Giám đốc điều hành Jon Kenvin Loebbaka, đại diện UAC tại Việt Nam cho biết tập đoàn được thành lập vào năm 1961 với tư cách là nhà sản xuất và cung cấp linh kiện hàng không hàng đầu. UAC có hợp đồng dài hạn với tất cả các nhà sản xuất máy bay lớn.
UAC cung cấp các bộ phận và lắp ráp máy bay được thiết kế kỹ lưỡng cho hơn 800 công ty ở Bắc Mỹ, Châu Á, Châu Âu và Nam Mỹ.
Tập đoàn có khả năng sản xuất nhiều bộ phận khác nhau từ các bộ phận rất nhỏ đến các thành phần cấu trúc, phức tạp lớn, tất cả các hệ thống kẹp được tự thiết kế và sản xuất, thời gian công nghiệp hóa nhanh nhất trong ngành hàng không vũ trụ.
Các sản phẩm được đo lường chính xác, các dây chuyền sản xuất đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của ngành hàng không vũ trụ thế giới, các công đoạn sản xuất được tối ưu hóa tự động đảm bảo tính chính xác tuyệt đối.
Theo kế hoạch UAC sẽ bắt đầu sản xuất hơn 4.000 bộ phận hàng không vũ trụ khác nhau tại Đà Nẵng cho các chương trình máy bay Boeing 787, 777 và 737 của Boeing. Các sản phẩm này sẽ được xuất khẩu sang Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
UBND tỉnh Đà Nẵng cũng cho biết, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ đạt giá trị xuất khẩu 25 triệu USD vào năm 2021, 85 triệu USD vào năm 2022 và sau năm 2026 sẽ đạt giá trị xuất khẩu hơn 180 triệu USD mỗi năm. Nguồn nhân lực của nhà máy sẽ tăng từ 650 người vào năm 2021 đến hơn 1000 người vào năm 2023.
Ông Kevin Loebbaka nói rằng Tập đoàn mong muốn đào tạo nhân viên có tay nghề cao, theo yêu cầu của ngành bằng cách kết hợp với các trường đại học, trường nghề trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UAC sẽ phát triển chuỗi doanh nghiệp "vệ tinh" cung cấp các dịch vụ công nghiệp phụ trợ như bao bì, thiết bị, vật tư tiêu hao, các công cụ nhỏ, dự kiến sẽ gián tiếp tạo thêm việc làm cho hơn 2.000 lao động.
2 lý do chọn đầu tư tại Việt Nam
Theo ông Jon Kevin Loebbaka, hiện Boeing và Airbus đều đang thúc đẩy hoạt động sản xuất lớn hơn ở châu Á và có mối quan tâm rất lớn đến địa điểm sản xuất tương lai của UAC tại Đà Nẵng.
Mặt khác, các sự kiện các hợp đồng mua tàu bay được ký kết giữa VietJet và Bamboo Airways với Boeing và Airbus vừa qua được UAC nhìn nhận là tiềm năng phát triển sản xuất hàng không vũ trụ tại Việt Nam.
Ngoài ra, ông Jon Kevin Loebbaka cũng cho biết bản thân có tình cảm với Việt Nam.
"Khi lần đầu tiên đến UAC, tôi đã quản lý hoạt động của UAC tại Anaheim California trong 10 năm. Tại Anaheim California, UAC có lực lượng lao động Việt Nam đặc biệt tài năng, rất thành thạo các kỹ năng toán học, khoa học và gia công.
Tại đây tôi đã có những tình bạn cá nhân được thiết lập; từ kinh nghiệm làm việc tại California bắt đầu cho tôi thấy Việt Nam có thể trở thành điểm dừng chân tốt. Và chúng tôi đã chọn Đà Nẵng, Việt Nam", ông nói.