Từ ngày 4 - 11/10, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã họp bàn nhiều vấn đề quan trọng, từ vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số, đến xem xét lại hệ thống bộ máy tổ chức sự nghiệp công lập sao cho hiệu quả. Có lẽ, điểm nhấn đặc biệt và cũng là nội dung được dư luận xã hội trông đợi nhiều nhất là sắp xếp lại bộ máy tổ chức và tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị.
Đây là điểm nhấn đặc biệt bởi vấn đề sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế đã có chủ trương từ nhiều năm, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đã nhiều lần triển khai nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Kỳ này, Trung ương, Bộ Chính trị , Tổng Bí thư đã thể hiện quyết tâm rất cao, dư luận đặt kỳ vọng rất lớn vào quyết tâm đó.(Ảnh: VTV)
Vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được BCH Trung ương coi là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. (Ảnh: Báo Giao Thông)
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh, phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở nước ta phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; trên cơ sở đó xác định những công việc cần thiết và có thể triển khai thực hiện ngay.
Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; Có chính sách phù hợp để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm". Xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính...
Bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp của quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Trong ảnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng UBND huyện Ia Grai. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Gia Lai)
Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao; còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn. Ví dụ như: Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ. Trong ảnh, trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, Trung ương khẳng định phải đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập. Trong ảnh, người dân thực hiện thủ tục hành chính tại UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Lao Động)
Phải khẩn trương sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm tình hình của từng ngành, lĩnh vực và địa bàn, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, nhưng không thương mại hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học - công nghệ có đủ điều kiện thành doanh nghiệp, bao gồm cả hình thức công ty cổ phần. (Ảnh minh họa, nguồn Tạp chí Tài chính)
Về công tác dân số, Trung ương khẳng định: Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Coi công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững; Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách... (Ảnh: Báo Tin Tức)
Đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước với quy mô dân số hợp lý (khoảng 104 triệu người vào năm 2030). Tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Ngăn ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con. (Ảnh minh họa, nguồn 24h.com)
Về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân, BCH Trung ương yêu cầu tập trung ưu tiên đầu tư từ ngân sách và có cơ chế, chính sách phù hợp huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để phát triển y tế và các dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Không ngừng phấn đấu nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; bảo đảm mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe; bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia và hưởng thụ bảo hiểm y tế và các dịch vụ có liên quan. (Báo Quảng Ninh)
Một điểm nhấn trong công tác cán bộ, đó là BCH Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng bằng hình thức cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Dư luận cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc.(Ảnh: VNN)
Cùng với quyết định kỷ luật Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Bộ Chính trị cũng đã họp và đi đến quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong ảnh, Tập thể Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)