Giao dịch phát hành cổ phần cho tập đoàn JC&C đến từ Singapore mới đây đã khiến cái tên CTCP Ô tô Trường Hải - Thaco và ông chủ doanh nghiệp này là Trần Bá Dương "nóng" hơn bao giờ bết.
Bởi lẽ, với kế hoạch tăng vốn lên 16.950 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ cổ phần cho JC&C mức giá dự kiến phát hành lên đến 128.500 đồng/cổ phần. Như vậy, định giá của tập đoàn này sẽ lên mức 217.800 tỷ đồng (9,4 tỷ USD), tương đương với VinHomes.
Là ông chủ của Thaco, với việc nắm giữ cổ phần lên đến gần 71%, với mức vốn hóa 9,4 tỷ USD thì ông Dương và gia đình sẽ sở hữu khối tài sản trị giá lên đến 6,7 tỷ USD. Con số này sẽ tương đương với khối tài sản của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng - ông chủ Tập đoàn Vingroup - Người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt ở thời điểm hiện tại.
Giữa ông chủ Vingroup và Chủ tịch Thaco có khá nhiều điểm khá tương đồng mà ít người để ý đến.
1. Những người giàu nhất hành tinh
Trong năm 2018, bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh của tạp chí Forbes đã gọi tên 4 doanh nhân Việt. Đây là lần đầu tiên, bảng xếp hạng này của Forbes có nhiều đại diện đến từ mảnh đất chữ S như vậy.
Ngoài cái tên mới xuất hiện trong bảng xếp hạng 2018 là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát thì còn có Chủ tịch Thaco - Trần Bá Dương.
Khi đó, tài sản ước tính của ông Dương được Forbes tính toán đạt khoảng 1,8 tỷ USD, đứng thứ 1.339 trên thế giới. Khối tài sản này được Forbes tính toán theo nhiều tiêu chí nên mặc dù cổ phiếu của công ty ông Dương chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong khi đó, ông chủ Vingroup đã có 6 năm liên tiếp được xướng tên trong bảng xếp hạng danh giá này.
Từ năm 2013, ông Vượng được Forbes xếp hạng là tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam. Trải qua 6 năm, năm 2018, ông Vượng đã đứng ở vị trí người giàu thứ 499 thế giới với tài sản 4,3 tỷ USD. Cờn tính tới thời điểm hiện tại, tài sản ước tính của ông đạt khoảng 6,6 tỷ USD.
2. Bén duyên với bất động sản
Một điểm chung của cả ông Vượng và ông Dương là 2 doanh nhân này đều là những đại gia bất động sản.
Tập đoàn Vingroup của ông Vượng được biết đến với nhiều công trình bậc nhất xa hoa. Vincom Bà Triệu là dự án đầu tiên đánh dấu mốc quan trọng của Vingroup tại Hà Nội. Tiếp sau phải kể đến hàng loạt các công trình đô thị đẳng cấp như Vinhomes Royal City, Times City, Vinhomes Central Park...
Ngoài những dự án nhà ở hạng sang, Vingroup còn đầu tư nhều quẩn thể nghỉ dưỡng trải dài khắp đất nước như Vinpearl Land, Vinpearl City Hotel...
Đặc biệt, giữa năm 2018 vừa qua, Vingroup cũng khai trương Trung tâm thương mại Vincom Center Landmark 81. Với độ cao 461,3m, đây là tòa nhà cao nhất Việt Nam, đồng thời cũng là công trình cao thứ 8 trên thế giới.
Vincom Center Landmark 81
Dù không nổi danh trong làng bất động sản Việt như ông Vượng nhưng ông Dương cũng là một cái tên không thể không nhắc đến. Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải cũng nhảy vào bất động sản khi thâu tóm CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh.
Cuối 2014, Đại Quang Minh “nổi như cồn” với việc bỏ ra 8.265 tỷ đồng để đầu tư 4 tuyến đường tuyến đường tại Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức BT. Năm 2016, doanh nghiệp này tiếp tục làm nóng thị trường bất động sản khi đầu tư vào dự án khu đô thị Sala nằm tại vị trí đắc địa của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong báo cáo kiểm toán bán niên 2017, kinh doanh bất động sản đem về cho Thaco hơn 1.645 tỷ đồng doanh thu và 443 tỷ lợi nhuận.
Khu đô thị Sala
3. Kinh doanh đa nghề
Xu hướng phát triển doanh nghiệp đa ngành không còn quá mới lạ trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Trong top những tỷ phú đôla Việt do Forber xếp hạng, tất cả những doanh nhân đứng trong danh sách này đều là những doanh nhân điều hành các doanh nghiệp đa ngành nghề.
Tập đoàn Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng làm chủ tịch là một tập đoàn phát triển với 8 lĩnh vực chủ chốt bao gồm: Bất động sản, Du lịch - Vui chơi giải trí, Bán lẻ, Y tế, Giáo dịch, Nông nghiệp, Công nghiệp và công nghệ. Ở bất cứ lĩnh vực nào, khi tham gia, Vingroup đều đem đến cho thị trường những sản phẩm – dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Còn đối với ông Dương, mặc dù được Forbes xếp hạng trong lĩnh vực ô tô nhưng trong thực tế, ông đã rẽ sang bất động sản một cách ngoạn mục khi thâu tóm thành công Đại Quang Minh.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, Thaco đã công bố chiến lược phát triển đa ngành, đó là hướng tới một siêu tập đoàn với nhiều mảng kinh doanh khác nhau sẽ gây dựng một hệ sinh thái đa dạng, cùng hợp lực bổ trợ cho mảng chủ lực ô tô nhấn ga tăng tốc.
"Chiến lược phát triển đa ngành của Tập đoàn dựa trên quan điểm liên doanh liên kết hợp tác cùng phát triển không cạnh tranh lẫn nhau và tạo ra hệ sinh thái doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập", ông Trần Bá Dương chia sẻ.
4. Gia đình nghìn tỷ
Gia đình ông Phạm Nhật Vượng và gia đình của ông Trần Bá Dương đều là những gia đình thuộc vào hàng giàu bậc nhất Việt Nam (tính theo cổ phiếu đang nắm giữ tại doanh nghiệp).
Tại VIC, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu trực tiếp 876 triệu cổ phiếu VIC. Ngoài ra, ông đang đại diện cho VIC năm 1,166 tỷ cổ phiếu VinHomes.
Vợ ông Vượng là bà Phạm Thu Hương đang có 151,1 triệu cổ phiếu VIC. Em vợ và chị vợ là Phạm Thúy Hằng và Phạm Hồng Linh cũng đang có trong tay lần lượt là 101,1 triệu và 12,1 triệu cổ phiếu VIC. Tính tổng chung, gia đình ông Vượng đang có khối tài sản lên đến 8 tỷ USD.
Ông Dương nắm giữ gần 8% cổ phần của Thaco. Vợ ông là bà Vương Diệu Hoa cũng đang sở hữu hơn 16 triệu cổ phiếu THA. Công ty Trân Oanh do ông Dương và bà Hoa sở hữu 100% vốn cũng có hơn 161,6 triệu cổ phiếu THA.
Các thành viên khác của gia đình là ông Trần Bá Hùng và bà Trần Thị Bạch Tuyết (em trai và em gái ông Dương) cũng lần lượt năm 885 nghìn và 4,7 triệu cổ phiếu THA.
Tạm tính với mức vốn hóa 9,4 tỷ USD (khi cổ phiếu được phát hành có giá trị 128.500 đồng/cổ phiếu) thì ông Dương và gia đình sẽ sở hữu khối tài sản trị giá lên đến 6,7 tỷ USD.