Thời phong kiến, các nước châu Âu thường có những vua chúa, quý tộc giàu có, bỏ tiền của giúp đỡ, tạo điều kiện cho các văn nhân, nghệ sĩ phát huy sáng tạo nghệ thuật của mình, điển hình là dòng họ Medici ở Italia.
Ở phương Đông cũng có hiện tượng tương tự, nhưng hơi nghiêng về việc hỗ trợ, nâng đỡ giúp cho người tài năng tiến thân. Câu chuyện sau nói về chính khách Trung Quốc nổi tiếng nước Tề thời cổ tên là Điền Văn, tước hiệu là Mạnh Thường Quân.
Điền Văn là hoàng thân quốc thích của vua Tề, lĩnh đất phong ở đất Tiết, thế lực bậc nhất ở nước Tề, là chính khách quan trọng, lịch duyệt, nhà ngoại giao mềm mỏng, biết dùng người tài giỏi.
Trong phủ của ông có thời gian chứa tới 3.000 môn khách giỏi mọi nghề, cầu tiến thân. Đa số họ là những người giỏi mưu lược, giỏi võ nghệ đến cầu quan tước, nhưng Điền Văn cũng sẵn sàng giúp nhà văn, họa sĩ, những người có tài lẻ hay khả năng đặc biệt nào đó.
Năm 298 TCN, nước Tần hùng mạnh ở phía Tây muốn mời đại diện nước Tề sang kinh đô Hàm Dương để thương nghị một số công việc quan hệ giữa hai nước và các bên liên quan.
Nhận được lời mời, vua Tề lo sợ không muốn đi nhưng không thể đừng được vì Tần mạnh nhất thời đó. Bàn định mãi, cuối cùng triều đình quyết định cử Mạnh Thường Quân đứng đầu phái bộ sứ giả sang Tần.
Bấy giờ Điền Văn mới được thủ hạ tiến dâng một mỹ nữ tuy ngoài 20 tuổi nhưng sắc đẹp đậm đà, nhạy cảm, hiểu tâm lý người tiếp xúc là Hứa Thị. Nàng hiểu thơ văn, nhạc họa, kiếm pháp và chính trị nên được Điền Văn nâng niu yêu chiều cho tham dự nhiều công việc và sinh hoạt của mình.
Khi quan truyền lệnh đọc chiếu chỉ, Điền Văn tiếp chỉ rất cung kính sau đó lập tức mời các mưu sĩ họp bàn. Ngồi với nhau đến tận tối mịt, mọi người chỉ quyết được là phải đi và mang thật nhiều người theo hộ tống.
Nàng Hứa Thị cũng tập trung suy nghĩ để tìm kế sách bảo vệ thần tượng của mình, vì ai cũng biết vào Tần thì dễ nhưng ra khỏi thì rất khó vì lòng dạ vua Tần bất trắc. Khi trăng lên, nàng Hứa, mưu sĩ Phùng Hoan và vài người nữa lên xong kế hoạch cho chuyến đi. Mọi người lúc đó mới ăn tối rồi đi nghỉ để sớm mai lên đường.
Đến kinh đô Hàm Dương, Điền Văn đem chiếc áo lông quý được ghép bởi bộ lông của hàng trăm con chồn trắng tặng cho vua Tần và tặng nhiều vàng bạc cho quan lại gần gũi vua Tần nhằm có các thông tin cần thiết. Sau khi được vua Tần tiếp trọng thị, đoàn được mời ra nghỉ ở quán xá và chẳng thấy vua Tần nhắc đến việc đóng dấu công văn cho về nước.
Thấy tình hình nguy hiểm, Điền Văn bắt đầu hành động. Khó nhất là phải nhờ quý phi Yên Cơ nói đỡ để vua Tần tha cho về, mà nàng thì lại đòi quà là chiếc áo lông chồn trắng, ác hay chỉ có một cái thì đã tặng vua Tần rồi.
Khâu này do hai kỳ nhân nhận làm, một người bắt chước tiếng mèo chuột đuổi nhau để bọn lính gác mất cảnh giác. Người kia dùng tài mở khoá lấy được chiếc áo lông. Đêm đó chiếc áo đến tay nàng Yên Cơ và khi được vua sủng hạnh nàng đã thuyết phục vua Tần tha cho đoàn sứ giả nước Tần.
Được truyền khẩu dụ vua Tần cho về, Điền Văn ngay trong đêm kíp sai người của mình khắc dấu giả đóng vào văn thư. Đoàn đến cửa ải Hàm Cốc trời chưa sáng mà luật nhà Tần là dù có văn thư đóng dấu nhưng gà chưa gáy thì quân giữ cửa ải không mở.
Lúc đó người giỏi bắt chước tiếng thú vật trong đoàn liền trổ tài bắt chước tiếng gà gáy làm cho gà cả vùng đua nhau gáy theo. Thế là đoàn của Mạnh Thường Quân đi trót lọt. Qua khỏi ải một đoạn, gặp được quân Tề đón sẵn thì lúc đó đội kỵ binh Tần đuổi theo mới đến ải, chúng chưng hửng vì không bắt được ai.
Sau này Tề Mẫn vương nghi ngờ lòng trung thành của Mạnh Thường Quân bèn cách chức và thu ấn tướng quốc của ông. Nhờ mưu của môn khách Phùng Hoan ông mới được trọng dụng lại.
Năm 298 TCN, Mạnh Thường Quân phát động thành công chính sách hợp tung, cùng liên quân Ngụy, Hàn đánh nước Tần. Dưới sự thống lĩnh của Mạnh Thường Quân, quân 3 nước cùng tiến đến ải Hàm Cốc, đuổi binh Tần lui.
Sang năm 297 TCN, quân 3 nước tiếp tục giao chiến và đánh bại quân Tần. Năm 296 TCN, Mạnh Thường Quân lại soái lĩnh liên quân đánh tới cửa Hàm Cốc lần thứ 2, chiếm được thành Diêm Thị.
Nhưng đến năm 286 TCN, Tề Mẫn vương diệt được nước Tống, nảy sinh kiêu ngạo, nghe lời xúi bẩy của nịnh thầy rằng Mạnh Thường Quân uy lấn chúa nên muốn giết ông. Mạnh Thường Quân lo sợ bèn trốn sang Ngụy.
Ngụy Chiêu vương cả mừng, phong Điền Văn làm tướng đem quân Ngụy liên minh với các nước Yên, Tần, Hàn, Triệu cùng đánh Tề. Quân Tề thảm bại, Mẫn vương trốn khỏi Tề rồi bị giết; đa phần lãnh thổ của nước Tề bị quân Yên chiếm giữ.
Năm 281 TCN, may có Điền Đan - một người trong tông thất nước Tề có tài dùng binh đuổi được quân Yên phục quốc, nhưng lúc này Mạnh Thường Quân giữ thái độ trung lập.
Vua mới của Tề là Tề Tương vương trọng nể và e ngại uy thế của Mạnh Thường Quân, cử tín sứ đến úy lạo ông, mời ông về nghỉ ngơi ở đất phong - đất Tiết cũ và tặng thưởng nhiều đồ vật quý hiếm…
Sử sách chép rằng tướng mạo Điền Văn không đẹp, người thấp nhỏ nhưng mồm rộng, mắt sáng, khi ngủ mới bộc lộ tướng đại quý: Ngủ thở rất nhẹ như con rùa nằm ngủ.
Sau khi ông mất (279 TCN), mấy người con ông tranh nhau quyền kế vị, nảy sinh mâu thuẫn khó hòa giải, nên không có ai đứng ra chịu “đứng mũi chịu sào” bảo vệ đất phong của cha. Hai nước Tề, Nguỵ nhân cơ hội liên hợp nhau tiêu diệt ấp Tiết. Thành Tiết bị vỡ, các công tử họ Điền, tướng sĩ hộ vệ, quân lính, dân tình đua nhau bỏ chạy nhưng ít người trốn thoát.
Đời sau cho rằng tuy Điền Văn có công với Tề nhưng cũng chịu trách nhiệm cho một số hành động sai quấy, tổn hại âm đức, ví dụ khi sang Triệu có người nước Triệu chê Điền Văn tướng mạo xấu, thân hình thấp bé, Điền Văn và thủ hạ giết hơn 100 người dân vô tội. Vì vậy nhà Điền Văn bị tuyệt tự không có người nối dõi. Đáng thương và buồn thay!