Những điều nên và không nên làm sau khi nhổ răng

Phi An |

Mặc dù mỗi chiếc răng của bạn trông rất nhỏ bé nhưng sau mỗi lần nhổ răng bạn cần tuyệt đối ghi nhớ những việc nên và không nên làm.

Trong cuộc đời, khi chúng ta còn nhỏ, những chiếc răng sữa tự rụng hay phải được nhổ bỏ để thay thế là điều đương nhiên.

Còn khi đã trưởng thành thì việc nhổ răng lại cần được cân nhắc rất kĩ lưỡng bởi nhiều răng có liên quan đến các dây thần kinh quan trọng, nếu không cẩn thận có thể gây hậu quả trầm trọng, ví dụ như liệt cơ mặt, méo mồm...

Tuy nhiên, dù nhổ răng sữa hay răng vĩnh viễn thì khâu chuẩn bị trước và sau khi nhổ răng đều vô cùng quan trọng.

Sau khi nhổ răng, tình trạng chảy máu có thể xảy ra, người nhổ răng cũng có thể bị đau do thuốc tê hết tác dụng. Thậm chí, trong vài ngày sau khi nhổ răng, vùng nướu chỗ đó sẽ bị sưng, nếu không chăm sóc cẩn thận sẽ dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm.

Vậy, sau khi nhổ răng, chúng ta nên và không nên làm gì?

Những điều nên và không nên làm sau khi nhổ răng - Ảnh 1.

Những điều nên làm sau khi nhổ răng

- Cắn chặt bông/gạc: Trẻ nhổ răng thường bị chảy nhiều máu hơn nhổ răng vĩnh viễn, thậm chí chảy máu trong 24 giờ.

Lúc này cần cắn chặt bông hoặc băng gạc liên tục trong 45-60 phút để cầm máu. Nếu máu ướt đẫm miếng bông thì có thể thay miếng bông khác.

- Giảm đau: Để giúp bệnh nhân không phải chịu những cơn đau nhức sau khi nhổ răng, bác sĩ thường kê đơn thuốc giảm đau phù hợp.

Nếu cần thiết, hãy uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Trong trường hợp người nhổ răng là trẻ em thì cha mẹ nên chú ý để lấy thuốc cho con vì trẻ em thường chịu đau không tốt như người lớn.

- Giảm sưng: Trong ngày đầu tiên, vùng răng vừa nhổ có thể bị sưng lên khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi, khó chịu.

Bạn có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh để giảm sưng cho bản thân hoặc cho con. Hãy lấy túi lạnh để chườm ở bên ngoài má tương ứng với vị trí bị sưng. Bạn có thể cho khăn vào tủ lạnh hoặc bọc đá vào khăn/túi để chườm 15-30 phút/lần.

- Ăn nhẹ (nên ăn cháo) và uống nhiều nước trong ngày đầu tiên sau khi nhổ răng: Ngày đầu tiên sau khi nhổ răng, các lợi và các răng khác cũng có thể bị tác động.

Những ngày này, bệnh nhân nên ăn đồ ăn mềm, tốt nhất là dạng lỏng và uống nhiều nước vừa để bổ sung dinh dưỡng mà răng không phải làm việc nhiều. 

Uống nhiều nước cũng giúp việc cung cấp nước cho cơ thể để tăng sức chịu đựng, giảm đau.

Một tuần sau khi nhổ răng bạn có thể ăn uống bình thường nhưng tốt nhất vẫn nên ăn mềm, tránh nhai ở vùng răng mới nhổ cho đến khi hồi phục hoàn toàn.

Những điều nên và không nên làm sau khi nhổ răng - Ảnh 2.

- Nghỉ ngơi đầy đủ: Nhổ răng sẽ khiến bạn bị mất máu, vậy nên, tốt nhất, nên nghỉ ngơi hoàn toàn trong 24 giờ sau khi nhổ răng, nếu phải làm việc thì nên làm việc nhẹ nhàng, tránh làm việc quá sức. 

Nếu có khâu vết thương, thì sau một tuần cần đến cơ sở y tế để cắt chỉ.

- Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ: Để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc cần thiết, ví dụ như kháng sinh thep chỉ định của bác sĩ (để tránh biến chứng nhiễm trùng sau nhổ răng)...

Thuốc giảm đau (uống khi đau, khi hết các cơn đau thì dừng thuốc), thuốc chống sưng nề và thuốc sát trùng trong miệng (dùng để súc miệng và họng 5-6 lần/ngày kéo dài cùng thời gian uống kháng sinh)...

Đối với mỗi loại thuốc sẽ có hướng dẫn và chỉ định sử dụng. Nhiệm vụ của người bệnh là cần uống đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Nếu chưa hiểu hướng dẫn thì cần hỏi thêm bác sĩ.

Ngoài ra, bạn nên cũng nên chuẩn bị một ít thuốc hạ sốt... Trong trường hợp vùng răng nhổ bị sưng kéo dài dẫn đến sốt thì cần uống hạ sốt kịp thời để tránh nhiễm trùng nặng hơn.

Với trẻ con, cha mẹ cần chọn loại thuốc hạ sốt phù hợp, dễ uống, không gây buồn nôn (vì nhiều trẻ không chịu được sẽ nôn ra sau khi uống thuốc)...

- Giữ liên lạc với bác sĩ: Điều này là vô cùng cần thiết vì có thể có những lúc bạn gặp sự cố ngoài khả năng xử lý và hiểu biết của mình, ví dụ như gặp tác dụng phụ của thuốc hay chảy máu không cầm...

Lúc này, cần gọi cho bác sũ để thông báo tình trạng ngay lập tức để được tư vấn hỗ trợ kịp thời, nếu cần thiết có thể phải đến cấp cứu ở cơ sở y tế.

Những điều nên và không nên làm sau khi nhổ răng - Ảnh 3.

Bên cạnh những việc cần làm nói trên, người mới nhổ răng cũng cần tránh một số điều không nên làm. Nếu người nhổ răng là trẻ con thì cha mẹ cần lưu ý, theo dõi và nhắc nhở con không nên làm những việc này:

- Súc miệng sớm: Súc miệng quá sớm có thể ảnh hưởng đến quá trình đông và cầm máu. Tốt nhất, hãy đợi khi máu ngừng chảy mới nên bắt đầu súc miệng.

- Mút, chép miệng, nhai kẹo cao su... Những việc này sẽ không những ảnh hưởng đến quá trình cầm máu mà còn có thể tạo điều kiện cho vi trùng từ ngoài không khí theo vào vùng nướu rỗng nhiều hơn, dẫn đến nhiễm trùng.

- Chườm nóng, ăn đồ nóng: Cho dù bạn cảm thấy rất khó chịu và muốn làm dịu cảm giác đó ở vùng răng vừa nhổ, hãy nhớ là nên chườm lạnh chứ không nên chườm nóng.

Chườm nóng có thể khiến cho các mao mạch nở ra và máu chảy nhiều hơn. Tương tự như vậy, ăn thức ăn nóng cũng có thể làm chậm thời gian đông và cầm máu.

- Ăn đồ cứng: Như bạn đã biết, sau khi nhổ răng, cả hàm răng bị yếu đi theo và cần thời gian để hồi phục lại. Nếu ăn đồ cứng, răng sẽ phải nhai nhiều nên dễ bị tổn thương.

- Làm việc nặng: Cũng giống như nhiều ca tiểu phẫu khác, nhổ răng cũng làm cho bạn mất đi một lượng máu nhất định, do vậy, sau đó cần được nghỉ ngơi.

Nếu ngay sau đó làm việc nặng sẽ có thể bị choáng và mệt mỏi. Đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ cho chúng không chạy nhảy, đùa nghịch quá nhiều sau khi nhổ răng để đảm bảo an toàn.

Tham khảo:

http://www.animated-teeth.com/tooth_extractions/t6_extraction_instructions.htm

https://www.dentalhealth.org/tell-me-about/topic/sundry/what-to-do-following-an-extraction

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại