Ngày 8-10, Báo Khoa học và Đời sống phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và xã hội, Hội người cao tuổi quận 11 (TP.HCM) tổ chức chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” với chủ đề “Bệnh lý thoái hóa khớp gối – ký sinh trùng thường gặp ở người cao tuổi”. Chương trình có sự tham gia của 450 hội viện Hội người cao tuổi của quận.
Theo PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc BV Nguyễn Trãi, chuyên gia trong lĩnh vực ký sinh trùng (KST), bệnh KST rất phổ biến trong cộng đồng. KST có thể lây qua đất phổ biến là giun móc , giun lươn. Lây qua thực phẩm như amip Entamoeba histolytica, giun đũa , giun tóc giun Gnathostoma sp, sán dải heo, sán dải bò, sán lá lớn ở gan.
Đặc biệt bệnh nhiễm giun xoắn qua thịt thú rừng có thể gây phù mắt, nhức đầu, đau cơ, rối loạn tiêu hóa, sốt kéo dài…KST lây qua thú nuôi như: Toxocara canis (giun đũa ở chó), Toxocara cati (giun đũa ở mèo), giun móc chó mèo…
KST làm cho người bệnh bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, suy nhược cơ thể. Bệnh thường có nhiều dạng như thể nội tạng, thể ở não, thể ở mắt. Thể ở não gây chèn ép não, hôn mê, tỉ lệ tử vong cao. Thể ở mắt gây mù mắt, hay gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Ở người già, người suy giảm miễn dịch, bệnh nặng hơn.
Giun móc chui dưới da. Ảnh: Internet
Do đó, người dân ở các đô thị lớn, nhất là gia đình có thói quen nuôi thú cưng như chó, mèo cần chú ý bệnh nhiễm KST từ vật nuôi. Theo BS Siêu, trứng giun đũa chó, mèo khi đi vào ống tiêu hóa của người sẽ nở thành ấu trùng đi xuyên qua thành ruột, theo máu đến nhiều cơ quan.
BS Siêu khuyến cáo người dân nên chú ý các dấu hiệu nhiễm KST như: nổi mẩn ngứa, đau bụng lâm râm quanh rốn, ăn khó tiêu, đầy hơi, mệt mỏi suy nhược không rõ nguyên nhân... Nhiều người xuất hiện triệu chứng mờ mắt dần dần, mù mắt, nhức đầu dữ dội, nôn ói, liệt, co giật, sưng to bất thường trên cơ thể, nổi nhiều nốt như hạt gạo dưới da...
“Nhiễm KST sau khi điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm, do vậy cần có biện pháp phòng ngừa theo dõi liên tục trong vài năm. Không nên tự điều trị tại nhà mà cần có sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn về ký sinh trùng.
Cạnh đó, người dân nên đi xét nghiệm kiểm tra phân ít nhất mỗi 6 tháng một lần, hoặc thử phân ngay khi có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, xanh xao… Đây là phương pháp xét nghiệm rất đơn giản, tiện lợi nhưng phát hiện nhiều loại ký sinh trùng tại đường ruột, giúp chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả bệnh.
Nếu muốn tầm soát kỹ hơn về bệnh nhiễm ấu trùng giun ở nội tạng, có thể thử máu để phát hiện bệnh”, BS Siêu hướng dẫn.
Người cao tuổi quan tâm các bệnh lý đặt câu hỏi tại chương trình. Ảnh: HL
Với bệnh lý thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi, ThS-BSCK2 Phan Văn Ngọc, Khoa Chấn thương Chỉnh hình – BV SAIGON, Phú Nhuận, chia sẻ bệnh lý này xảy ra khi có sự mất cân bằng bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn. Bệnh thường xảy ra ở người trung niên và lớn tuổi.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh có thể do nguyên phát hoặc thứ phát. Ở thể nguyên phát, thường xảy ra ở người trên 60 tuổi, có yếu tố di truyền hay béo phì. Với thể thứ phát, có thể xảy ra sau chấn thương gãy xương, trật khớp, khớp giả hay do viêm cột sống dính khớp, lao khớp, bệnh gút...
Cũng theo BS Ngọc, điều trị thoái khóa khớp gối thường lâu dài, tốn kém rất nhiều. Do đó người cao tuổi cần có chế độ ăn uống hợp lý, chống béo phì, có chế độ thể dục thể thao hợp lý, phát hiện điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp…
Người cao tuổi neo đơn, khó khăn được trao quà tại chương trình. Ảnh: HL
Bên cạnh chương trình "Vui khỏe mỗi ngày", Báo Khoa Học và Đời Sống cũng trao 400 suất quà trị giá gần 200.000 đồng cho người cao tuổi tham dự chương trình. Cạnh đó còn dành tặng 50 phần quà, mỗi phần quà trị giá trên 400.000 đồng cho những người cao tuổi neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận 11.