Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16-23/1.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng vừa có cuộc trao đổi với báo chí về ý nghĩa của việc người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tham dự những sự kiện này.
Xin Thứ trưởng cho biết những ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 54 này tại Thụy Sĩ?
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng : Có thể khẳng định WEF Davos tại Thụy Sĩ năm nay là hội nghị có quy mô lớn nhất kể từ sau đại dịch COVID-19, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế nhất từ trước đến nay.
Đã có hơn 100 lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế cùng gần 3.000 đại biểu là lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới khẳng định tham dự.
Trong bối cảnh, tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, Hội nghị là sự kiện quy mô lớn hàng đầu nhằm trao đổi các ý tưởng, tư duy, xu thế mới về hợp tác trên thế giới, cũng là cơ hội để tăng cường đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia, giữa các nước với các tổ chức để thúc đẩy hợp tác trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư.
Điều quan trọng nữa là Hội nghị giúp huy động sức mạnh tổng lực của toàn cầu, đặc biệt trong hợp tác công - tư giữa các chính phủ và doanh nghiệp để thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới và giải quyết nhiều thách thức toàn cầu hiện nay.
Với quy mô và ý nghĩa như vậy, chuyến công tác lần đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ tham dự hội nghị WEF Davos lần này mang nhiều ý nghĩa.
Đây là cơ hội rất giá trị để chúng ta nắm bắt những xu thế mới, những tư duy, ý tưởng mới, lắng nghe nhịp đập của thế giới, để từ đó tranh thủ, tận dụng hiệu quả, kịp thời những thời cơ, xử lý thách thức và tranh thủ tối đa nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt đã tạo dựng được cục diện đối ngoại rất thuận lợi cho phát triển đất nước. Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ lần này là cơ hội lý tưởng để quảng bá, chia sẻ những thông tin về tình hình, về thành tựu phát triển của Việt Nam, chủ trương, đường lối đối ngoại và định hướng phát triển của Việt Nam. Từ đó, chúng ta có thể chuyển hóa môi trường thuận lợi hiện nay thành những kết quả hợp tác kinh tế, những dự án đầu tư cụ thể và để tạo ra những động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chia sẻ những đánh giá, tầm nhìn, quan điểm phát triển, những đề xuất của Việt Nam về những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, giải quyết những thách thức toàn cầu từ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam, của ASEAN, sẽ tiếp tục thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, phát triển và các vấn đề toàn cầu. Qua đó tiếp tục khẳng định và nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.
Với sự tham dự rất đông đảo lãnh đạo các nước, Hội nghị sẽ là dịp để chúng ta tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa với quan hệ với các đối tác, các tổ chức quốc tế, trong đó có Thụy Sĩ, góp phần thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngay sau chuyến công tác tại WEF Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Hungary và Romania. Xin Thứ trưởng cho biết chuyến thăm 2 nước lần này mang những ý nghĩa đặc biệt như thế nào?
Đây là chuyến trao đổi đoàn ở cấp Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên giữa ta và Hungary sau 7 năm và lần đầu tiên giữa ta với Romania sau 5 năm.
Hungary và Romania là 2 trong số 10 nước đầu tiên đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Nhìn lại cái chặng đường hơn 70 năm qua, Hungary và Romania là hai nước luôn dành cho Việt Nam những tình cảm và sự giúp đỡ hết sức quý báu ở trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta cũng như trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.
Trong thời điểm chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Hungary và Romania là những nước đầu tiên ở EU cung cấp vắc-xin và trang thiết bị phòng, chống dịch cho chúng ta, giúp chúng ta vượt qua đại dịch. Hungary và Romania cũng là những quốc gia EU đầu tiên thúc đẩy ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Romania đã nỗ lực hết sức thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại đầu tư giữa Việt Nam và EU vào đúng ngày cuối cùng mà Romania đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của EU.
Chúng ta hết sức trân trọng và biết ơn những tình cảm và giúp đỡ rất quý báu của các bạn Hungary và Romania dành cho Việt Nam. Ngay trong quá trình phối hợp với các đối tác để chuẩn bị cho chuyến thăm, chúng tôi cảm nhận sâu sắc tình cảm và sự trân trọng của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và người dân 2 nước dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Với ý nghĩa sâu sắc như vậy và trên nền tảng quan hệ giữa hai nước trong hơn 70 năm qua, chúng tôi cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trên nhiều mặt.
Chuyến thăm sẽ tiếp tục góp phần triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, trong đó chúng ta luôn coi trọng và muốn làm sâu sắc hơn nữa với quan hệ với các đối tác, bạn bè truyền thống. Chuyến thăm sẽ tiếp tục gia tăng hơn nữa tin cậy chính trị với 2 nước, thúc đẩy và làm sống động những khuôn khổ hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam với Hungary và Romania.
Chúng tôi cho rằng chuyến thăm sẽ thúc đẩy và chuyển những lĩnh vực hợp tác truyền thống hiện nay sang giai đoạn mới, đặc biệt trong những lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa, lao động. Đồng thời, chúng ta sẽ thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác tiềm năng như khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, dược phẩm, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy giao lưu nhân dân....
Chuyến thăm cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy kết nối của Việt Nam với khu vực Trung Đông Âu cũng như giữa 2 nước với khu vực ASEAN, tăng cường hợp tác với 2 nước tại các diễn đàn đa phương, thúc đẩy giải quyết những thách thức chung của toàn cầu hiện nay.
Cảm ơn Thứ trưởng!