Xe tay ga đang là phương tiện giao thông phổ biến nhất, đặc biệt là với các chị em phụ nữ thường mặc váy thì đi xe tay ga quả thực rất thuận tiện. Thế nhưng có những kiến thức về xe tay ga lại không phải ai cũng biết. Dưới đây là những lưu ý mà người đi xe nên biết để vừa giữ an toàn cho bạn vừa giữ cho xe bền hơn:
1. Cần gạt màu đen nằm cạnh phanh xe tay trái
Nếu để ý sẽ thấy trên một số mẫu xe tay ga của Honda có một cần gạt nhỏ màu đen, nằm ngay cạnh tay phanh bên trái. Đây là cần gạt khóa phanh sau, giúp giữ xe không bị trôi khi để trên dốc. Cụ thể thì khi khóa cần gạt này, bánh xe sau cũng bị khóa cứng lại.
Nếu để xe trên dốc, chân chống nghiêng không đủ sức giữ xe sẽ làm xe bị trôi, đổ, khi đó cần khóa cần gạt này lại để xe đứng yên.
Mặc dù tính năng này đã được phát minh từ lâu và từng được ứng dụng trên một vài mẫu xe máy trước đó nhưng phải đến gần đây, nó mới dần trở nên phổ biến trên các mẫu xe tay ga mới. Để khóa bánh sau bằng cần gạt, đầu tiên hãy bóp kịch tay phanh bên trái, sau đó gạt nhẹ lẫy nhỏ này cho đến khi nghe có tiếng động phát ra là được.
Để mở thì rất đơn giản, bạn chỉ cần bóp mạnh tay phanh lần nữa và thả tay ra là được. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng khóa phanh này sẽ không hoạt động nếu xe của bạn được chỉnh phanh sau quá chặt. Do đó, quãng bóp phanh cần được đặt theo đúng tiêu chuẩn.
2. Lạm dụng phanh trước
Theo thói quen thuận tay phải, nhiều người thường quen tay bóp phanh bên phải (phanh trước) khi bị giật mình hoặc đơn giản là khi cần phanh xe lại.
Việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho chính bạn bởi xe tay ga có đường kính vành xe nhỏ, hành trình giảm xóc ngắn nên khi chỉ bóp phanh trước (phanh tay phải) thì rất dễ khiến xe bị trượt bánh sau hoặc khựng lại đột ngột.
Nếu di chuyển với tốc độ bình thường, hãy sử dụng phanh sau (phanh tay trái), nếu bạn cần phanh gấp hãy dùng đồng thời hai phanh và bóp nhả phanh trước để đảm bảo an toàn nhất.
3. Đi xe tay ga như đi... xe số
Đi ẩu, đột ngột "ga thốc" rồi phanh gấp là cấm kỵ với xe tay ga, không chỉ bởi xe tay ga thường cồng kềnh hơn xe số, việc lạng lách, rồ ga và phanh đột ngột khiến xe không giữ được thăng bằng tốt bằng xe số.
Mà quan trọng hơn là cụm côn ly hợp và dây cua-roa truyền động của xe tay ga sẽ nhanh bị hỏng hơn, cũng tiêu tốn nhiều xăng hơn. Vì thế, hãy luôn giữ tốc độ ổn định và tay ga đều nhất có thể để vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa mang lại độ bền cho bộ ly hợp, dây cua-roa của xe.
4. Bảo dưỡng xe
Bạn nên kiểm tra lốp xe và bơm xe thường xuyên, không nên để lốp quá non hoặc bơm quá căng vì đều khiến việc di chuyển khó khăn và nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, cứ khoảng 10.000km, hãy kiểm tra và thay lốp nếu lốp xe đã mòn để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Thay dầu máy sau mỗi 1.500 - 2.000km di chuyển và cứ 3 lần thay dầu máy thì nên thay dầu láp (dầu hộp số) một lần.
Ngoài ra, cũng hãy dán nilon bảo vệ xe khỏi bị xước, rửa xe thường xuyên kèm với kiểm tra tay phanh, bơm xe và luôn bảo dưỡng định kỳ mỗi 8 tháng tới 1 năm.
Người xưa vẫn có câu "của bền tại người", để đảm bảo xe luôn trong trạng thái hoạt động tốt nhất, tránh các lỗi hỏng hóc và phát hiện sớm nhất các vấn đề của xe, đồng thời giữ an toàn cho bạn khi tham gia giao thông, hãy quan tâm chăm sóc chiếc xe của mình nhiều hơn.