Theo tạp chí Foreign Policy (FP), cho đến nay Bộ tài chính Mỹ đã thêm 700 cá nhân, công ty, và cơ quan của các chính phủ vào danh sách trừng phạt. Chính quyền tổng thống Donald Trump cũng gia tăng các hình thức gây sức ép kinh tế khác lên Triều Tiên và Venezuela.
Chiến thuật của ông Trump cũng khác so với các chính quyền tiền nhiệm. Tổng thống đe dọa "xé" thỏa thuận hạt nhân Iran - đạt được dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, qua đó từ bỏ cách tiếp cận đa phương trong việc áp đặt cấm vận tài chính với Iran.
Cách vận dụng cấm vận đã mang lại cho ông Trump một số thắng lợi đáng kể. Ba vòng trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên - được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 2017, nếu được thực thi đầy đủ, sẽ khiến Bình Nhưỡng mất tới 90% nguồn thu từ xuất khẩu so với trước khi bị cấm vận.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Venezuela cũng khiến sức ép gia tăng đáng kể lên chính phủ tổng thống Nicolas Maduro, sau khi Washington cáo buộc chính quyền của ông là tác nhân khiến nửa triệu người tìm đường rời khỏi đất nước trong hai năm qua, gây ra tình trạng đói kém và tỉ lệ trẻ em tử vong tăng.
Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu lo ngại rằng giải pháp cấm vận của ông Trump sẽ không bền vững. Chính quyền của ông cần chiến lược dài hạn để củng cố hợp tác đa phương, để tránh tình trạng nhân viên bị "vắt kiệt" và rời bỏ cương vị, đồng thời đón đầu các xu thế nổi lên có thể đe dọa cắt đứt sự thống trị của các lệnh cấm vận từ Mỹ. Nếu không có một kế hoạch tổng thể, nhà lãnh đạo thương lượng của Mỹ đang mạo hiểm để lại cho những người kế nhiệm một công cụ yếu ớt hơn nhiều để có thể triển khai chống lại các đe dọa an ninh quốc gia trong tương lai.
Tổng thống Trump phát biểu trước Đại hội đồng LHQ tháng 9/2017, dành thời lượng đáng kể để chỉ trích Triều Tiên cùng Iran (Ảnh: Doug Mills/The New York Times)
Cấm vận làm Mỹ mâu thuẫn với đồng minh
Dấu hiệu rắc rối đầu tiên là việc ông Trump lạm dụng cấm vận đang cản trở quan hệ hợp tác với chính các đồng minh Mỹ. Trong khi Mỹ có nhiều đòn bẩy trừng phạt hơn bất cứ nước nào, thực tế là cấm vận của Mỹ có hiệu lực mạnh mẽ hơn khi được các đồng minh phối hợp, áp đặt những biện pháp song song.
Điều này được thể hiện đúng trong trường hợp các mục tiêu trừng phạt là Iran và Nga - những nước có liên hệ kinh tế chặt chẽ với các nước khác (là đồng minh của Mỹ) hơn là với Mỹ. Sự phối hợp giữa châu Âu và châu Á mới là nhân tố cơ bản giúp các biện pháp cấm vận dầu mỏ đối với Iran đạt hiệu quả trong giai đoạn 2012-2015, bởi Mỹ vốn không mua dầu của Iran.
Việc tổng thống Mỹ đe dọa chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran là ví dụ điển hình về rạn nứt trong quan hệ giữa chính quyền Trump với đồng minh Mỹ. Các chính phủ châu Âu đều chỉ trích khả năng [hủy thỏa thuận hạt nhân Iran] bằng nhiều cách diễn đạt khác thường và mang tính chế giễu. Thỏa thuận bị hủy bỏ thực sự sẽ hủy hoại quan hệ Mỹ-EU trong vấn đề Iran, và tổn hại các mối liên hệ xuyên Đại Tây Dương cần thiết để bảo đảm quan hệ hợp tác trong các ưu tiên an ninh khác, bao gồm các vấn đề về Nga và Triều Tiên.
Dù muốn hay không thì chính quyền Trump chỉ có thể tác động thực sự về kinh tế trong trung và dài hạn nếu họ chịu đầu tư đáng kể hơn vào ngoại giao, nhằm bảo đảm các lệnh cấm vận được kết nối với đồng minh Mỹ.
Thêm vào đó, các lệnh trừng phạt chỉ thực sự tốt khi được vận dụng trong một chiến lược rộng hơn. Việc cấm vận đơn thuần nhằm chống lại các đe dọa an ninh toàn cầu chủ yếu - mà không có đồng minh hỗ trợ - sẽ hé lộ khiếm khuyết nghiêm trọng trong cả chiến lược của Trump lẫn những công cụ của ông.
Cấm vận nhiều khiến bộ máy quá tải
Một dấu hiệu rắc rối khác của bất ổn trong các lệnh cấm vận là nhân sự quá tải và bỏ việc ở các cơ quan phụ trách thực thi cấm vận của Mỹ.
Thực thi cấm vận phụ thuộc lớn vào nguồn lực con người - những người đàn ông và phụ nữ tài năng trong chính phủ Mỹ phụ trách công tác phân tích mục tiêu, phát triển các quy định, và làm việc với đồng minh để tạo ra các chiến dịch gây sức ép tài chính rộng khắp.
Nhân sự ở các cơ quan này luôn biến động lớn, bởi khối lượng công việc nặng và sức hút từ lợi nhuận ở khu vực tư nhân luôn hấp dẫn hơn. Đồng thời, tốc độ triển khai ghê gớm (áp đặt cấm vận), nhưng không có nguồn lực bổ sung, cũng như sự đảo ngược chóng mặt các lệnh trừng phạt đã thực thi trong vài năm qua với Iran, Cuba, và Nga, đang đẩy ngày càng nhiều công chức Mỹ ra cửa.
Đây là công thức của một cuộc khủng hoảng thể chế - FP bình luận.
Theo đó, Lầu Năm Góc cần tăng các nguồn lực để thích nghi với phạm vi mở rộng các mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ. Điều tương tự cũng đúng với khía cạnh kinh tế của kho vũ khí an ninh quốc gia Mỹ. Trong dự luật chi tiêu tiếp theo, Quốc hội cần gia tăng đáng kể nhân sự và các nguồn lực khác cho những cơ quan phụ trách cấm vận.
Mỹ cần các giải pháp ngoại giao song song với những chương trình cấm vận quy mô lớn (Ảnh: Jim Young / Reuters)
Không bắt kịp các xu thế nổi lên
Có lẽ dấu hiệu đáng báo động nhất - cho thấy ông Trump có thể dẫn dắt Mỹ đến sự kết thúc của kỷ nguyên cấm vận đầy sức mạnh, là đội ngũ của ông đang không đón đầu được các xu thế nổi lên có thể phá vỡ thế thống trị về cấm vận của Mỹ.
Trong thập niên tiếp theo, công nghệ tài chính mới - như tiền các loại tiền điện tử (cryptocurrency) và những cơ chế xử lý quốc tế trên nền tảng blockchain - sẽ làm giảm đáng kể tác động từ cấm vận tài chính của Mỹ.
Các doanh nghiệp muốn cắt giảm chi phí và theo đuổi hiệu suất đang lèo lái sáng tạo trong công nghệ tài chính. Tuy nhiên, việc Mỹ áp đặt liều lĩnh các lệnh cấm vận có thể thúc đẩy Trung Quốc, Nga hay các đối thủ khác của Mỹ rời xa thị trường và đồng tiền Mỹ.
Chính quyền ông Trump cần một nỗ lực mới để nắm bắt và thích nghi với các rủi ro tiềm ẩn có thể đe dọa và làm giảm sức mạnh của đòn trừng phạt Mỹ.
Trừng phạt luôn là bộ phận trung tâm trong "bộ công cụ" chính sách đối ngoại của Mỹ suốt hai thập kỷ qua. Chưa có tổng thống nào tham vọng sử dụng phương tiện này hơn ông Trump. Nhưng nhóm của ông cần phải đề ra một chiến lược dài hạn, với lực lượng chiến đấu quy mô hơn, để bảo đảm tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong những năm tiếp theo.