Rowan Atkinson được xem là một trong những diễn viên có ảnh hưởng lớn tới thể loại hài không lời thoại của nước Anh đương đại.
Với khả năng tạo nên tiếng cười độc đáo nhờ lối diễn xuất tự nhiên cùng biểu cảm gương mặt hóm hỉnh, ông được bình chọn là một trong 50 diễn viên hài kịch xuất sắc nhất Anh Quốc bởi thời báo The Observer.
Sắp tới đây Rowan Atkinson sẽ trở lại với vai diễn chàng điệp viên "hào hoa" và "phong độ" trong phần 3 của loạt phim hài – hành động ăn khách Johnny English với tựa đề Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ.
Điệp viên Johnny English đã nghỉ hưu sẽ phải tái xuất khi danh tính của hàng loạt điệp viên nước Anh bị tung hết lên mạng Internet.
Trước đó, ông đã từng có nhiều vai diễn hài hước khiến khán giả khó quên.
1. Quý ngài khờ khạo Bean trong series Mr. Bean
Trong suốt gần 4 thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Rowan Atkinson được biết đến nhiều nhất qua vai diễn Ngài Bean trong series phim truyền hình hài kịch cùng tên.
Dù trước đó, Rowan Atkinson đã từng đạt được nhiều thành công với những series truyền hình như Not the Nine O'Clock News hay The Black Adder... nhưng chỉ sau vai diễn trong Mr. Bean, anh mới thực sự trở thành ngôi sao.
Bộ phim truyền hình hài hước này nổi tiếng tới mức các nhà sản xuất đã quyết định đưa Mr. Bean vào phim hoạt hình, truyện tranh và cả màn ảnh rộng.
Trong phim, Ngài Bean hiện lên là một người lập dị, ngốc nghếch và cô độc khi chỉ có duy nhất chú gấu bông Teddy nhỏ bé bên cạnh để bầu bạn. Hàng loạt những tình huống dở khóc dở cười đã diễn ra bởi cách xử lý không giống ai của Bean khiến khán giả vừa thấy thương cảm vừa thấy buồn cười.
Sự ngây ngô, khuôn mặt ngốc nghếch đã biến Mr. Bean trở thành thương hiệu độc nhất vô nhị, không thể có được bản sao thứ hai.
Mặc dù Rowan Atkinson hiện đã gửi lời chào tạm biệt với vai diễn để đời này nhưng hình ảnh Ngài Bean diện bộ vest làm từ vải tweed nâu, cổ thắt cà vạt đỏ và đi chiếc xe ô tô cổ màu vàng chanh quen thuộc với những cử chỉ, dáng điệu tếu táo, hóm hỉnh và không kém phần duyên dáng ấy sẽ mãi in sâu trong lòng mỗi khán giả yêu điện ảnh.
Mr. Bean là series phim do chính Rowan Atkinson cùng Robin Driscoll, Richard Curtis và Ben Elton xây dựng kịch bản xuyên suốt 5 năm series này tồn tại từ ngày 1/1/1990 đến ngày 15/12/1995.
Có một điều ít người biết đó là ngay cả khi tập phim đầu tiên được sản xuất, tên nhân vật chính vẫn chưa được xác định.
Ban đầu, để đặt tên cho nhân vật người đàn ông ngốc nghếch, đậu hậu và đáng yêu này, tổ làm phim đã đưa ra một loạt những cái tên ngộ nghĩnh, dễ đọc dễ nhớ như Mr. White (Ngài Trắng) hay Mr. Cauliflower (Ngài Súp Lơ)…
Nhưng rồi sau cùng, chính Rowan Atkinson đã quyết định gọi tên "đứa con tinh thần" của mình là Mr. Bean, cái tên được ông lấy cảm hứng từ một nhân vật hài kịch trong tác phẩm của nhà biên kịch và đạo diễn người Pháp Jacques Tati.
Rõ ràng đây là một quyết định khôn ngoan của nhà biên kịch Rowan, bởi "Bean" (Hạt Đậu) dễ đọc, dễ nhớ này đã thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tên tuổi của nhân vật bay cao bay xa và in đậm vào trong tâm trí của khán giả trên thế giới.
2. Chú vẹt Zazu trong Lion King
Lồng tiếng cho phim hoạt hình là 1 trải nghiệm điện ảnh mà không phải diễn viên nào cũng có, đặc biệt là với những dự án với quy mô "cực khủng" như The Lion King.
Với việc tham gia góp giọng cho nhân vật chú chim mỏ sừng Zazu trong bộ phim nổi tiếng của Walt Disney, Rowan Atkinson đã chứng tỏ khả năng hài hước của ông không chỉ thể hiện qua dáng điệu cử chỉ mà còn cả trong từng lời nói.
Nếu trong series Mr. Bean, Rowan Atkinson gần như không có mấy lời thoại thì trong The Lion King, khán giả sẽ thấy một Rowan Atkinson hoàn toàn khác, tinh nghịch và không kém phần hài hước dưới chất giọng tài tình.
Thủ vai Zazu, một cố vấn, cận thần trung thành và đắc lực của Mufasa, bố của chú sư tử Simba. The Lion King cũng là một trong những bộ phim hoạt hình đạt doanh thu khủng của Nhà Chuột khi cán mốc doanh thu 968 triệu USD toàn cầu.
Bộ phim nhận được 92% đánh giá tích cực trên trang web phê bình điện ảnh Rotten Tomatoes.
The Lion King còn là tượng đài của nền phim Hoạt hình Thế giới.
3. Điệp viên "siêu đẳng" Johnny English trong series Johnny English
Sự thành công ở những dự án sau này cho thấy không những Atkinson có duyên với sitcom mà trong địa hạt màn ảnh rộng ông cũng đạt được những thành tựu đáng kể.
Chia tay vai diễn Ngài Bean khờ khạo, Rowan Atkinson đã tiếp tục sự nghiệp điện ảnh cùng hình ảnh chàng điệp viên Johnny English trong series phim cùng tên.
Johnny English kết hợp 2 thể loại phim không có vẻ liên quan gì với nhau là hành động và hài nhưng dường như chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt và thành công cho bộ phim kể từ khi ra mắt công chúng.
Những thước phim này được khán giả ái mộ nhờ sở hữu những pha hành động rất "chất", phần kỹ xảo đẹp mắt cùng nội dung lôi cuốn xen những tình huống hài hước đến chảy nước mắt.
Có lẽ bởi vậy, bộ phim đã nhanh chóng gặt hái về cho nhà sản xuất mức doanh thu khủng. Phần đầu tiên với tên gọi Johnny English ra mắt vào năm 2003 đã thu về 160 triệu USD trong khi ngân sách bỏ ra ước chừng chỉ 35 triệu USD.
Sau đó 8 năm, phần 2 với tên gọi Johnny English Reborn ra mắt cũng đã mang về 164 triệu USD, gấp gần 4 lần kinh phí bỏ ra ban đầu.
Trong phần hai của loạt phim, chàng điệp viên Johnny English đã ẩn mình tu luyện ở một vùng núi hẻo lánh.
Trailer phim Johnny English: Tái xuất giang hồ.
Nhân dịp phim Johnny English: Tái xuất giang hồ ra mắt khán giả Việt Nam. Nhà phát hành CJ CGV gửi tặng độc giả 4 cặp vé tham dự buổi công chiếu bộ phim tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Để nhận được vé công chiếu, mời độc giả chia sẻ bài viết này và để lại thông tin dưới phần bình luận. Ban biên tập sẽ liên lạc với các độc giả may mắn.