Đã bao giờ bạn từng đặt câu hỏi: "Tại sao trọng tài lại dùng thẻ phạt màu vàng và đỏ?", hay "Tại sao tay nắm cửa ở những nơi công cộng lại làm bằng đồng mà không phải những kim loại khác?". Tất cả những thứ tưởng như nhỏ nhặt và hiển nhiên này sẽ được giải thích trong bài viết sau.
1. Tại sao các bốt điện thoại ở London lại được sơn màu đỏ?
© deyangeorgiev2 / depositphotos
Là một trong những biểu tượng của nước Anh, những bốt điện thoại đầu tiên xuất hiện ở London từ năm 1920. Chúng được làm bằng bê tông, ban đầu có màu kem và chỉ cánh cửa mới được sơn màu đỏ. Nhưng chỉ 4 năm sau, các bốt đồng loạt "thay áo" với màu đỏ rực rỡ.
Màu sơn này thực sự hữu ích với tình trạng mù sương ở London, bao gồm cả khói từ các doanh nghiệp công nghiệp. Kế đó, đợt Đại sương mù London năm 1952 (sự kiện ô nhiễm không khí nghiêm trọng ảnh hưởng đến toàn thủ đô vào tháng 12 năm ấy) đã khiến thành phố gần như ngừng hoạt động.
Mọi sự kiện bị hủy bỏ vì mọi người không thể nhìn thấy sân khấu trong rạp hát hay màn hình trong rạp chiếu phim. Chỉ có hộp điện thoại màu đỏ vẫn "nổi bần bật" bất chấp điều kiện khắc nghiệt này.
2. Tại sao tay nắm cửa được làm bằng đồng ở những nơi công cộng?
© mrsiraphol / depositphotos
Các ion của một số kim loại (bao gồm bạc, thủy ngân, kẽm, đồng, chì, vàng và một số khác) có cơ chế tự khử trùng, gọi là hiệu ứng oligodynamic. Chúng có khả năng chống nấm mốc, virus và các vi sinh vật khác.
Đây là lý do tại sao tay nắm cửa được làm bằng đồng thau (một hợp kim của đồng và kẽm) có thể được làm sạch dễ dàng và giữ được trạng thái sạch khuẩn, ngay cả ở những nơi công cộng.
3. Từ khi nào mà các trọng tài bóng đá sử dụng thẻ màu đỏ và vàng?
© firo Sportphoto / Volker Nagrasz/DPA/East News
Trong trận đấu giữa Argentina và Anh vào năm 1966 đã diễn ra sự bất đồng ngôn ngữ trùng trùng điệp điệp vì trọng tài là... người Đức. Vì rào cản này mà cầu thủ bóng đá người Argentina, Antonio Rattin đã không hiểu (hoặc không muốn hiểu) những lời nói của trọng tài Rudolf Kreitlein. Sau đó, anh ấy bị loại khỏi sân trong khoảng 9 phút.
Ngoài ra, phía đội Anh lẫn khán giả cũng không thể nắm bắt được diễn biến của trận đấu với "sự góp mặt" của 3 thứ tiếng khác nhau.
Sau sự việc, Chủ tịch Uỷ ban Trọng tài FIFA – ông Ken Aston đã tạo ra một hệ thống thẻ phạt rõ ràng, có màu vàng và đỏ như ngày nay. Cũng từ đó mà ông Aston được biết đến là "cha đẻ của những chiếc thẻ phạt".
4. Những chiếc túi trên tay áo khoác jacket bắt nguồn từ đâu?
© Fabio Scaletta / pexels
Vào năm 1955, mẫu áo khoác MA-1 được tung ra. Nó là tiền thân của loại áo jacket kiểu phi công hiện đại ngày nay. Ban đầu, chúng được thiết kế cho phi công máy bay ném bom hạng nặng. Và cái túi nhỏ trên tay áo chính là dùng để đựng chìa khóa hay bao thuốc lá. Vì thế mà túi này còn được gọi là "túi thuốc lá" (cigarette pocket).
5. Tại sao áo trench coat lại có cầu vai?
© Jonas Gustavsson/Sipa USA/East News
Trench coat xuất hiện vào năm 1901 để thay thế cho những kiểu áo khoác nặng nề của người lính. Vì vậy, một số chi tiết đã được thiết kế để phù hợp hơn trong đời sống hàng ngày.
Ví dụ như phần cầu vai, ban đầu, chức năng của nó là giữ cho dây đeo băng đạn không bị trượt xuống và để tránh các vết trầy xước. Một điều thú vị khác áo khoác lính thường chỉ có 1 cầu vai do người lính chỉ vác súng ở bên thuận. Nhưng áo trench coat ngày nay thì phải có 2 cầu vai cho đều với đẹp.
6. Tại sao trên giày nam thường có các lỗ nhỏ?
Giày brogue, một kiểu giày được đục lỗ, lần đầu tiên được sử dụng bởi những người chăn bò vùng Ireland và Scotland vào thế kỷ 17. Họ làm việc ở những vùng đầm lầy nên đã chế tạo những lỗ nhỏ trên giày, giúp nó có thể khô nhanh hơn. Những lỗ đục đó sau này trở thành nét trang trí, và giày brogue trở nên phổ biến trong giới quý tộc.
Ban đầu những đôi giày này được mang ở vùng nông thôn và được coi là không trang trọng. Nhưng nhờ được Vua Edward VII yêu thích, mọi người cũng bắt đầu mang nó ở khắp mọi nơi.
(Theo Bright Side)