Việc đi dưới thang được coi là vận xui bởi ở Anh thời trung cổ, các tội phạm bị tuyên án trên đường đi tới chỗ treo cổ sẽ buộc phải đi dưới 1 cái thang giống như giá treo cổ. Ngày nay, việc đi dưới một cái thang đang dựa vào tường sẽ bị cho là điều không may mắn.
Chân thỏ được coi là bùa may mắn. Người Celt, một nhóm đa dạng các bộ lạc thời kì đồ sắt và thời kì đầu Trung Cổ ở châu Âu, tin rằng loài động vật này sống sâu dưới lòng đất, vì thế chúng có thể nói chuyện với các linh hồn. Ngoài ra những chú thỏ cũng đại diện cho sự sinh sản và tái sinh.
Nhìn vào tấm gương vỡ được coi là vận xui trong quan niệm của người Ấn Độ và người Nga. Đối với người Ấn Độ, cách thông minh nhất để xóa bỏ vận xui này là chôn các mảnh vỡ dưới ánh sáng trăng tròn hoặc chờ khoảng 7 tiếng rồi mới chạm vào chúng.
Người Anh coi hạt sồi là biểu tượng của may mắn. Niềm tin này có từ thời Trung cổ, xuất phát từ việc cây sồi sẽ phát triển từ một hạt sồi. Vì thế, loại hạt này được liên hệ với sự phát triển, hy vọng và cuộc sống mới.
Hội chứng sợ số 4 (Tetraphobia) là một điều xuất hiện khá phổ biến ở các nước Đông Á. Số tầng của nhiều thang máy tại Thượng Hải (Trung Quốc) thường bỏ qua số 4 bởi người ta tin rằng số 4 trùng với chữ "tử" trong quan niệm "sinh, lão, bệnh, tử".
Tại Peru, treo một tumi lên tường sẽ mang đến may mắn. Tumi - một chiếc rìu trang trí có trong văn hóa tiền Inca được sử dụng trong lễ tế động vật cho mặt trời để giúp dự đoán tương lai.
Người Ai Cập cổ tin rằng việc mở một chiếc ô trong nhà là hành động bất kính có thể khiến thần Mặt trời nổi giận. Ngày nay, nhiều người Ai Cập vẫn cho rằng việc mở ô trong nhà là vận xui.
Maneki-neko hay mèo vẫy tay là một bức tượng phổ biến ở Nhật Bản với niềm tin chúng sẽ mang may mắn cho chủ nhân. Việc sử dụng chúng như một bùa may mắn có nguồn gốcthời Edo, từ 1603 - 1868. Chú mèo với chân trái giơ lên được tin là sẽ mang đến việc kinh doanh thuận lợi cho chủ cửa hàng. Nếu chân phải được giơ lên thì điều đó sẽ thu hút tiền bạc và sự thịnh vượng.
Ở Serbia, việc khen ngợi một đứa trẻ dường như sẽ mang đến vận xui bởi người ta tin rằng nếu nói bất kỳ điều gì tốt đẹp thì đứa trẻ đó sẽ lọt vào tầm mắt của quỷ dữ. Niềm tin này ở Serbia vẫn khá phổ biến ở các vùng quê, đặc biệt là với những người lớn tuổi.
Hamsa là một tấm bùa hộ mệnh hình bàn tay phổ biến ở Trung Đông, cả trong Do Thái giáo và Hồi giáo. Nó cho thấy một bàn tay đang mở, một hình ảnh được công nhận và được sử dụng trong hàng thiên niên kỷ như dấu hiệu của sự bảo vệ khỏi những nguồn năng lượng tiêu cực. Đôi mắt trên bàn tay tượng trưng cho đôi mắt nhìn thấy mọi thứ./.