Khoảng 5 năm trước, trong danh sách các doanh nghiệp giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam luôn là thế cân bằng giữa bất động sản và ngân hàng. Tuy nhiên, gần đây, khi thị trường bất động sản đối diện với nhiều khó khăn, cổ phiếu đồng loạt đi lùi thì thị trường chứng kiến sự lên ngôi của khối ngân hàng.
Đứng đầu khối này là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Đã từ khá lâu, cổ phiếu VCB của Vietcombank vươn lên mạnh mẽ, trở thành cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/10, mặc dù suy giảm nhẹ xuống 91.500 đồng/CP nhưng VCB vẫn duy trì “ngôi vương” với vốn hóa thị trường lên đến 511.402 tỷ đồng (khoảng 20,2 tỷ USD).
Trong hơn 9 tháng qua, VCB đã ghi nhận đà đi lên đáng kể. So với phiên cuối cùng của năm 2023, VCB đã tăng 11.200 đồng/CP, tương đương 13,9%. Vốn hóa thị trường Vietcombank có thêm 62.598 tỷ đồng.
Bên cạnh Vietcombank, top 6 doanh nghiệp giàu có nhất sàn chứng khoán Việt Nam còn ghi nhận thêm một nhà băng nữa. Đó là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Chốt phiên chứng khoán 8/10, cổ phiếu BID đóng cửa ở mức 48.900 đồng/CP, tăng 5.500 đồng/CP, tương đương 12,7% so với phiên 29/12/2023. BID giúp vốn hóa thị trường BIDV có thêm 35.352 tỷ đồng và đạt 278.751 tỷ đồng. BID là cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu BID của BIDV hưng phấn trong bối cảnh kinh doanh không có nhiều cải thiện khi thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm sâu từ 77.161 tỷ đồng xuống chỉ còn 67.493 tỷ đồng, tương ứng đà giảm 12,5%. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế lại tăng 1.341 tỷ đồng, tương đương 12,1% lên 12.450 tỷ đồng.
Gương mặt cuối cùng thuộc ngành ngân hàng lọt vào Top 6 doanh nghiệp giàu có nhất Việt Nam là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
Đóng cửa phiên phiên giao dịch đầu tuần này, cổ phiếu CTG của VietinBank dừng ở mức 35.750 đồng/CP, tăng 8.650 đồng/CP, tương đương 31,9% so với cuối năm 2023. Sức nóng này của CTG giúp vốn hóa thị trường VietinBank tăng 46.450 tỷ đồng lên 191.977 tỷ đồng. Nhờ đó, VietinBank đứng ở vị trí số 5.
3 thành viên còn lại trong Top 6 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam bao gồm Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty cổ phần FPT (FPT) và Công ty cổ phần Vinhomes (VHM). Trong đó, ACV thuộc ngành hạ tầng hàng không, FPT là đại gia công nghệ còn VHM là ông lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Vị trí trong top 6 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam của ACV, FPT và VHM lần lượt là 3, 4 và 6. Trong đó, thị giá của ACV và FPT đều trên 100.000 đồng/CP.
Cụ thể, chốt phiên chứng khoán ngày 8/10, ACV dừng ở mức 103.400 đồng/CP, FPT đóng cửa ở mức 133.800 đồng/CP và VHM tạm nghỉ ở mức 41.600 đồng/CP. Những thị giá này đã giúp vốn hóa thị trừng ACV đạt 225.097 tỷ đồng, FPT đạt 195.408 tỷ đồng, Vinhomes đạt 181.142 tỷ đồng.
Trong đó, ACV gây ấn tượng khi có bước tiến vượt bậc. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Lợi nhuận sau thuế của ACV tăng 1.906 tỷ đồng, tương đương 44,9% lên 6.149 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế FPT tăng từ 3.665 tỷ đồng lên 4.443 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần của Vinhomes đạt 36.429 tỷ đồng. Tổng doanh thu thuần quy đổi (bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes và các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) đạt 47.904 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế 6 tháng của công ty lần lượt đạt 13.664 tỷ đồng và 11.513 tỷ đồng.
Vinhomes cho biết, doanh thu và lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ việc ghi nhận giao dịch bán lô lớn tại dự án Vinhomes Royal Island và tiếp tục bàn giao tại các dự án hiện hữu.
Trong khi đó kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của FPT doanh thu đạt 29.338 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5.198 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) tăng 22,3% lên 3.672 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức 2.514 đồng/cổ phiếu.