu "ace", bắn rơi nhiều máy bay Mỹ như Nguyễn Văn Cốc (9 chiếc), Mai Văn Cương, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị (8 chiếc), Đặng Ngọc Ngự (7 chiếc)...

Sư đoàn không quân đầu tiên

Sau trung đoàn tiêm kích đầu tiên 921, không quân Việt Nam tiếp tục phát triển các trung đoàn tiêm kích 923 (Đoàn Yên Thế), trung đoàn vận tải 919, dẫn tới việc thành lập sư đoàn không quân đầu tiên - Sư đoàn Không quân 371, thành lập ngày 24/3/1967. Sư đoàn vinh dự mang tên Sư đoàn Thăng Long.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các đơn vị của Sư đoàn đã chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi 320 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc pháo đài bay B-52.

Hiện nay, sư đoàn 371 có trách nhiệm bảo vệ vùng trời miền Bắc, bao gồm các trung đoàn tiêm kích 921, 923, 927.

Những đơn vị anh cả, tinh nhuệ bậc nhất của Việt Nam ra đời như thế nào? - Ảnh 3.

Tiêm kích MiG-21 bắn rơi F-4 Mỹ trong chiến tranh bảo vệ miền Bắc. Ảnh đồ họa.

Trung đoàn tên lửa đầu tiên

Trung đoàn tên lửa đầu tiên của QĐNDVN mang số hiệu 236 được thành lập ngày 7/1/1965 tại Mỏ Chén, Hà Tây (nay là Hà Nội). Chiều ngày 24/7/1965, tại trận địa Suối Hai (Sơn Tây), Trung đoàn ra quân đánh trận đầu tiên.

Kíp chiến đấu của 2 Tiểu đoàn 63 và 64 thuộc trung đoàn đã hiệp đồng chặt chẽ phóng 4 quả đạn bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay F-4C. Đó là chiếc máy bay thứ 400 của giặc Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc.

Ngày 24/71965 trở thành ngày lịch sử, là ngày ra quân đánh thắng trận đầu của Trung đoàn 236 và trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Bộ đội Tên lửa Việt Nam anh hùng. Chiến thắng trận đầu diễn ra bên bờ sông Đà nên từ đó Trung đoàn 236 còn được mang tên là Đoàn Sông Đà.

Tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Trung đoàn 236 đã bắn rơi 196 máy bay Mỹ gồm 20 kiểu loại, trong đó có 9 chiếc B52.

Đơn vị trở thành trung đoàn bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất trong số các trung đoàn thuộc Binh chủng Tên lửa phòng không. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Trung đoàn 236 cùng Tiểu đoàn 61, 64 và 4 cán bộ của Trung đoàn được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những đơn vị anh cả, tinh nhuệ bậc nhất của Việt Nam ra đời như thế nào? - Ảnh 4.

Chiến sĩ Trung đoàn Tên lửa 236 tập luyện sẵn sàng chiến đấu.

Những đơn vị xe tăng đầu tiên

Trung đoàn xe tăng đầu tiên của QĐNDVN được thành lập ngày 5/10/1959, trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, lấy phiên hiệu là Trung đoàn 202 - chính là số cán bộ chiến sĩ đầu tiên của trung đoàn. Ngày 5/10 về sau trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Tăng - Thiết giáp.

Lữ đoàn xe tăng 202 hiện là đơn vị trực thuộc Quân đoàn I.

Ngày 22/6/1965, Bộ Tư lệnh Thiết giáp (sau đổi thành Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp) được thành lập, đồng thời trung đoàn xe tăng thứ hai mang số hiệu 203 cũng được thành lập.

Tháng 1 và 2/1968 bộ đội xe tăng lần đầu tiên tham gia tác chiến binh chủng hợp thành và đánh thắng hai trận then chốt tại Tà Mây và Làng Vây (Đường 9 - Khe Sanh). Trong kháng chiến chống Mỹ, xe tăng đã tham gia chiến đấu hơn 200 trận, đặc biệt đã dẫn đầu 5 cánh quân giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Xe tăng 390 thuộc đại đội 4, tiểu đoàn 1, trung đoàn 203 là chiếc xe đã húc tung cánh cửa Dinh Độc Lập trong giờ phút quyết định của chiến dịch. Đại đội trưởng đại đội xe tăng 4 Bùi Quang Thận là người cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập.

Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Tùng là người thay mặt quân giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn sáng 30/4/1975.

Lữ đoàn tăng 203 hiện đứng chân trong đội hình Quân đoàn II.

Quân đoàn đầu tiên

Quân đoàn I, còn có danh hiệu là Binh đoàn Quyết thắng là quân đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của QĐNDVN, được thành lập ngày 24/10/1973 tại Ninh Bình.

Khi thành lập, Quân đoàn có các đơn vị: Sư đoàn bộ binh 308, Sư đoàn bộ binh 312, Sư đoàn bộ binh 320B (sau đổi thành 390), Sư đoàn phòng không 367, Lữ đoàn tăng thiết giáp 202, Lữ đoàn pháo binh 45, Lữ đoàn công binh 299 và Trung đoàn thông tin 140.

Vào cuối chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn I là đơn vị đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại